Sống tốt nhờ nghị lực và độ lượng

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi Mây lang thang, 19/1/12.

  1. Mây lang thang

    Mây lang thang
    Expand Collapse
    Moderator

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    53
    Thích đã nhận:
    8
    Money:
    0$
    (SGTT.VN) - Bốn năm sau biến cố làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Phong, người gây tai nạn – đồng thời cũng là một bạn cũ mới đủ dũng cảm gặp lại Phong với những dòng nước mắt hối hận muộn màng. Và chính Phong lại là người ra sức an ủi bạn...

    [​IMG]
    Nghị lực sống và sự độ lượng đã giúp Phong tự vẽ nên bức tranh hạnh phúc cho chính mình.

    Khoảnh khắc định mệnh

    Cuối năm 1998, Nguyễn Hồng Phong rời quê nhà Nghệ An vào TP.HCM lập nghiệp. Dù phải bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề nặng nhọc, anh vẫn tranh thủ theo học một khoá kỹ thuật ngành điện, rồi trở thành kỹ thuật viên bảo trì điện tại nhà máy bia Sài Gòn với thu nhập ổn định và những dự định lớn hơn cho tương lai. Vậy mà một tai nạn vào năm 2006 đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Phong, biến một thanh niên khoẻ mạnh trở thành người tàn phế.

    Sau này, khi ngồi kể lại câu chuyện của mình, Phong vẫn nhớ như in linh cảm bất ổn tới nôn nao trong khoảnh khắc trao chìa khoá xe máy vào tay bạn. Hôm đó, hai người cùng đi dự đám cưới một người quen, lúc ra về Phong cầm lái vì biết bạn không còn tỉnh táo. Nhưng đi được nửa đường, người bạn lại nhất định không chịu ngồi sau. Tranh cãi một hồi, Phong đành nhượng bộ, và chỉ năm phút sau chiếc xe máy bỗng đổ sầm, quật mạnh Phong xuống mặt đường, bất tỉnh tại chỗ. Phong nhớ lại, những cơn đau như xé từng tế bào đã khiến anh tỉnh dậy gần như tức khắc, kịp nhận ra mình đang được xốc lên bởi người bạn và một khách qua đường…

    Từng mất niềm tin sống

    Sau 17 ngày nằm cấp cứu trong bệnh viện Chợ Rẫy, thêm hơn hai tháng ròng điều trị tại khoa phục hồi chức năng tuỷ sống bệnh viện Điều dưỡng quận 8, Phong và cả gia đình không thể tin vào sự thật là anh vĩnh viễn bị liệt hai chân. Phần tuỷ sống của anh đã bị đứt hẳn bởi người bạn không biết sơ cứu đúng cách lúc anh mới gặp nạn. Nguyên nhân tai nạn cũng được xác định do bạn anh ngủ gục khi lái xe trong lúc chuếnh choáng hơi men… Tới thăm anh được vài lần trong bệnh viện, người bạn lặng lẽ bỏ đi, không một lời từ biệt.

    Phong tâm sự, trong suốt một năm đầu sau tai nạn, mặc cảm trở thành người vô dụng giết mòn anh còn nhiều hơn những bất tiện do tình trạng khuyết tật đem lại. Một đêm, anh bắt taxi tới cầu Bình Triệu để thực hiện ý định tìm tới cái chết. Chờ tới nửa đêm, không còn một bóng người qua lại, anh ráng sức đu mình lên thành lan can cầu để lao mình xuống dòng nước. Lúc đó, chiếc xe lăn bị lật nhào qua một bên, phần da bụng Phong bị xước nguyên một mảng lớn, nhưng dù cố gắng cách nào anh cũng không thể đưa cơ thể mình lên được thành cầu do đôi chân vô dụng cứ trì kéo. Sau cả tiếng đồng hồ kiệt sức mà vẫn mắc kẹt giữa lưng chừng lan can cầu, Phong được một phụ nữ đi chợ sớm phát hiện đưa xuống…
    Anh Nguyễn Văn Hữu, người gây tai nạn cho anh Phong, hiện làm nghề lái xe tại Nghệ An cho biết: suốt một thời gian dài, anh không dám liên lạc với Phong vì mặc cảm có lỗi. Nhưng chính sự độ lượng của Phong đã khiến anh hết sức cảm động. Tới bây giờ, anh cảm thấy vơi bớt mặc cảm khi chứng kiến Phong đã có cuộc sống ổn định từ những nỗ lực đứng lên sau tai nạn.

    “Người phụ nữ ấy đi rồi, tôi ngồi chết lặng bởi cảm giác vừa xấu hổ vừa tủi thân. Trong khoảnh khắc ấy, tôi quyết định mình phải sống khác…”, Phong tâm sự.

    Đoạn kết có hậu

    Suốt một năm sau, Phong xin được tá túc tại một ngôi chùa để tự cân bằng tinh thần trong tĩnh lặng. Khi đã cảm thấy tự tin hơn, Phong tìm tới những người bạn đồng cảnh nơi anh điều trị trước đây để cùng chơi thể thao, và trò chuyện với những bệnh nhân mới để giúp họ có niềm tin hơn trong cuộc sống. Để không phiền tới gia đình, Phong đi học vẽ để có công việc tự nuôi sống mình. Những lúc rảnh rỗi, anh còn đi học đàn, học đánh trống. Nghị lực sống mạnh mẽ của Phong đã khiến chị Dương Thị Huệ, một cô gái đồng hương khoẻ mạnh đem lòng thương yêu, rồi quyết định gắn bó suốt đời với anh.

    Qua người quen, Phong biết người bạn gây tai nạn hôm ấy hiện đã có cuộc sống ổn định tại quê nhà, nhưng nghĩ có lẽ bạn còn mang nặng mặc cảm về chuyện xưa, Phong chủ động điện thoại cho bạn: “Tôi gọi để cho bạn biết hiện tôi sống rất tốt, và rất mong sự có mặt của bạn trong ngày cưới của tôi. Nếu như không có tai nạn, chắc gì tôi có cơ hội gặp được một người tốt như vợ tôi!”

    Đã hai năm trôi qua kể từ ngày đám cưới của Phong, tới nay căn phòng nhỏ của họ càng ấm cúng bởi có tiếng cười của một bé gái hai tuổi. Nhắc lại chuyện xưa, Phong tâm sự: “Chưa khi nào tôi nỡ trách bạn mình, vì biết bạn cũng đau khổ chẳng kém gì tôi. Sống trên đời này rất cần sự tha thứ, chính điều đó đã giúp tôi sống tốt hơn…”

    bài và ảnh: Hương Vũ​
     

Chia sẻ trang này