Tết và những nỗi niềm

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi bichphuong, 19/1/12.

  1. bichphuong

    bichphuong
    Expand Collapse
    Active Member

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    182
    Thích đã nhận:
    72
    Money:
    0$
    SGTT.VN - Theo truyền thống của người Việt, tết là thời điểm mà dù đi đâu xa, người ta cũng ráng trở về nhà để đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng vì mưu sinh hay những lý do đặc biệt, nhiều người đã không thể hưởng cái không khí ấm áp đặc biệt ấy mỗi độ xuân về. Xuân này cũng vậy...

    Phiên biển cuối năm và khoảnh khắc giao thừa giữa biển

    [​IMG]
    Đá và dầu được chuyển lên tàu cá để ra khơi tại cảng Sa Kỳ. Ảnh: Phạm Anh​

    Trước thềm năm mới, trong những ngày này, ngư dân đánh bắt xa bờ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại ra khơi đi phiên biển cuối năm với hy vọng họ sẽ có tiền đủ lo quần áo mới cho vợ con và sắm sửa cho gia đình ăn tết.

    Chúng tôi gặp thuyền trưởng tàu QNg 96059 TS có công suất 250CV – ông Dương Thanh Tuấn quê ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, khi ông đang cho tàu vào cảng Sa Kỳ nhập nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để ra khơi chuyến đi biển cuối năm. “Cả năm vừa rồi, bình quân mỗi thuyền viên chỉ được 50 – 60 triệu đồng, chưa trừ chi phí, nên anh em trên tàu làm ăn không được dư nhiều. Năm ngoái, hàng loạt tàu ra khơi gặp gió lớn, đành neo đậu đến hết tổn phí rồi quay về, bị lỗ từ 300 – 400 triệu đồng”, ông Tuấn nói.

    Khác với cảng Sa Kỳ, ngư dân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn vừa lo cúng lễ mãn mùa đánh bắt, vừa lo tổn phí chuẩn bị cho chuyến câu mực cuối cùng của năm. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thà cũng là chủ tàu QNg 95717 TS có công suất 410CV, xã viên hợp tác xã Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Bình Chánh, cho biết, trong năm 2011, tàu của ông đi bốn chuyến, mỗi chuyến được 15 tấn mực khô. Tuy nhiên, do mực hạ giá, ông Thà bán mực cho đầu nậu vẫn chưa thu tiền về, nên ông phải đi chuyến biển cuối năm để kiếm tiền tiêu tết. “Có điều đi chuyến này sợ lắm. Năm ngoái có mấy người câu mực bỏ mạng ngoài khơi cũng do gió áp thấp nhiệt đới”, ông Thà kể.

    Gặp những ngư dân vào cuối năm, chúng tôi hỏi: nếu không về kịp, ngư dân mình ăn tết trên biển ra sao? Trả lời chúng tôi, hầu như ngư dân nào cũng có nỗi niềm. Có tàu cá, ngày mùng 1 tết không làm gì, nên bảo thuyền trưởng liên lạc với tàu cá khác để chạy đến ăn tết với nhau. Có ngư dân buồn quá, nhìn xung quanh chỉ thấy trời nước mênh mông, nên đành lấy ly rượu để giải khuây. “Sói biển” Mai Phụng Lưu cho biết: “Đã là ngư dân đánh bắt xa bờ, hầu như ai cũng có một lần ăn tết trên biển. Tui đây cũng có đến bốn lần. Mà ăn tết trên biển, khó tả lắm. Trước biển mênh mang và gió xuân giao hoà, ngư dân như thi sĩ, vừa buồn, vừa có cái gì đó khó nói lắm trong lòng”. Theo ông Mai Phụng Lưu, thường chiều 30 tết, anh em nghỉ để làm gà chuẩn bị cúng ngày mùng 1, còn đêm giao thừa, anh em quây quần bên nhau trên boong, hoặc trước cabin, sau đó thuyền trưởng thắp nhang cúng trái cây, bánh khô trên trang thờ.

    Theo ông Lưu, những lần đón tết ở Hoàng Sa, ông chèo thúng vào mấy đảo hoang và thắp hương khấn nguyện, vì đây là phần đất của Tổ quốc. Có khi tàu cá của ông Mai Phụng Lưu còn gặp tàu của nước ngoài giao lưu: một bên cho cá, mực, còn bên kia trao đổi lại rượu, bia, thuốc lá, trái cây và bánh trái. “Có biết tiếng nước ngoài đâu mà nói chuyện?”, tôi hỏi. Anh Lưu cười: “Ra ni, chỉ cần chỉ tay làm hiệu. Mà cần chi, chỉ cần nhìn mắt nhau cũng biết cùng cảnh ngộ. Khoảnh khắc đón tết trên biển của ngư dân là thế. Nó còn buồn hơn người tha hương không về quê ăn tết”.

    Tết xa xứ

    Chiều 24 tết, đường Quang Trung, quận Gò Vấp tấp nập người đi lại. Quán càphê sân vườn nơi Đỗ ĐứcThoại, sinh viên đại học Công nghiệp 4, đang làm nhân viên giữ xe, khách ra vào liên tục. Thoại kể, quê Thoại ở thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Mấy năm trước cứ tới chiều 22 tết, Thoại đã về quê, ăn tết bên gia đình. Tuy nhiên, năm nay, do cần một số tiền không nhỏ cho thực tập, mua giáo trình, nên Thoại quyết định ở lại TP.HCM để làm thêm. Công việc giữ xe ở quán càphê mỗi tháng đem lại cho Thoại 1,5 triệu đồng. Hai người bạn cùng phòng trọ với Thoại, dù quê ở Long An sát bên thành phố, nhưng họ cũng quyết định không về quê ăn tết.

