Những bi kịch mang tên 'cho con học đại học'

Thảo luận trong 'GIÁO DỤC' bắt đầu bởi hoahuongduong, 2/7/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau - nơi chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân vừa treo cổ chết do không vay được 4 triệu đồng để đóng học phí cho con, cách đó không xa có một ngôi trường với tấm bảng trước cổng các trường học: “Học là cách để thoát nghèo”.

    Ở Cà Mau và cả vùng đồng bằng, ở đâu bạn cũng có thể gặp khẩu hiệu đó, hoặc “Học là cách thay đổi số phận”. Nhưng trớ trêu thay ở xứ này, đã và đang có những số phận bị nghèo đi, bị “tan nát” bởi chuyện học của con cái…

    Đời không như mơ

    Gần 3 tháng sau cái chết của chị Mỹ Nhân, nhưng Trần Tiến Anh - sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Cơ khí Cửu Long (Vĩnh Long), con trai của bà Nguyễn Thị Tùng, ở phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau - nhân vật chính của phóng sự “Người không được phép chết” mà chúng tôi đã kể trong số báo ngày... - vẫn chưa hoàn hồn. “Từ hôm đó đến giờ, em, rồi chị em, đêm nào cũng gọi về để an ủi, trấn an má. Em sợ má em túng quẫn, lại nghĩ dại như thím Nhân” - Tiến Anh nói.

    [​IMG]
    Nhận thức về chuyện học của người dân Cà Mau
    “vẫn chưa thay đổi được nhiều”- ông Nguyễn Tiến Hải thừa nhận​

    Tiến Anh có thể coi là một điển hình của “phong trào” học để thoát nghèo ở Cà Mau nói riêng, ĐBSCL nói chung. Tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào Đại học Quản trị kinh doanh ở Cần Thơ, nhưng do không có tiền đi học nên phải đi bộ đội. Xuất ngũ, Tiến Anh định sẽ ở nhà xin việc đi làm kiếm tiền, nhưng do không bằng cấp, không tiền, không thân quen..., gõ cửa nào cũng bị thẳng thừng từ chối, Tiến Anh buộc phải lựa chọn hoặc ôn thi vào đại học, hoặc ở nhà làm thợ hồ như anh trai mình. Và em đã chọn phương án đi học.

    Tiến Anh nói “mỗi tối về nằm gác tay lên trán, nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ ở quê, em buồn lắm, nhưng không biết phải làm thế nào”. Em nói “trong nhà em có hai tấm gương. Anh trai em vì không được đi học nên giờ phải ở nhà làm hồ, nghèo đến mức vợ không chịu nổi phải bỏ lại con để về nhà mẹ đẻ. Chị gái em thì ngược lại, đã tốt nghiệp đại học sư phạm, có được việc làm trên TPHCM, dù chưa giàu nhưng chắc chắn là không bao giờ nghèo. Bởi vậy em quyết tâm phải học, phải tốt nghiệp bằng mọi giá để được thoát nghèo, đổi đời...”.

    Tiến Anh còn mơ mộng: “Ở ĐBSCL, có hàng chục, hàng trăm người xuất thân từ con nhà nghèo như em, nhưng họ đã quyết tâm đi học, rồi đỗ đạt, thành tài, trở thành những rường cột của đất nước như GS-TS Võ Tòng Xuân, cố GS-TS Lương Định Của - một trong những nhà nông học hàng đầu của Việt Nam mình... Họ là những tấm gương sáng để những người như em noi theo, học tập và phấn đấu...”.

    Nhưng đời không như ước mơ. Giữa những tấm khẩu hiệu “học là cách để thoát nghèo” dựng trước các cổng trường và trong thực tế đời sống, đôi khi chỉ cách ngôi trường đó vài bước chân, lại có một khoảng cách vô cùng lớn.

    Cả ông Đỗ Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau, lẫn ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - đều nói với tôi rằng: “Trường hợp bi thương như chị Mỹ Nhân chỉ là hý hữu ở Cà Mau, chuyện đó không phổ biến, không phải là bản chất”. Các ông ấy còn khẳng định: “Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã làm rất tốt các phong trào khuyến học, xã hội học tập, cho vay vốn để hỗ trợ các hộ nghèo có con đi học, vay vốn sinh viên...”. Các ông ấy nói “làm rất tốt” khiến tôi giật mình.

    Ừ, thôi thì chuyện về cái chết của chị Mỹ Nhân là không phổ biến. Và “khi chị ấy chết rồi, chúng tôi thấy mình cũng có lỗi...”. như lời ông Đỗ Văn Nghiệp. Nhưng còn trường hợp vì con đi học mà nợ nần đầm đìa đến mức đã chết một lần nhưng không chết được như bà Nguyễn Thị Tùng thì sao? Thời gian qua, chính quyền, các “phong trào” và Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau ở đâu và có nghe thấy sự tình bà Tùng đã chạy vạy, gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để cầu xét cho gia đình bà được cái sổ hộ nghèo, để vay tiền cho con đi học mà không được?

    Rồi còn hàng chục, hàng trăm bà Tùng khác đang “lẩn khuất” đâu đó trong các ấp, xã của vùng đồng bằng mà báo chí chưa phát hiện ra thì sao? Vì sao chính quyền địa phương lại cứ cứng nhắc khi xét hộ nghèo theo quy chuẩn thu nhập một tháng dưới 401.000 đồng? Đáng buồn là đã không có ai trả lời thỏa đáng khi tôi đặt ra tất cả những câu hỏi đó.

    Để cuộc sống tự giải quyết?

