Tìm con gái Quỳnh Nga thất lạc

Thảo luận trong 'NHÂN ĐẠO' bắt đầu bởi hoahuongduong, 1/8/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Mình viết Note này với mong mỏi nhờ cậy bạn bè, anh chị những người quen hay không quen mình chia sẻ thông tin tìm kiếm con gái thất lạc của gia đình chú Hoàng, cô Tiến. Không có gì sung sướng hơn khi nhìn được tận mắt chứng kiến con cái mình lớn lên, trưởng thành trong vòng tay của ba mẹ. Cũng như vậy, chẳng còn gì đớn đau hơn khi nhiều năm qua cô chú phải sống trong cảnh luôn trăn trở kiếm tìm con gái đã thất lạc từ lâu. Rất nhiều gia đình sau khi câu chuyện được chia sẻ trên các trang mạng xã hội họ đã tìm được về với nhau. Gia đình đã được hưởng trọn vẹn niềm vui của sự đoàn viên. Nhưng đâu đó quanh ta, niềm vui tưởng chừng như giản đơn ấy vẫn còn là 1 nỗi niềm khát khao bỏng cháy. Gia đình chú Hoàng - cô Tiến cũng là 1 trong số bậc làm cha, làm mẹ đang mòn mỏi trông ngóng tin con gái từng ngày, từng giờ.

    [​IMG]
    Hình ảnh chị Quỳnh Nga lúc nhỏ​

    "Đêm 1 tháng tám năm 1993 một tin dữ đến với tôi: con gái tôi bị lạc ở Xôchi, thành phố nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Nga. Khi đó, tôi và vợ tôi đang ở Mátxcơva để hoàn tất nốt luận án cho kịp bảo vệ vào cuối đợt nghỉ đông. Con gái tôi đi nghỉ cùng hai vợ chồng một người quen với sự nhận lời hết sức nhiệt tình và chắc chắn của họ. Cuối cùng họ đã bỏ mặc con gái tôi, và mọi người rất ngạc nhiên khi họ hết sức dửng dưng trước việc con gái tôi gặp nạn và trước những câu chuyện họ dựng lên một cách vô lương tâm để tự biện minh cho họ.

    Tôi mất hết tinh thần và bỏ mặc mọi việc để sáng ngày 2 tháng tám vợ chồng tôi và anh Võ Đức Tôn, lúc bấy giờ là hiệu phó ĐHTH Hà nội, ra sân bay Vnucôvô để bay xuống Xôchi. Thông cảm với tình cảnh của chúng tôi, trưởng phòng vé sân bay đã thu xếp cho 3 vé trong thời điểm hàng chục người phải đọng lại.

    Tôi thuê nhà nằm ở thành phố Xôchi suốt nửa năm, chạy ngược, chạy xuôi để nghe ngóng tin của cháu.Chỉ sau chục ngày, tóc tôi bạc trắng hoàn toàn, tôi thương con và ân hận. Cháu Nguyễn Quỳnh Nga, con gái tôi là một trong số học sinh xuất sắc của trường phổ thông số 22 Mátxcơva. Và chuyến đi nghỉ miền Nam lần này là phần thưởng cho cháu vì thành tích học tập. Đối với tôi, bây giờ, mọi thứ đều vô nghĩa, kể cả công trình, sự nghịêp và thậm chí bản thân mình. Lúc đó chúng tôi chỉ hy vọng nếu bọn bắt cháu gọi điện tống tiền thì hàng chục gia đình trong cộng đồng đã sẵn sàng góp tiền chuộc cháu.

    Vào thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn trắng tay. Ngoài số tiền học bổng ít ỏi của Nhà trường chỉ đủ nuôi cháu nhỏ trong giai đoạn khó khăn nhất của những năm 90, chúng tôi không biết trông cậy, vay mượn vào đâu. Vợ tôi kiệt quệ hoàn toàn, chỉ còn 36 kg, suốt ngày ho rũ rượi, hầu như chỉ nằm một chỗ. Con gái nhỏ chúng tôi vừa hơn một tuổi, thỉnh thoảng phải nhờ bè bạn đến trông hộ. Tôi bỏ mặc tất cả, suốt ngày lang thang khắp bãi biển, các góc phố Xô chi như một kẻ mất hồn. Những người thân quen ở Mátxcơva và các thành phố khác liên tục gọi điện động viên, hỗ trợ thực phẩm, lương thực và thuốc thang giúp cho vợ tôi suốt cả năm ròng.

