Bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng. Câu chuyện người bán vé số “đổi” 6,6 tỉ đồng (giá trị của 10 tờ vé trúng) lấy 200.000 đồng, rồi người trúng số tặng lại nguyên tờ vé trúng đến nay vẫn là đề tài bàn tán xôn xao của người dân thị trấn Bến Lức (H.Bến Lức, Long An) bởi cả 2 nhân vật chính đều khá nghèo: vợ chồng chị Lành vé số quê ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), không có cục đất chọi chim nên dắt díu nhau lên Bến Lức thuê nhà trọ rồi đi bán vé số mưu sinh; người trúng số cũng nghèo, có “thâm niên chạy ba gác 25 năm”. Chị “Lành vé số” và anh Tuấn - Ảnh: Nguyệt Thanh Tỉ phú bất ngờ Chiều 15.11, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của bác tài lái xe ba gác Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) reo vang. Thấy màn hình hiện tên “Lành vé số”, anh Tuấn bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ chắc người bán vé số gọi đòi nợ 20 tờ vé số mà anh mua thiếu. Đầu dây bên kia là giọng nữ hơi run run: “Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”. “Thôi đừng có xạo. Đang kẹt tiền phải không? Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả”, dứt lời anh Tuấn tắt máy, tiếp tục vác cho hết đống sắt đang chất trên xe. Khi nhận tiền công của khách hàng, anh Tuấn chạy xe tới quán Cây Mai để trả tiền cho Lành vé số (Phạm Thị Lành, 29 tuổi). Thấy ông chủ quán Cây Mai và nhiều người khác đang xôn xao, anh Tuấn còn tưởng cô bán vé số và mọi người đùa dai. Vừa ngồi xuống bàn, chị Lành tay run run mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số đài Bến Tre giao cho anh Tuấn: “Anh cầm đi, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 trúng hết rồi. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”. Dãy số 191207 trên tờ vé số trùng khít với con số ở giải đặc biệt trên cuốn sổ dò. Vẫn không tin vào mắt mình, anh Tuấn run run bấm điện thoại nhắn tin dò qua tổng đài. Tin nhắn kết quả sau đó vẫn là dãy số 191207. Rút ngay một tờ vé trúng kèm 200.000 đồng, anh Tuấn đưa cho Lành: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”... Chúng tôi tìm tới nhà anh Tuấn, thấy cảnh thợ hồ đang xây dựng lại căn nhà mới trên nền cũ để gia đình đón tết, còn anh đang chạy xe ba gác giao hàng. Một lúc sau anh Tuấn về. Cười rất tươi, anh cho biết trong một giây biến thành tỉ phú, anh vẫn là một người lao động bình thường, vẫn phải chạy ba gác vì đó là nghề nghiệp. “Hồi nhận mấy tờ vé trúng, tôi còn nói với cổ rằng nếu cổ không muốn đưa thì tôi cũng không làm gì được. Tôi nghe mấy người rành luật nói giao dịch này chưa hoàn thành, cổ có giữ lại tôi cũng không làm gì được. Mà nói thiệt, cô Lành không nói vợ chồng tôi cũng không biết”, anh Tuấn kể. Chữ tín của “Lành vé số” Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30m2 của bà Phạm Thị Thèm (mẹ ruột chị Lành, 62 tuổi, ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đầy ắp tiếng cười. Ngoài tờ vé số được anh Tuấn “thưởng”, ngày hôm đó Lành cũng giữ cho mình một tờ và trúng đặc biệt. Sau khi đổi thưởng được gần 3 tỉ đồng (đã trừ thuế), hai vợ chồng Lành đem tiền về quê mua đất cất nhà cho người mẹ nghèo đang một nách nuôi 7 đứa cháu. Nhiều năm nay bà Thèm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (sinh năm 1974), Hồ Văn Nguyên (sinh năm 1978) và Út Lành sống cùng căn nhà này. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của Lành đều bất hạnh. Nhà nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà Thèm nuôi. Vợ anh Nguyên cũng chê anh nghèo bỏ đi, anh nửa điên nửa tỉnh đang điều trị ở Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), 3 đứa cháu cũng giao hết cho bà nội. “Em đang tính qua tết về quê đưa mẹ và 6 đứa cháu lên đây theo nghiệp vé số. Không ngờ trời thương, giờ em cất nhà cho mẹ, tiền thì gửi ngân hàng để mẹ lấy lãi nuôi bầy cháu. Em mừng vì bây giờ mấy đưa cháu côi cút sẽ được đi học”, Lành nói, gương mặt lấp lánh hạnh phúc. “Nhiều người nói nếu chị không giao vé số cho anh Tuấn cũng không ai làm gì chị, bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?” - chúng tôi hỏi. Cười hồn hậu, “Lành vé số” trả lời không cần suy nghĩ: “Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”. Bà Út Tèo - một đồng nghiệp bán vé số của chị Lành ở thị trấn Bến Lức - cho biết nhờ “uy tín” của “Lành vé số” mà thời gian qua những người bán vé số ở Bến Lức cũng “thơm lây”, lượng vé bán tăng hơn trước. Nguyệt Thanh
Ước gì ngày nào cũng có một tin như thế này để đọc, để thấy cuộc đời này người tốt nhiều lắm, truyền thông cần tìm kiếm và giới thiệu những con người tốt bụng như thế. Chắc rằng người trong cuộc - họ không cần chúng ta khen ngợi, nhưng nhờ họ làm tấm gương cho mọi người noi theo, để có cái Cha mẹ dạy cho con, Ông Bà khuyên cháu. Chứ ngày nào, báo chí cũng tràn ngập các vụ chém giết, cướp đoạt, scandan,... đăng thông tin để giúp mọi người hiểu thêm cuộc sống thì đăng, chứ chỉ để câu "view" thì xin đừng làm thế nữa, tội cho người trẻ lớn lên chỉ thấy toàn tiêu cực.
