Barack Obama làm nên chiến thắng lịch sử, tái cử tổng thống Mỹ bất chấp các trở ngại về kinh tế ì ạch và tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông viết trên twitter ngay sau khi có kết quả: "Xin cảm ơn. Tôi chiến thắng là nhờ các bạn". Thắng lợi này đúng như mong muốn của các nước Đông Nam Á. Vì sao các nhà lãnh đạo ASEAN muốn Obama ở lại Nhà Trắng? Dưới đây là 10 lý do được The Nation phân tích trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. 1.Nhìn chung, các nhà lãnh đạo ASEAN muốn Obama có một nhiệm kỳ thứ 2 tại Nhà Trắng để ông có thể tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sẽ diễn ra tại Phnom Penh trong 2 tuần tới. Với ASEAN, ông Obama đại diện cho ý chí và cam kết “trở lại châu Á”, coi châu Á là trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ. 2.Nếu đối thủ của ông Obama - ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc đua tranh cử, ông ta sẽ không có lý do nào để đi tới Đông Nam Á khi mà có cả núi công việc đang chờ ông ta khi bước chân vào Nhà Trắng. 3.Campuchia - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN đã rất vui mừng thông báo ông Obama đã xác nhận rằng ông sẽ tới thăm Campuchia và dự EAS. Đó là dấu hiệu rõ rằng cho thấy ông Obama rất tự tin về chiến thắng ngày mai và không phải dọn ra khỏi Tòa Bạch ốc. 4.Cả Myanmar và Thái Lan đều đang băn khoăn chờ một lời xác nhận của Obama về các chặng dừng chân của ông tại Naypydaw và Bangkok nhân chuyến tham dự Hội nghị EAS tại Phnom Penh. 5.Nếu có vị Tổng thống Mỹ nào hiểu biết và đánh giá cao về ASEAN thì đó là ông Obama. 6.Chính sách tái cân bằng của Mỹ đã nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các nhà lãnh đạo ASEAN. Nếu ông Obama sẽ có thêm một nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, chính sách này sẽ bước vào giai đoạn thứ 2 với sự tăng cường cam kết của của Mỹ với các thành viên ASEAN trong mọi lĩnh vực, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) mà Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy. 7.ASEAN muốn có một Tổng thống Mỹ với một chính sách đối ngoại thực tế đối với Trung Quốc. Việc ở sát sườn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không chỉ đem lại cho ASEAN những cơ hội giao thương thuận tiện mà sự trỗi dậy của một siêu cường khu vực cũng mang lại những lo lắng căng thẳng cho những người hàng xóm Đông Nam Á. 8.ASEAN thích một nhà lãnh đạo Mỹ không đối xử với Nga như một kẻ thù, bởi nó sẽ có tác động trực tiếp đến hòa bình khu vực và sự ổn định tổng thể. Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng thống Vladimir Putin đang quay trở lại khu vực và lấy lại ảnh hưởng ở khu vực Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Moscow muốn hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy các mối quan hệ này. 9.Nếu Tổng thống Mỹ vẫn là ông Obama, các nhà lãnh đạo châu Á sẽ có thêm thời gian để suy ngẫm về thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc – những người sẽ tiếp nhận chuyển giao quyền lực sau Đảng hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. 10.Các nhà lãnh đạo ASEAN, đặc biệt là các nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, … không thích chính sách đối ngoại của ông Romney - người muốn gây chiến với Iran, trong khi họ muốn duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với nước Cộng hòa Hồi giáo. Theo Khám phá