    Chúng tôi gọi điện cho giáo sư V. N.Turbin, thầy hướng dẫn của tôi, thông báo cho thầy biết về chuyện cháu Quỳnh Nga và nói với Thầy là tôi khó có thể tiếp tục viết luận án trong điều kiện như thế này được nữa. Trước đây mỗi lần đến thăm thầy, tôi đều mang cả cháu đi theo. Con gái thầy và con gái tôi chơi với nhau rất thân thiết. Việc viết luận án của tôi, thầy không đả động đến nữa, thầy chỉ quan tâm làm sao để chúng tôi tìm được cháu về. Một buổi trưa, thầy đến thăm chúng tôi. Hình ảnh một người Thầy tuổi tác tìm đến căn phòng con của chúng tôi trong một ngày đông giá suốt đời tôi sẽ không sao quên được. Thầy lặng lẽ đặt lên bàn quyển sổ tiết kiệm và mong muốn trao cho vợ chồng tôi toàn bộ số tiền thầy dành dụm suốt gần 40 năm giảng dạy để góp phần cho cuộc hành trình đi tìm cháu.

    Tôi vô cùng xúc động, bởi vì tôi biết thầy rất nghèo. Thầy ở một căn buồng 3 phòng thì hai buồng chật ních những sách là sách. Thầy lên lớp với bộ com lê cũ, đôi giày nội vẹt gót và chiếc cặp da còn có dòng chữ mờ mờ “1974- Mátxcơva”. Vợ chồng tôi cảm ơn thầy, xin đặt tay cầm lấy quyển sổ và gửi lại Thầy coi như mình đã nhận. Cái mà tôi nhận được ở thầy là sự hàm ơn và kính trọng một giáo sư Văn học Nga số một của trường Đại học Tổng Hợp lớn nhất của nước Nga, một người đã đào tạo cho Việt Nam nhiều chuyên gia văn học.

    Sau khi con gái tôi thất lạc được hơn một tháng thì thầy mất đột ngột khi đang làm việc. Tôi không kịp về Matxcơva thăm thầy, lòng mang nặng một nỗi niềm thương tiếc.

    Tết vừa rồi tôi mang hoa đến nhà riêng đặt trước chân dung của Thầy để bày tỏ sự ngưỡng mộ của một học sinh Việt Nam trước một trái tim và trí tuệ lớn. Tôi kể lại cho vợ và con gái của thầy là trong buổi gặp mặt của khoa Văn học Nga thế kỷ XIX Trường Tổng Hợp Lômônôxốp, ông Chủ nhiệm Khoa đã nâng chén rượu để tưởng nhớ tới Thầy sau khi tôi bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ. Ông nói rằng,Thầy Turbin đã dành cho tôi, một học sinh Việt nam tình thương như một người Cha

    Trong những ngày vợ chồng tôi ở lại Xôchi tìm cháu, rất nhiều lái xe tăcxi biết chuyện buồn của chúng tôi đã không lấy tiền khi chở vợ chồng tôi đi lại trong thành phố. Ở gần nhà tôi thuê trọ, có một bà già tên là Sura ở cùng với cháu nhỏ trạc tuổi con gái tôi. Bà đưa vợ chồng tôi đến gặp thầy extraxen ( thần giao cách cảm) để giúp chúng tôi về liệu pháp tinh thần. Bà là một người sùng đạo, khi biết chúng tôi thờ Phật, bà bảo trời chỉ là một, thờ Phật hay thờ Chúa cũng là thờ một sự thiêng liêng, nghĩa là niềm tin về con người của bà cũng giống chúng tôi. Bà đưa vợ tôi ra nhà thờ để cầu nguyện, xin Chúa lòng lành thương vợ chồng tôi và con gái của tôi.