    Tuy không có hoài bão cho tương lai học vấn phía trước, nhưng anh Vì Văn Chánh, 27 tuổi lại chọn ở lại TP.HCM ăn tết vì một ước mơ rất đời thường: cưới vợ. Quê Chánh ở tận tỉnh Hoà Bình, ba năm nay, chàng thanh niên này chưa về quê ăn tết. Chánh làm công nhân cho một xưởng in tư nhân. Chánh nhẩm tính, mỗi lần về quê, tốn hơn 2 triệu đồng tiền tàu xe, chưa kể tiền mua quà cáp cho bà con, họ hàng. Năm nay, Chánh đang cố làm việc cật lực để dành tiền cưới vợ. “Cuối năm sau, khi đủ tiền, tôi sẽ về quê mua sắm lễ vật rồi hỏi cưới. Mùa xuân này dẫu chưa trọn vẹn, nhưng xuân sau, chúng tôi sẽ là một gia đình hạnh phúc”, Chánh cười.

    Không bán được hàng, không có tết

    [​IMG]
    Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị thất mùa, mất giá. Ảnh: Ngọc Tùng​

    Đã 24 tháng chạp, sức mua tại các chợ ở khu vực miền Tây chưa có chuyển biến mạnh so với những ngày thường. Các khu vực kinh doanh thực phẩm chế biến ở các cụm đô thị vẫn thưa khách; chợ hoa, cây kiểng có nơi đã nhóm họp từ rằm tháng chạp, đông người qua lại, nhưng đa phần là người đi xem.

    Ông Trần Văn Hạnh, nông dân ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) than: “Giá dưa hấu được lái buôn mua tại ruộng chỉ còn khoảng 4.500 – 5.000 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so hơn tháng trước và chỉ bằng phân nửa hồi tết năm ngoái”. Theo ông Hạnh, với giá này, người trồng dưa bị huề vốn đến lỗ, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là tết đến, nhưng hiện vẫn chưa có tín hiệu tốt nào cho trái dưa hấu Gò Công Tây, nhiều ông chủ ruộng dưa hết sức lo lắng, họ tưởng chừng như đang ngồi trên đống lửa.

    Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ nhà vườn trồng cam ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết, giá cam sành hiện chỉ ở mức từ 4.000 – 5.000 đồng/kg (cam lựa), chỉ bằng 1/5 của mức giá hồi năm ngoái. Theo ông Tâm, đa số các chủ vườn trồng cam sành hiện nay đều phải “ôm” ít nhất khoảng vài tấn trái cam do giá thu mua của thương lái còn quá thấp, các chủ nhà vườn không thể có lời được. Tương tự, trong lúc này, người trồng hành tím – đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, ở huyện Vĩnh Châu cũng bị rối như canh hẹ khi tết ngày một cận kề mà giá củ hành chỉ còn khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so tháng trước và tương đương 1/4 mức giá hồi năm rồi.

    Ông Trần Minh Thành, nông dân ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, than: “Hành tím Vĩnh Châu mùa tết năm nay thua đậm”. Theo ông Thành, hành bị mất mùa do gặp mưa nặng ngay từ lúc trồng, đến kỳ thu hoạch lại lâm cảnh mất giá, do đó, sẽ có nhiều người trồng hành năm nay không ăn tết, hoặc họ chỉ đón tết qua loa cho có.

    PHẠM ANH – T. NHÃ – NGỌC TÙNG​
     
    Chi Bảo thích nội dung này.
  2. Chi Bảo

    Chi Bảo
    Expand Collapse
    Hội viên danh dự
    Staff Member

    Tham gia:
    26/11/11
    Bài viết:
    323
    Thích đã nhận:
    149
    Money:
    0$
    Nghe Bichphuong nhắc đến những người thanh niên chịu thương chịu khó, tôi bổng nhớ đến một người bạn tên Thắng, bạn bè hay gọi là Thắng Bắc kỳ. Thắng nhà rất nghèo, vào thành phố tìm kế sinh nhai, có tâm hồn nghệ sỹ. Năm 1993, tôi và Thắng học chung với nhau ở khóa 1, lớp Huấn luyện diễn xuất Tân Sơn Nhất.

    Thắng ở nhờ một cái "chòi" trong công viên. Đây là một cái chòi đúng nghĩa nhất - nơi đây dành cho những công nhân trồng cây ở tạm, chỉ có một cái ván để nằm, bốn bề gió lộng, không có tường thì đương nhiên không có cửa, chòi chỉ gác tạm vào thân cây lớn trong công viên Phú Nhuận.

    Một hôm, sau giờ diễn. Tình cờ tôi gặp Thắng lúc 2 giờ sáng đang trông xe cho một quán bar trên đường Hai Bà Trưng, đối diện Park Hyatt bây giờ. Thắng nói, bắt đầu giữ xe từ 7 giờ đến 2 giờ sáng. Sau đó đạp xe trở về nhà, và 5 giờ sáng dậy, chuẩn bị đạp xe ra Thủ Đức để vào lớp học. Thỉnh thoảng Thắng vẫn đóng vài phim, nhưng chỉ là những vai nhỏ. Bất cứ chương trình văn nghệ nào Thắng cũng tham gia, khi thì hát, khi thì ngâm thơ, kể chuyện (không hay lắm). Thắng lúc nào cũng lạc quan yêu đời, hóm hỉnh vui vẽ. Cứ như thế, Thắng học xong 2 bằng Đại Học và trở thành Giảng viên Triết học.

    Hôm nay thấy nhớ Thắng.
     

Chia sẻ trang này