Mọi người ai cũng cảm động vì tin này hết anh ơi, cuộc sống cần lắm những tấm lòng chân chất, mộc mạc và thiết tha đến vậy...Nhờ họ mà cảm thấy tin yêu vào cuộc sống này hơn
Nhìn gương mặt 2 anh, chị rạng ngời niềm hạnh phúc, lòng tôi chợt thấy vui lây.Vững tin rằng trong cuộc đời này còn nhiều lắm những con người dễ thương như anh chị vậy.Chất thật thà, dạn dĩ vốn có của người dân quê thật đáng trân trọng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy.
Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai. Câu chuyện của Chị Lành và Anh Tuấn đã nhắc tôi nhớ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp về cách sống của ngươì dân quê, tuy giản dị, mộc mạc nhưng tất cả những hành động điều thắm đượm nghĩa tình. Thế nên vì sao khi nhắc đến quê nhà thì trong ký ức ai cũng sẽ 1 lần nhớ đến những cử chỉ thân thương nhất, chân tình nhất về cái tình nghĩa của những người hàng xóm láng giềng.Nơi ấy ko có chỗ cho sự ganh đua, nghi kỵ và lòng ích kỷ..mọi người điều sống rất bình dị và yên bình. Tôi hy vọng nơi chốn đô thị này mọi người hãy giữ gìn và phát huy cái giá trị tốt đẹp ấy thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao.
Điều Sen ước, tôi cũng ước như thế. Mổi ngày nhìn chốn "phồn hoa" này mọi người ra đường mổi khi có chuyện cứ gầm gừ nhau như ... (thôi hỏng nói hết câu) tự dưng tui thấy buồn quá trời. Ở Làng quê tôi (Bà rịa) ngày xưa cũng vậy, dù cuộc sống khó khăn nhưng mọi người thương nhau lắm, tối lửa tắt đèn có nhau, ít khi xãy ra lớn tiếng. Nếu nhà nào có chuyện, thì nhà hàng xóm sẽ sang hỏi thăm liền (chứ không phải nhiều chuyện à nha). Còn bây chừ, thì .. Đèn nhà ai nấy sáng, thậm chí tranh thủ để đèn nhà mình sáng hơn nhà hàng xóm (ví dụ: nhà mình ở đầu nguồn nước máy mà chẳng may nước yếu, thì lập tức mua máy bơm tạo áp lực cho nước chảy vào nhà mình nhiều, còn nhà cuối nguồn mà không có tiền mua máy bơm thì chờ ..hứng nước mưa, còn nếu cũng có tiền và mua máy bơm thì cả khúc chính giữa nguồn coi như gặp nạn). Ông Bà nói: "Bà con xa không bằng láng giềng gần" câu này coi bộ mất thiêng với khu nhà giàu rồi (xin lỗi, nhiều tiền, chứ chưa chắc giàu), nhà toàn dựng bê tông cốt thép ..nhập không à, sống hết đời chắc không biết lý lịch láng giềng là ai? Nói tới đây, tự dưng muốn bỏ về quê cắm câu quá!
Đọc bài của Cỏ May tôi thấy có một chút gì đó thật buồn cười!..nhưng đó là những chuyện có thật trong cuộc sống này đấy các bạn ạh. Có đôi lúc tôi cũng có những suy nghĩ giống bạn Cỏ May vậy, muốn bỏ về quê sống như Chị Lành và anh Tuấn cho rồi, chớ sống ở nơi chốn phồn hoa này nhiều khi tôi phải gồng mình lên để mà sống, sống thật gượng ép, những giá trị đạo đức gần như ngày càng mai một.Tôi tiếc nuối những nếp sống tình nghĩa của ông bà ta ngày xưa và ước ao được sống trở lại với cái thời nguyên sơ ấy.. mộc mạc mà chân tình.