Gia tài tình thương

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi Mây lang thang, 1/2/12.

  1. Mây lang thang

    Mây lang thang
    Expand Collapse
    Moderator

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    53
    Thích đã nhận:
    8
    Money:
    0$
    (SGTT.VN) - Không phải các khuôn mẫu và trách nhiệm xã hội, mà chính là tình thương yêu sẽ làm nên một mái ấm.

    Con người không thể lựa chọn nơi chốn mình được sinh ra và ai là cha mẹ mình, nhưng tới khi trưởng thành lại có thể lựa chọn cách mình lập gia đình riêng và xây dựng nó ra sao. Xã hội không ngừng phát triển phần lớn nhờ vào những nỗ lực xây dựng tổ ấm ấy. Gia đình, đối với nhiều người, là thước đo hạnh phúc và thành công của họ, là tài sản vô giá mà họ có thể đóng góp cho xã hội.

    [​IMG]

    Khái niệm hiện đại về một gia đình không còn gò bó trong mô hình cha mẹ và con cái. Ngày nay có không ít các gia đình “một thế hệ” khi các cặp vợ chồng không có con, hay các gia đình “đơn thân”, chỉ có cha hoặc mẹ nuôi dạy con cái. Mặc dù các chuẩn mực có vẻ ít khắt khe hơn, các gia đình hiện đại vẫn gặp phải nhiều áp lực. Khi sắp sửa và thực sự bước vào cuộc sống gia đình, hầu như bất cứ ai cũng đều nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cách mình xây dựng tổ ấm. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Mọi chuyện xảy ra trong một gia đình trẻ, từ việc mua nhà, sắm sửa đồ dùng, tới việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái đều liên quan tới những cuộc đối thoại và bàn thảo giữa vợ và chồng hay giữa cha mẹ và con cái.

    Một gia đình trẻ được xây dựng ra sao không còn tuỳ thuộc vào ý thích và nguyện vọng riêng của mỗi người, mà tuỳ thuộc vào khả năng dung hoà tất cả những mối quan tâm của các thành viên trong gia đình. Riêng đối với các cặp vợ chồng trẻ, việc xây dựng gia đình chỉ thực sự bắt đầu khi cả hai thống nhất được những gì là mục tiêu thiết yếu nhất cho gia đình của họ, và phải làm thế nào để đạt được những mục tiêu đó. Khi có con, mái ấm còn là nơi ấp ủ những ước mơ thuở nhỏ của cha mẹ. Hầu như bất cứ ai khi làm cha mẹ đều tự hào là mình đã cố gắng và làm được rất nhiều cho con cái. Song trách nhiệm, bổn phận và tình thương yêu lại có những lý lẽ và tác dụng riêng, nhiều khi không tuỳ thuộc vào cố gắng của họ.

    Tôi sẽ cho con tôi làm những việc tôi từng mơ ước

    Có một thực tế là hầu như tất cả chúng ta đều mong muốn làm được những điều mà chúng ta mơ ước từ nhỏ nhưng chưa thực hiện được cho gia đình mới của mình. Thường những ai có một tuổi thơ thiếu thốn sẽ cố gắng làm sao có được thật nhiều tiền bạc và của cải để các con mình sống được đầy đủ hơn. Ai ngày nhỏ hay bị đánh đòn sẽ tâm niệm là mình sẽ không bao giờ đánh con. Ai ngày nhỏ muốn đi học đàn học hát mà không có điều kiện thì sẽ cho con đi học nhạc mà không cần biết con mình có năng khiếu hay không. Khi con trai tôi lên hai, tôi đã cố dành dụm tiền mua ngay một chiếc piano cũ, để nó có thể thực hiện được giấc mơ thuở nhỏ của mình. Nhìn nó ngồi trên ghế đàn, chân không chạm đất, tôi mãn nguyện nghĩ rằng thế là nó đã may mắn hơn mình, được đi học piano! Có không ít các bậc cha mẹ cũng làm như tôi, thay vì lắng nghe và quan sát xem con mình muốn gì và có khả năng ra sao, thường vội vàng bắt chúng thực hiện những mong muốn của mình.

    … và một gia đình sung túc

    Nhiều đôi vợ chồng trẻ thì cho rằng nếu không có một cơ sở vật chất và tài sản nhất định, sẽ không thể có một gia đình hạnh phúc. Thay vì dành thời gian gần gũi và cùng nhau chia sẻ các công việc trong nhà, họ lao ra đường mỗi người mỗi ngả tìm cách đem về nhà càng nhiều của cải càng tốt. Nhưng như một câu nói cũ, “tiền bạc có thể xây dựng được một ngôi nhà nhưng không làm nên một mái ấm”, nhiều cặp vợ chồng đánh mất nhau trong cuộc mưu sinh khốc liệt đó.

    Cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ lấy lý do bảo đảm cuộc sống dễ chịu cho con cái để chú tâm vào công việc kiếm tiền thay vì dành nhiều thời gian cho con. Khi nhận ra rằng con cái không cần tiền bạc, mà chính là cha mẹ chúng, thì đã quá muộn. Bạn có thể không đồng ý với tôi, và cho rằng bên cạnh tình thương cần phải có trách nhiệm. Nếu vợ chồng hay cha mẹ không thực hiện được bổn phận xây dựng nền tảng vật chất cho gia đình, thì gia đình không thể tồn tại. Hãy nhìn lại mấy chục năm trước đây, khi cuộc sống còn thiếu thốn muôn phần, nhưng trong mỗi gia đình nhỏ vẫn đầy ắp tiếng cười của con cái. Tôi vẫn nhớ như in mỗi lần tết đến được theo bố về quê nội. Trong không khí se lạnh của mùa xuân, bố tôi gò lưng chở tôi trên con đường đất đỏ từ bến xe buýt về làng. Vừa đi ông vừa kể các câu chuyện thời niên thiếu của mình. Tôi được xem mổ lợn, gói bánh chưng, những thứ mà ở thành phố chật hẹp và nghèo nàn ngày đó, tôi chưa được thấy bao giờ.

    Tôi lại nhớ mẹ tôi mỗi chiều đi dạy học về, tất tả chạy ra chợ mua vội mớ rau, về dạy tôi nhặt và nấu canh. Rồi vừa làm cơm chiều bà vừa tiếp chuyện cô giáo của em tôi, người đã trở thành bạn thân của bà từ lúc nào. Chúng tôi lớn lên chứng kiến bố mẹ mình đi làm, chăm sóc mình, kết bạn và quan hệ xã hội, cảm thấy vừa gần gũi vừa ngưỡng mộ. Vì một điều đơn giản là họ dành rất nhiều thời gian bên con cái. Đối với họ, tiền bạc cũng quan trọng nhưng không bao giờ đồng nghĩa với trách nhiệm hay bổn phận, và càng không bao giờ quan trọng hơn tình thương yêu.

    Tình thương yêu giữa vợ và chồng hay giữa cha mẹ và con cái tuy là những tình cảm tự nhiên, nhưng luôn luôn cần được vun đắp. Ngày nay, khi cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, thì ở nhiều gia đình con cái lại gặp osin nhiều hơn gặp cha mẹ, thạo việc gọi phone hay chat hơn là khoe trực tiếp với cha mẹ mình một điểm 10, và dần dần cảm thấy không có nhu cầu gần gũi họ nữa. Trong những gia đình như thế, mọi thứ dường như đều thừa thãi, kể cả cái gọi là trách nhiệm, nhưng lại thiếu vắng tình thương.

    Gia đình là tế bào của xã hội, nơi mỗi thành viên đều thực thi trách nhiệm cộng đồng của mình. Nhưng khác với toàn xã hội, nền tảng của gia đình là tình thương chứ không phải là trách nhiệm, vì đó mới là chất nhựa gắn kết các thành viên trong gia đình. Cha mẹ có thể ngày đêm cố gắng tạo dựng gia tài để lại cho con cái sau này, nhưng ngay bây giờ họ có thể làm hơn thế rất nhiều, là dành thêm nhiều thời gian chăm sóc con cái mình và tình thương yêu cho chúng.

    Và tôi cũng tin chắc là bất cứ cha mẹ nào cũng thích được nghe những lời yêu thương từ con cái, hơn bất cứ món quà hay lời chúc năm mới nào. Những lời ta chỉ nghe được trong nhà mình, mà không ở một nơi nào khác. Tình thương yêu ấy, chứ không phải tiện nghi hay của cải, đã dẫn mỗi người tìm về gia đình của mình mỗi dịp xuân sang.

    Lã Hoa
    ảnh: Zhivago​
     
    bichphuong thích nội dung này.
  2. Cỏ May

    Cỏ May
    Expand Collapse
    Member

    Tham gia:
    26/11/11
    Bài viết:
    60
    Thích đã nhận:
    30
    Money:
    0$
    Có gì hơn tình thương nữa chứ? ai cũng cần tình thương, sống có tình thương với người khác và được người khác thương lại. Tình thương chữa lành mọi nổi khổ niềm đau trên thế gian. Làm sao để có tình thương?

    Xã hội bình yên là xã hội có nhiều gia đình bình yên, gia đình bình yên tức là gia đình có nhiều thành phần bình yên, con người bình yên là con người có tâm hồn bình yên, muốn bình yên thì phải sống có tình thương. Vì tình thương là chất liệu để tạo nên sự thanh thản, thảnh thơi, và bình yên.

    Vậy, có tình thương là có tất cả. Mà muốn có tình thương thì ... hihi, phải Hiểu về trái tim mình!
     
    bichphuong thích nội dung này.
  3. bichphuong

    bichphuong
    Expand Collapse
    Active Member

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    182
    Thích đã nhận:
    72
    Money:
    0$
    Bạn Cỏ May..hiểu về trái tim quá..hjhj!
     

Chia sẻ trang này