    Trong buổi lễ,bà đứng lên bậc nhà thờ kêu gọi mọi người có mặt giúp đỡ ”một người phụ nữ gặp phải điều bất hạnh” là vợ tôi. Những bàn tay già và nhân hậu đã đặt vào tay vợ tôi một tập tiền lẻ 9.600 rúp, số tiền lúc bây giờ mua được gần 20 chiếc bánh mì. Than ôi, lúc Chúa Giê-su đi quyên tiền, có những thương gia đã cho người tiền muôn bạc vạn, nhưng có một người đàn bà góa chỉ góp được hai xu. Giê-su tuyên bố rằng “Người đàn bà góa đã trao cho Chúa nhiều tiền nhất, vì bà đã cúng hết toàn bộ tài sản của mình”. Và vợ chồng tôi cũng vậy, chúng tôi đã nhận được món tiền vô giá từ những trái tim vàng của những người dân Nga khốn khó.

    Bên cạnh nhà bà Sura là bà Valia. Bà ở một mình 7 năm nay. Bà làm ở một cửa hàng ăn. Tối tối, khoảng 10 giờ, bà mang cho tôi một túi xách, khi thì bánh, khi thì thức ăn mặn, khi thì hoa quả. Bà biết tôi buồn, luôn bỏ ăn. Bà động viên: “Cháu ạ, phải biết tin và phải sống. Hãy nghĩ đến cái tốt rồi nó sẽ tốt lên, con gái của cháu rồi nhất định sẽ tìm về với cháu”. Bà chỉ về nhà khi tôi đã chịu ăn một chút gì đó. Mãi về sau, tôi mới biết rằng, bảy năm trước đây, trong một thời gian ngắn, bà phải chịu ba cái tang: tang mẹ, tang chồng và tang con gái 21 tuổi. Đã có lúc bà định tự tử, nhưng rồi bằng nghị lực phi thường bà đã đứng vững. Và người đàn bà khổ đau tột cùng đó chỉ mong tôi có được nghị lực sống như bà.

    Đối với chúng tôi năm 1993 là một năm nghiệt ngã. Trở về Mátxcơva, cả tôi và vợ tôi định bỏ làm luận án, mặc dù chỉ còn một chương cuối chưa viết. Phần thì mất tinh thần, héo hon vì không được biết tin con; phần thì nếu làm tiếp thì không đủ tiền gia hạn, chúng tôi định bỏ tất cả, không còn đủ sức theo đuổi nữa.

    Chúng tôi hoàn toàn không dám đặt vấn đề với Nhà trường, nhưng đích thân bà Nađegiơđa Okchiabrxkaia, trưởng Phòng đối ngoại, đã tự tìm đến vợ chồng tôi và thay mặt Nhà trường quyết định gia hạn cho cả hai vợ chồng tôi một năm ở và học miễn phí. Nếu đường ngay, mực thẳng, chúng tôi phải nộp cho Nhà trường 12 000 đô la, một số tiền khổng lồ mà tôi khó lòng kiếm được.

    Có một việc rất nhỏ, nhưng chúng tôi rất biết ơn những cán bộ trong Trường. Ở khu G của trường Lômônôxốp các phòng có số cuối 39 đều có cửa đâm thẳng ra hành lang, phòng tôi ở lại chính là phòng ấy, người ta cho rằng về mặt phong thủy rất xấu. Bè bạn khuyên tôi đổi phòng, vì có đổi mới giảm được đen đủi. Vợ tôi rụt rè đặt vấn đề với phòng đối ngoại vì đây là việc người ta vẫn cho là mê tín. Thế nhưng, cả Ban Quản trị ki túc xá và nhà trường lại hết sức quan tâm, cho là một việc hệ trọng và phải thu xếp hết sức vất vả để tôi có được một phòng ưng ý.

