Người mẹ liệt và ba đứa con trong ngôi nhà dột

Thảo luận trong 'NHÂN ĐẠO' bắt đầu bởi hoahuongduong, 12/11/12.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Sau tai nạn đường sắt cướp đi sinh mạng của chồng, chị Trần Thị Dung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị liệt nửa người nhưng vẫn cố đi xe lăn buôn trứng, bán gạo nuôi ba con, trong đó đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi.

    [​IMG]
    Cả ngày được các bác hàng xóm bế đi chơi và cho ăn,
    đến tối cu Hiếu mới về nhà. Ảnh: Bình Minh.​

    Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã tới thăm, tặng quà các nạn nhân và gia đình sau tai nạn giao thông, trong đó có chị Dung. Hoàn cảnh khó khăn, chị Dung được miễn phí điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Con lớn của chị đang học năm thứ hai Học viện Bưu chính Viễn thông cũng được miễn học phí...

    Ngày 20/11/2011, vợ chồng chị Dung gặp tai nạn trên quốc lộ 6 khi đang đi đám cưới. Đến chỗ giao với đường sắt không có rào chắn, vợ chồng chị bị tàu hút vào. Người chồng bị kéo lê 10 m và chết tại chỗ còn chị Dung bất tỉnh. Ngay sau đó, chị được đưa vào viện cấp cứu. Bị đa chấn thương, đứt tủy và gãy xương đùi, chị trở thành tàn phế.

    Mếu máo, chị nhớ lại những ngày đầu khi tai nạn mới xảy ra: "Tôi phải mổ từ rốn xuống, khắp người dây dợ chằng chịt. Các bác sĩ còn lắc đầu khi không biết tôi có sống nổi không. Mãi sau khi tôi tỉnh và dần ổn định, mọi người trong nhà mới cho tôi biết chồng đã mất".

    Đến giờ, chị Dung vẫn áy náy khi chưa biết mộ chồng và chỗ thờ chồng vì nhà mấp mô, xe lăn không xuống được.

    [​IMG]
    Cậu út mới 3 tuổi nhưng đã biết dỗ dành mẹ. Ảnh: Bình Minh.​

    Năm 1997, vợ chồng chị từ Hà Nam ra Hà Nội thuê nhà trọ buôn trứng. Sau nhiều năm ở lê la khắp các khu nhà trọ giá rẻ, vợ chồng chị chắt chiu và vay mượn mua được ngôi nhà cấp bốn ở phố Thanh Nhàn. Căn nhà dột nát, nền cao thấp mấp mô nên vợ chồng chị tính sang năm được tuổi sẽ xây nhà. Chưa kịp thực hiện thì tai nạn ập đến, dự định ấy đành gác lại chưa biết đến lúc nào. Số tiền dành dụm được trước đây đều đổ dồn vào chữa bệnh cho chị Dung khiến gia đình giờ kiệt quệ, không đủ ăn.

    Thương tình, các mối bán trứng vẫn mang hàng tới cho mẹ con chị Dung bán ở nhà. Người anh chồng ở quê cũng giúp em mua gạo về nhà bán cho hàng xóm kiếm "đồng ra đồng vào". Giờ, nồi cơm nhà chị trông chờ cả ở quả trứng, cân gạo bán được.

    Xẩm tối, chị Dung từ bệnh viện trở về nhà trên chiếc xe lăn. Đi qua chợ, người bán hàng thương tình dúi cho chị mớ rau hay bìa đậu. Chị giục người chị họ đẩy xe nhanh về nấu cơm cho mấy đứa nhỏ. Lúc trưa, cô con gái thứ hai đang học lớp 8 mếu máo gọi điện cho mẹ kêu đói vì không có chìa khóa vào nhà. Đã gần một năm nay, cuộc sống của chị gắn với chiếc xe lăn vì bị liệt nửa người, vệ sinh cá nhân không tự chủ được.

    Trong căn nhà dột nát, người phụ nữ này nằm trên giường, một tay giữ ống thông tiểu, tay còn lại với ôm lấy cậu con út 3 tuổi cho đỡ nhớ. Hàng ngày, cậu bé được các nhà bên cạnh thay phiên nhau nuôi ăn và bế đi chơi đến tối mới mang trả. Từ sau tai nạn của bố mẹ, cậu bé lớn lên nhờ tình yêu thương và cơm của hàng xóm.

    Thấy mẹ khóc, cậu bé lém lỉnh hôn lên trán mẹ rồi thắc mắc: "Sao mẹ lại hóc". Nói rồi, cậu bóc gói bim bim vừa được cho bón cho mẹ và cười thích thú khi phát hiện có món đồ chơi xe máy xếp hình bên trong. Cô chị tên Ngọc thấy vậy cũng leo lên giường bóp chân cho mẹ. Nhịn đói từ trưa, mãi tới tối cô bé mới lót dạ bằng bát bún riêu của bác hàng xóm mang sang. Cậu anh cả đi học xa bằng xe buýt nên buổi tối thường về muộn. Giờ có các bác ở quê thay phiên nhau lên chăm sóc mẹ, cậu mới đỡ. Trước đó, tắm rửa cho mẹ hay giúp mẹ đi tiểu đều đến tay cậu.

