Thống kê mới nhất từ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, thịt động vật tươi sống bày bán tại các chợ tại TPHCM bị nhiễm khuẩn salmonella tới 32,26%. Con số này rất đáng báo động vì trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều điểm giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Giết mổ nhỏ tự phát Khảo sát sơ bộ tại một số các chợ lẻ, chợ tạm trên địa bàn TPHCM thấy nhiều điểm giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ. Hầu như chợ nào cũng có 1 - 2 điểm, đa số là người bán gà, vịt kiêm luôn giết mổ tại chỗ khi khách có nhu cầu. Ông Trần Văn Bình, chủ đại lý hàng khô tại một chợ tạm, quận 12, TPHCM cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh gạo, hàng khô, đồng thời mua gà ta sống về bán lẻ. Người mua muốn làm thịt gà luôn tại chợ tôi thu thêm tiền công 5.000đ/con. Đại lý nhà tôi chỉ là điểm giết mổ hình nhỏ lẻ, kết hợp bán hàng hóa nên không đăng ký kinh doanh”. Tại khu giết mổ đặt phía sau nhà kín đáo, chủ nhà đề hàng chữ trên cửa: “Không phận sự miễn vào”. Chúng tôi đã tiếp cận khu vực này và ghi nhận cảnh tưởng, gà sau khi nhổ sạch lông được cho vào chung chậu nước rửa lòng mề gà đầy phân sống. Tới một địa điểm giết mổ nhỏ lẻ khác tại chợ Gò Vấp, chủ cơ sở cho người mua gà được vào xem khu vực giết mổ bề bộn (khoảng 4 - 5m2) vừa làm nơi nhốt gà sống vừa mổ giết luôn. Chất thải sau giết mổ vứt tứ tung, bốc mùi hôi thối. Anh Đức chủ cơ sở cho biết, ngày lễ, Tết, anh giết mổ hàng trăm con gà, vịt/ngày. Riêng đối với các điểm giết mổ heo, bò, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ heo lậu vẫn diễn ra tại một số địa bàn vùng ven nhất là quận Bình Chánh... Tại các cơ sở giết mổ heo lậu, thịt heo được mổ xẻ ngay cạnh chuồng heo và được bày tràn ra nền xi măng lẫn lộn với phân heo, đất cát... Heo được mổ ngay bên nền xi măng lẫn lộn với phân, đất cát... Nhiễm khuẩn kháng kháng sinh cao Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện paster TPHCM đã thực tế lấy ngẫu nhiên 1.150 mẫu thực phẩm thịt heo, gà, bò tươi sống tại các chợ trên địa bàn TPHCM để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 385 mẫu thịt nhiễm khuẩn salmonella. Trong đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn salmonella trong thịt heo cao nhất chiếm 39,20% (98/250 mẫu), thịt gà chiếm 35,17% (211/600 mẫu), thịt bò 30,80% (77/250 mẫu). Tính trung bình, tỷ lệ thịt động vật tươi sống bày bán tại các chợ nhiễm khuẩn salmonella chiếm tới 32,26%. Theo bà Phẩm Minh Thu, Trưởng Phòng Kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh, Viện Pasteur TPHCM, khuẩn salmonella là tác nhân chính gây bệnh thương hàn, tiêu chảy cho người và động vật. Khuẩn này lây qua đường ăn uống. Nó chỉ chết khi đun ở nhiệt độ 100oC trong 10 phút. Khuẩn salmonella không chỉ có trong thực phẩm tươi sống không đảm bảo vệ sinh mà còn có trong rau củ héo, úa. Điều nguy hiểm là sự gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh salmonella, trong khi đó hiện nay do việc lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc không hợp lý nên đã dẫn tới tồn dư kháng sinh trong cơ thể nên con người sẽ dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc này qua thực phẩm. Bà Phẩm Minh Thu cho biết thêm, số liệu xét nghiệm cho thấy, các mẫu thịt tươi sống không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do nhiễm khuẩn salmonella khá cao. So với những năm trước đây thì không có chiều hướng giảm. Nghiên cứu gần đây của Viện Thú y Hà Nội cũng cho thấy, 28/85 mẫu thịt gà (34,11%) nhiễm khuẩn salmonella. Điều này cho thấy, thực trạng của việc sản xuất thực phẩm tươi sống của nước ta trong những năm qua chưa có cải thiện và nguy hiểm hơn là khuẩn salmonella đã kháng thuốc kháng sinh. Viện Pasteur TPHCM đã phân lập được 437 chủng salmonella từ thịt bò, heo, gà tươi sống. Các chủng này đã được xác định kháng kháng sinh. Trong đó có ít nhất 61 chủng salmonella đa kháng, kháng ít nhất 5 loại kháng sinh thường dùng trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm gây ra và kháng ít nhất 2 kháng sinh cephalosporin phổ rộng như cefoxitin… Theo Kiến thức