    Sau khi Thầy Turbin mất, ban chủ nhiệm khoa đã cử giáo sư Nhina Kônxtanchinôvna Pêtrôva tiếp tục hướng dẫn luận án của tôi. Ở tuổi bảy mươi bà vẫn minh mẫn lạ thường, bà vẫn nhớ tên những người nghiên cứu sinh Việt Nam trước đây bà giúp làm luận án. Bà treo ảnh cháu Quỳnh Nga ngay trước bàn làm việc của bà, thường xuyên gọi điện cho tôi, động viên tôi như một người mẹ. Bà ở một mình trong căn hộ ba buồng thênh thang gần ga Kiép, cứ khẩn khoản mời vợ chồng tôi đưa cháu Thảo Nguyên ba tuổi đến ở cho vui và có điều kiện hướng dẫn cho tôi viết. Ra ngoại ô trong kỳ nghỉ, bà cũng tạo điều kiện cho cả nhà tôi ra nghỉ cùng bà. (Còn tiếp)
     
    #1 hoahuongduong, 1/8/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15
  2. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Tôi không biết hát và thuộc ít lời bài hát, nhưng có một câu trong bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” làm tôi nhớ mãi, đó là câu “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”. Không có những người như bà Sura, Valia, Nađegiơđa, thầy Turbin, bà Kônxtanchinovna và cả bà nhũ mẫu ít học trông coi con tôi là bà Anna Alekxanđrôpna… thì tôi khó lòng mà vượt qua được nỗi đoạn trường để đứng vững đến ngày hôm nay.

    Người nào đã từng ở Mátxcơva cuối những năm 80 và trong những năm 90 thế kỷ hai mươi khó mà có được ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đẹp của một công an Nga. Cũng đã có lúc, tôi đã không chịu nổi phiền hà và bất bình trước thói hống hách của nạn kiêu binh một thời này và đã viết những bài đầy phẫn nộ. Tuy vậy hình ảnh của ông Đubiaghin Iuri Pêtơrôvích vẫn là một tâm gương về lòng nhân ái không thể nào lu mờ được của một công an Nga.

    Trong chuyến bay “con đường đau khổ” từ Xôchi về Mátxcơva, tình cờ cô chiêu đãi viên ấn vào tay tôi tờ tạp chí có tên “Crik” (Tiếng kêu cứu). Tôi giở đọc qua quýt, và cuối cùng dán mắt vào bài viết, về một Đại tá Công an, Giám đốc “Trung tâm tìm kiếm trẻ em thất lạc toàn nước Nga” tên là Đubiaghin. Về sau này tôi mới biết ông là Tiến sĩ triết học, Tiến sĩ luật, Viện sĩ thông tấn Viện thông tin Quốc tế, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học tự nhiên, là tác giả của hàng chục quyển sách và hàng trăm bài báo nổi tiếng.

    Nhờ một luật sư quen biết, vợ tôi tìm được đến văn phòng của ông. Ngay trong lần đầu tiên, với sự giúp đỡ của ông, buổi phỏng vấn vợ tôi, hình ảnh con gái tôi và lời phát biểu của ông được phát ngay ở đài truyền hình kênh một. Những ngày tiếp theo, ông cho các cộng tác viên đến nhà tôi làm việc, lập hồ sơ và thực hiện photorôbôt để dựng lại hình ảnh người đàn bà đã gặp con gái tôi trên bãi biển Xôchi. Nhưng rất tiếc vợ chồng người quen đưa con gái tôi đi lại kể sai nhiều chi tiết về người đàn bà này, nên khi công bố trên các sách không thể nào đính chính lại được. Ông Đubiaghin đã liên hệ cho phát về hình ảnh con gái tôi khắp các kênh truyền hình của các nước Cộng hòa. Các buổi quay phim, phỏng vấn của chương trình ТЕМА với các cán bộ cao cấp của ngành công an Nga, ông đều tạo điều kiện để chúng tôi được trình bày ý kiến để họ hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh những người Việt Nam làm công tác khoa học tại Nga và hiểu nhiều hơn về Việt Nam; về nỗi đau riêng và nguyện vọng của chúng tôi. Gần đây nhất, trên kênh truyền hình NTV, Ban biên tập đã đồng ý cho chúng tôi nói bằng tiếng Việt để hy vọng một nơi xa xăm nào đó, con gái của tôi nghe được lời căn dặn của bố mẹ. Đây là một việc chưa từng có trên một kênh truyền hình tư nhân nổi tiếng nhất ở Nga.

