(Vietnamnet) - Đã hơn 20 năm nay, trong căn nhà toang hoác nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam, người thầy giáo già hàng đêm vẫn mơ về một bữa no cho đàn con 4 đứa dở dở ương ương đập phá la hét cả ngày... Trong căn nhà nhỏ rách nát tại con hẻm nhỏ số 92/5 đường Huỳnh Thúc Kháng, thuộc khối phố 8, phường An Xuân (TP. Tam Kỳ) mắt tôi đã phải chứng kiến cảnh người thầy giáo già nua Vương Mua đang hàng ngày phải vật lộn với áo cơm để nuôi đàn con 4 đứa tâm thần. Trong nước mắt của tuổi tác già nua, ông Mua nhớ lại: Sau giải phóng tui công tác ở phòng giáo dục huyện Tam Kỳ, nay là TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 1979 tui lập gia đình và lần lượt sinh ra 6 đứa con. Nhưng nghiệt ngã là cả 6 đứa con đều bị bệnh tâm thần suốt ngày la hét, đập phá. Thầy giáo già và những người con tâm thần Đồng lương công chức ngành giáo dục thời đó không đủ nuôi đàn con tâm thần của mình. Quá bức bách, năm 1990 ông Mua xin nghĩ chế độ một lần và về nhà và chấp nhận cuộc sống đạp xe thồ cùng vợ buôn bán nuôi đàn con 6 đứa tâm thần. Ông kể, từ đó đến nay, cả nhà tui chưa được một bữa ăn no. Sống trong khó nghèo và bất hạnh, nhưng người thầy giáo già Vương Mua vẫn giữ mình với cuộc sống thanh đạm bần hàn. Do cuộc sống quá kham khổ, bệnh nặng không có tiền thuốc thang lại thiếu cái ăn hai đứa con đầu lần lượt qua đời… Nhưng tai họa lại bất ngờ ập đến với người vợ tảo tần của mình. để có tiền phụ giúp chồng lo cho gia đình, bà Lê Thị Mười vợ ông phải chạy vạy buôn thúng bán bưng. Nhưng đầu năm 2011, trong chuyến lên Trà My mua hàng trở về bà Mười bị tai nạn giao thông và qua đời. Bỏ lại một mình ông 4 đứa con quặt quẹo. Bây giờ trong căn nhà trống toang hoác ấy chỉ mỗi mình ông Mua lo cho 4 đứa con tâm thần gồm 2 người con gái và 2 người con trai. Trong đó, chị Vương Thị Ngọc đã 50 tuổi, chị Vương Thị Thu 45 tuổi và anh Vương Dũng 41 tuổi, đều bị bệnh tâm thần mãn tính, nửa ngây, nửa dại. Còn đứa con út cũng cà tưng, cà dựt không giúp được gì cho người cha đã ngoài 80 tuổi. Cả năm cha con ở trong căn nhà tuềnh toàng, quanh năm mưa tạt, gió lùa. Tài sản quý nhất của gia đình ông Mua có lẽ là một cái tủ chứa đầy kỷ niệm buồn với những chiếc lư hương và di ảnh của người thân. “Mỗi tháng, gia đình tui được Nhà nước trợ cấp 720 ngàn đồng. Chừng ấy tiền cho năm miệng ăn, chẳng thấm tháp vào đâu, đành chịu cảnh bữa no bữa đói! Tui già rồi có làm được chi mô, còn lại 4 đứa giống như trẻ con suốt ngày cười nói lảm nhảm và gây sự đánh nhau...” - ông Mua kể trong nước mắt. Số tiền 720.000 đồng mỗi tháng nhận trợ cấp, ông Mua chỉ giành để mua loại gạo rẻ tiền nhất mới đủ ăn cho 5 con người. Ông bảo với tôi rằng đã hơn 20 năm nay gia đình ông không biết mùi thịt cá, bữa cơm chỉ toàn rau, rau và muối. Trong giấc mơ đời người của mình, ông Mua kể với tôi rằng ông nhiều đêm nằm mơ được một bữa no có thịt cá cho các con. Như vậy có nhắm mắt ông cũng mãn nguyện lắm rồi. Giấc mơ cuối đời của ông lão nhà giáo nghèo chịu nhiều bất hạnh nghe sao mà xót lòng. Đứng trong căn nhà rách nát giữa những con người điên dại, tôi chẳng biết làm gì hơn. Chỉ biết đưa tay lục tất cả những đồng tiền cuối cùng trong túi mình để mong có một bữa no cho ông lão nhà giáo nghèo bất hạnh. Nhưng bất chợt tôi nghĩ còn những ngày giá lạnh sắp đến, giữa cái tết đang cận kề, một bữa no với ông lão nhà giáo có là sự thật hay chỉ là giấc mơ mỗi đêm về...? Vũ Trung
Thật bất hạnh vô cùng, hoàn cảnh thử thách ông quá khắc nghiệt. Bây giờ ông đã sức cùng lực kiệt, chỉ còn biết trông chờ vào tình thương của người chung quanh. Xin đời một chút lòng nhân ái. Các bạn trẻ ơi, đời đã gọi tên, ta cùng lên tiếng đi thôi.
Ngày nào cũng đọc và cũng điều bắt gặp những nghịch cảnh khổ đau trái ngang như thế này. Chỉ mong sao xã hội ngày càng có nhiều tình thương, nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay góp sức để sẻ chia bớt gánh nặng với những hoàn cảnh éo le như thế này.
Tự thân ta phải bắt đầu thôi, duyên lành sẽ hội tụ thành một hiệu ứng lớn, nhiều người sẽ giúp cho nhiều người.