    Từ lúc mẹ liệt, hai đứa con lớn nhà chị Dung phải tự lo chuyện sinh hoạt, học hành. Cả hai được đánh giá ngoan ngoãn, học giỏi. Cậu anh tên Hải hiện là sinh viên vẫn luôn được học bổng còn cô em gái kỳ nào cũng được giấy khen học giỏi và là lớp phó học tập. Không chỉ thay bố làm trụ cột trong nhà, Hải còn chăm sóc, thay rửa cho mẹ. Nhắc đến con, chị Dung òa khóc: "Thằng lớn bảo tôi, mẹ là mẹ của con nên con không ngại gì cả. Tôi nghĩ cũng tội nghiệp cho nó. Nếu là con gái thì đỡ, đằng này lại là con trai...".

    Những đợt có người nhà ở quê lên giúp việc nhà, cậu con trai đều dặn các bác thay rửa cho mẹ cẩn thận vì sợ mẹ viêm nhiễm. Nghĩ mình nằm một chỗ không kiếm được tiền nuôi các con, có lần chị Dung định để đứa con lớn nghỉ học. Thương mẹ, Hải mếu máo đồng ý nhưng vẫn mong muốn được đi học để sau này có nghề. Người thân và hàng xóm biết chuyện đều khuyên chị Dung để con tiếp tục học, có khó khăn mọi người sẽ giúp đỡ. Cuối cùng, chị Dung đồng ý để con đến trường mà lòng thấp thỏm lo âu.
    [​IMG]
    Những ngày mưa, chỗ chị Dung nằm bị dột.​
    Chị lo mưa bão nhà đổ không chạy được. Ảnh: Bình Minh.​

    Muốn con không phải khổ, người mẹ này từng có ý định cho đi cậu con út tên Hiếu mới 3 tuổi. Cậu bé lém lỉnh và ít quấy. Hàng ngày Hiếu được các bác hàng xóm đưa đi siêu thị, đi chơi nên bé rất thích. Về đến nhà thấy mẹ khóc, Hiếu mon men lại gần dỗ dành và hỏi lúc nào chân mẹ khỏi để còn đưa con đi siêu thị. Không ít cặp vợ chồng hiếm muộn trong và ngoài nước đến xin nhận Hiếu làm con nuôi. Biết ý mẹ, anh em Hải khóc xin mẹ đừng cho em đi.

    Cô con gái thứ hai hiền lành, giản dị. Đến tuổi biết làm đỏm nhưng Ngọc không thích mặc quần áo mới vì ngại. Đi học, cô bé chỉ diện đi diện lại bộ đồng phục đã sờn. Nhắc đến mẹ, Ngọc nghẹn ngào: "Mỗi hôm trở trời, nhìn thấy mẹ đau đớn, anh Hải và cháu không biết làm thế nào để mẹ bớt đau. Cháu không muốn mẹ nhìn thấy mình khóc. Cháu chỉ biết cố gắng học tốt để sau này thành bác sĩ".

    Ngọc cho biết thêm, hồi tai nạn mới xảy ra, cô bé hay khóc vì nhớ bố. Trong trí nhớ của Ngọc, bố và con gái có thật nhiều kỷ niệm. Trước đây sáng nào hai bố con cũng xào mỳ ăn với nhau. Ngọc bảo bố xào mỳ rất ngon nên em thường tranh ăn với bố. Cô bé nhớ lần đi học về gọi cửa mãi nhưng bố ngủ quên không ra mở. Giận dỗi, cô ngồi ngoài khóc to cho bố nghe thấy dậy. Mỗi lần đi mua bia, thuốc lá hay rượu, Ngọc lại nhớ ngày xưa. Giờ thỉnh thoảng ngày lễ Tết, anh em Ngọc lại thay mẹ về quê thăm mộ bố. Sắp tới mẹ vào điều trị trong viện, Ngọc và anh trai phân công nhau đi đưa cơm và ở nhà bán gạo, trứng.

    Bà Chu Thị Thơm, tổ trưởng dân phố 49, khu tập thể công an vũ trang cho hay, vợ chồng chị Dung sống chan hòa với bà con hàng xóm. Hàng ngày, chị chồng của chị Dung đi bán trứng cũng trích ra một chút để giúp mẹ con mua thức ăn.

    "Hai vợ chồng chị Dung không có lương và sống bằng nghề buôn bán. Anh chồng qua đời còn chị Dung bị liệt, vệ sinh không tự chủ được. Khổ thân ba đứa trẻ. Phường đang làm thủ tục hộ nghèo để giúp đỡ gia đình chị Dung", bà Thơm nói.

    Thông tin nhân vật

    Chị Trần Thị Dung
    Số nhà 15, ngách 224, ngõ Quỳnh, phố Thanh Nhàn, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
    Số điện thoại: 0123 562 5048

    Theo VnExpress
     
    #1 hoahuongduong, 12/11/12
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này