    Tôi quả thật không biết cảm ơn ông Đubiaghin như thế nào, khi tôi được biết mỗi phút phát trên truyền hình, ngoài các thủ tục cần thiết, phải trả tới 14600 đôla, trong lúc đó, ông không hề đòi hỏi chúng tôi một đồng xu nào. Ông đã tự viết hai bức thư cho Interpol gửi tới Mỹ và Đức đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện tìm kiếm con gái tôi. Hai quyển sách ông viết về con tôi in ở Nga với một tình cảm và niềm hy vọng mãnh liệt đã tiếp sức cho tôi rất nhiều .

    Quả thật, xung quanh tôi có biết bao nhiêu là người tốt, có bao nhiêu là bè bạn!

    Họ là những người Nga rất đỗi bình thường, hàng ngày phải lo toan với bát cơm, manh áo; có thể ngày thường họ dửng dưng, lạnh nhạt với tôi, nhưng trong giờ phút cam go của cuộc đời, họ trở thành những người bạn, người đồng cảm rất đỗi chân thành.

    Nước Nga giờ đây không thiếu những kẻ hãnh tiến, phân biệt chủng tộc, những kẻ đâm thuê chém mướn, những kẻ tài phiệt ngồi trong những chiếc xe sang trọng, xài tiền không cần đếm; nước Nga mới cũng không thiếu những kẻ mất hết tính người, bàn tay sẵn sàng nhúng vào máu và tội ác. Nhưng bạn hãy tin tôi, đó không phải là đại diện của nước Nga, mà là cặn bã của nền văn hóa Nga .

    Giữa thế kỷ XIX, khi nhà thơ Lermôntôv viết “Vĩnh biệt nhé, nước Nga ô uế” thì có nghĩa là ông phỉ nhổ vào nước Nga của những kẻ quan liêu, tàn bạo và dơ bẩn; còn nước Nga đau khổ của nhân dân thì nhà thơ luôn cúi mình trân trọng.

    Aragông, nhà thơ Pháp vĩ đại đã khẳng định “Tôi đã khổ đau, nên tôi có đủ quyền” , thực sự, suốt bao năm trên con đường đau khổ tìm con, tôi có đủ quyền để nhận xét về người Nga và tính các Nga .Thiên nhiên Nga, tính cách Nga chân chính, đó là sự thuần khiết, nhân hậu và cao thượng. Không có cội nguồn tính cách ấy, thì thử hỏi làm sao nước Nga lại có thể sản sinh ra được những Puskin, Lermôntôv, Gôgôl, Turghênhiev, L.Tôlxtôi, Trêkhôv …và những bậc nhân văn vĩ đại của loài người?

    Và đó là lý do để giải thích vì sao một nạn nhân của nước Nga như tôi lại có thể yêu mến nước Nga mãnh liệt và sâu sắc đến như vậy!"

    [​IMG]
    Chị Quỳnh Nga cùng em gái Thảo Nguyên​
    [​IMG]
    Chú Hoàng cùng 2 con gái Gia đình chú Hoàng - cô Tiến​
    [​IMG]
    Hình ảnh chị Quỳnh Nga​
    P.S 1: Mình xin chia sẻ 1 số bài báo và đường link để mọi người biết cụ thể thêm thông tin nếu tình cờ gặp ai đó giống với chị Quỳnh Nga làm ơn hãy liên hệ với gia đình. Gia đình xin được cảm tạ !!! Mong nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và cộng đồng mạng xã hội với hy vọng cháy bỏng bằng 1 phép nhiệm màu nào đó gia đình cô chú sẽ lại đoàn viên.

    P.S 2: Các bạn có thể liên hệ trực tiếp với gia đình qua địa chỉ, số điện thoại được public trên đường link hoặc liên hệ với mình:

    http://seekmissingdaughter.site90.com/Viet/index.html

    [​IMG]
    Chú Hoàng, cô Tiến, em gái Thảo Nguyên​

    Trương Thị Ngọc Linh
    Tel: +84 1678240525
    Email: rachelhelen2012@gmail.com
    Một lần nữa mình xin thay mặt gia đình cô chú gửi lời cảm ơn tới tất cả bạn bè anh chị đã, đang và sẽ giúp gia đình chia sẻ thông tin này.

    Trân quý,

    Ngọc Linh
     
    #2 hoahuongduong, 1/8/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này