(VEF) - Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội lớn nhất trong năm tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, .... Nhiều cộng đồng trên thế giới đang rộn ràng chuẩn bị đón mừng Tết con Rồng theo lịch Âm. Tùy theo phong tục, văn hoá của từng quốc gia, từng nơi lại ăn mừng những ngày đầu tiên của năm mới theo cách riêng. Hong Kong, kinh đô ánh sáng của châu Á những ngày này tràn ngập không khí lễ hội xen lẫn hương vị cổ truyền và màu sắc hiện đại. Như mọi năm, tối mùng Một Tết, người dân Hồng Kông lại nô nức đi xem lễ diễu hành, có sự tham gia của ban nhạc, các vũ công và không thể thiếu đội múa lân rộn ràng, rực rỡ. Trong 90 phút, lộ trình của đoàn diễu hành gần như không thay đổi qua các năm, chỉ có đích đến của mỗi năm là thay đổi. Năm nay, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn diễu hành là khách sạn Sheraton. Trong dịp này, Hong Kong mới có nhiều hoạt động độc đáo chỉ có trong dịp Tết. Đó là lễ mở màn mùa đua ngựa tại Sân đua Sha Tin có sức chứa hơn 80.000 khán giả. Đây được coi là một hoạt động truyền thống ở vùng đất mà môn thể thao này được đa số dân chúng quan tâm. Với dân số người Hoa chiếm số đông, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức rất long trọng tại Singapore. Ngay từ những ngày trước Tết, không khí Tết đã tràn ngập trên các đường phố của Đảo quốc Sư tử, với đèn lồng đỏ, hình rồng bay phượng múa được treo khắp nơi. Các buổi biểu diễn múa lân diễn ra khắp nơi từ trước Tết, khuấy động không khí náo nức trên từng góc phố. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của ngày Tết ở Singapore là lễ diễu hành nổi tiếng Chinggay của các khối mô hình cùng sự tham gia của các vũ công, võ sư, ảo thuật gia diễn ra ngay trước Tòa thị chính. Từ năm 1972, sau khi Chính phủ Singapore ban bố lệnh cấm bắn pháo hoa, Chingay đã trở thành hoạt động sôi nổi, rực rỡ và thu hút nhất ở quốc đảo này trong dịp năm mới. Tết của cộng đồng người châu Á, đặc biệt là cộng đồng người Hoa - tại những quốc gia không kỷ niệm dịp lễ hội này cũng rất phong phú. Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, con đường Yaowarat là khu phố Tàu sầm uất và năng động nhất. Yaowarat trong dịp này ngập tràn không khí rộn ràng, với đỏ và vàng là hai màu trang trí chủ đạo. Các quầy bán các món ăn truyền thống Trung Quốc trong dịp Tết lúc nào cũng tập nấp người mua. Tết ở đây cũng có pháo hoa, múa lân, biểu diễn ca nhạc và các loại hình nghệ thuật khác. Thành phố San Francisco của Mỹ là nơi tập trung người gốc Á đông và lâu đời nhất. Bước qua cánh cửa đỏ đặc trưng dẫn vào khu phố Tàu ở đại lộ chính, đến khu phố Stockton, du khách sẽ ngỡ mình vừa đặt chân lên một vùng miền nào đó ở Trung Quốc. Đây chính là khu sinh hoạt cộng đồng lớn nhất và mang đậm màu sắc Á Đông nhất. Tết ở đây kéo dài, từ vài tuần trước Tết đến hết Rằm tháng Giêng. Và đặc sắc nhất trong các hoạt động ngày Tết vẫn là lễ diễu hành - múa lân mừng năm mới. Đây được đánh giá là một trong những lễ diễu hành hoành tráng nhất thế giới, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh quốc tế. Kết thúc đoàn diễu hành luôn là đội múa Rồng vàng dài tới hơn 60m. Khu phố Tàu ở Manhattan, New York, Mỹ cũng là điểm đến rất hấp dẫn trong dịp Tết. Lễ mừng năm mới ở đây chính thức bắt đầu với màn bắn pháo hoa rực rỡ, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động rộn ràng như múa lân, biểu diễn văn nghệ. Điểm đặc biệt tại đây là các hoạt động đón Tết được tổ chức phân khu vực, mỗi khu phố sẽ diễn ra một hoạt động đặc trưng riêng, không trùng lặp về thời gian. Thủ đô Paris của Pháp là một trong những nơi tập trung đông người châu Á nhất ở châu Âu. Cách thức ăn mừng ngày Tết Á Đông ở thành phố này không quá rộn ràng, náo nhiệt nhưng tràn ngập sắc màu. Mời bạn đọc Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.VN theo dõi chùm ảnh người dân châu Á rộn ràng đón Tết Nguyên đán. Đào - loại cây truyền thống dịp Tết Nguyên đán được bán trên khắp các đường phố Hà Nội. (Ảnh: AFP) Người đi bộ đi qua một con rồng được trưng bày như là một phần của lễ mừng năm mới âm lịch tại Bắc Kinh. Lễ hội Mùa xuân, năm mới của Trung Quốc, rơi vào ngày 23/ 1, kỷ niệm năm con Rồng. (Ảnh: AP) Một người đàn ông ngắm đồ trang trí năm mới bán tại một chợ ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP) Người đi bộ qua khu vực trang trí chờ đón lễ hội mùa xuân tại đền thờ Khổng Tử ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc. (Ảnh: AP) Vũ công thực hiện trong một cuộc diễu hành được tổ chức để chào đón năm mới sắp tới của Trung Quốc ở Solo, Trung Java, Indonesia. Những người có gốc Trung Quốc tại quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này đang chuẩn bị để ăn mừng Tết Nguyên đán. (Ảnh: AP) Trẻ em xem thợ lặn thực hiện một điệu múa rồng dưới nước như trong một chương trình mừng năm mới âm lịch tại Siam Ocean World, Bangkok. (Ảnh: AP) Một đoàn múa sư tử trình diễn trong lễ chào năm mới của Trung Quốc tại gần giao lộ của đại lộ 8 với King Street giữa lúc tuyết rơi nặng. (Ảnh: AP) Du khách đi bộ qua một đường hầm được tạo thành từ những chiếc đèn lồng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây miền Trung Trung Quốc. (Ảnh: AP) Nghệ sĩ thực hiện một điệu múa rồng mừng Tết Nguyên đán tại triển lãm tại Toronto. (Ảnh: AP) Một đứa trẻ ngắm các ma-nơ-canh mặc trang phục năm mới tại một chợ ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP) Người đàn ông đang cầu nguyện tại một ngôi đền được trang trí đón mừng Tết Nguyên đán tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AP) BẢO LINH (TỔNG HỢP)
Ngẫm nghĩ thấy tết người Việt mình thật hay và ý nghĩa. Ngoài phần lễ hội như những nước khác, Việt Nam có tục lệ thăm hỏi và chúc tết, quây quần bên nhau, thật ấm cúng và tràn đầy năng lượng.
Còn cả lì xì nữa chứ anh Bảo, hồi còn bé mình mong tết biết bao, được mặc áo mới, được đi chơi không phải đi học ( mình vốn lười học mà ) mà nhất là được nhận những bao lì xì màu đỏ thật đẹp.
Cái vụ lì xì bây giờ hình như con nít nó hết khoái rồi thì phải, vì bị cha mẹ tịch thu ngay. Đơn cử như nhà anh, Lắc (10 tuôi) vừa được lì xì là cu cậu tự giác xung vào công quỹ, mặt không thể hiện một chút vui mừng gì hết, vì nó biết không được cầm tiền.