    Phải làm gì để thay đổi tận gốc định kiến “thân ốc mà bày đặt mang mai rùa” để khu vực ĐBSCL ngày càng có nhiều người đi học hơn, đồng thời cũng ít đi những bi kịch mang tên “cho con học đại học” như chị Mỹ Nhân, bà Tùng? Phạm Vũ Nhật Hồ - phóng viên Báo Lao Động thường trú tại Bạc Liêu - một trong những nạn nhân điển hình của định kiến “nhà nghèo không có tiền mà bày đặt cho con đi học” - trả lời: “Hãy để cuộc sống tự giải quyết”. Và anh lấy chuyện đời mình làm ví dụ.
    [​IMG]
    Ở ĐBSCL có rất nhiều tấm bảng như thế này,
    nhưng thực tế lại không như “khẩu hiệu”.​

    Nhật Hồ sinh ra và lớn lên ở ấp 4, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1994, anh là học sinh đầu tiên và duy nhất của xã Đông A kể từ thuở khai thiên lập địa thi đỗ vào sư phạm sử Trường Đại học Cần Thơ. “Tui lên Cần Thơ học đại học cả hai năm trời rồi, nhưng ở dưới quê, có người vẫn không tin. Họ nói ba má tui xạo, cho con đi làm hồ trên Cần Thơ mà bày đặt nói là đi học đại học. Mãi cho đến khi có người cùng xã thi đỗ vào đại học Cần Thơ nhưng gặp rắc rối về thủ tục, gặp tui tui giúp, rồi người đó về quê kể lại, người ta mới tin việc tui đi học đại học là thiệt” - anh nhớ lại. Còn trước đó?

    Nhật Hồ thở dài: “Nhà tui nghèo xác xơ, nhưng tui đi học cực một thì ba má tui cực tới mười. Hoàn cảnh bức bách, rồi sự khinh rẻ, chì chiết, lời ra tiếng vào của bà con, hàng xóm đối với gia đình tui lúc đó cũng chẳng khác gì hoàn cảnh của chị Mỹ Nhân, bà Tùng... bây giờ. Nhưng may mắn cho tui, ba tui là người biết nhìn xa trông rộng, khó khăn đến mấy ông vẫn quyết tâm cho anh em tui đi học tới cùng với lý lẽ: Nếu con có chữ trong đầu thì ngay cả việc làm ruộng, nuôi tôm, con cũng sẽ làm tốt hơn đứa không có chữ!”.

    Rồi Nhật Hồ tốt nghiệp đại học, đi làm báo, có thu nhập ổn định, có nhà ở thành phố Bạc Liêu, chưa giàu nhưng có thể nói đã “đổi đời, đổi phận” so với những người bạn đồng trang lứa ít may mắn hơn đang nuôi tôm, trồng lúa ở quê. Thế là thái độ của người làng lập tức quay ngoắt 180 độ. Từ sự “tội nghiệp” và “đáng đời”, Nhật Hồ bỗng dưng trở thành tấm gương sáng để các gia đình răn dạy con cái. Người lớn thì nói với nhau trong các bữa cơm gia đình: “Nghĩ và làm trái đời như nhà chú Ba vậy mà chừ đâm hay”.

    Rồi họ nói với con cái: “Chừ thôi ráng mà học kiếm mấy chữ để sau này được như chú Hồ...”. Và Nhật Hồ là một tấm gương không tồi. Bởi từ chỉ là người đầu tiên và duy nhất tại xã Long Điền Đông A đỗ đại học năm 1994, đến thời điểm này sau gần 20 năm, chỉ riêng ấp 4 - nơi gia đình Nhật Hồ sinh sống - đã có đến hơn 40 người đỗ đại học. Đó là một con số nói lên sự chuyển biến rất ấn tượng. Và cái lý trong sự “để cuộc sống tự giải quyết” của Nhật Hồ là vậy.

    Cũng theo Nhật Hồ, “để cuộc sống tự giải quyết” đã và đang là cách tối ưu nhất để thay đổi sự học của người dân ĐBSCL. “Chuyện về đời tôi không phải là cá biệt, mà rất phổ biến ở khu vực ĐBSCL trong thời gian qua. Bây giờ về ấp, xã, huyện... nào có nhiều người tốt nghiệp đại học thì y chang rằng, ấp, xã, huyện... đó từ cách đây 10 -15 năm là “vùng trắng”, đi lên từ việc noi gương một vài nhân tố điển hình” - anh nói.

    Nhưng chẳng lẽ chuyện lớn như vậy mà cứ để cuộc sống tự giải quyết? Thế còn vai trò của chính quyền địa phương các cấp và hội khuyến học ở đâu trong câu chuyện này? Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - trả lời: “Thời gian qua, chính quyền tỉnh Cà Mau đã phối hợp với mặt trận, đoàn thể, hội... và đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển từ có con - bắt đi làm kiếm tiền trước mắt, thành cho đi học để thoát nghèo, thay đổi số phận”. Tuy nhiên, theo như thừa nhận của ông Hải thì kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng, nhận thức người dân vẫn chưa thay đổi được nhiều...”.

    Lời ông Nguyễn Tiến Hải làm tôi lại liên tưởng đến hình ảnh của những câu khẩu hiệu “học là cách để thoát nghèo” trên những tấm biển được dựng lên ở trước cổng trường học. Trong đó có một tấm chỉ cách nhà của chị Mỹ Nhân và bà Tùng không xa...

    Theo Lao động
     
    #1 hoahuongduong, 2/7/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này