Rời giảng đường đại học ở tuổi ngoài 20, bạn nghĩ rằng mình có thể thoải mái thử sức với mọi công việc và nếu không thích sẽ “nhảy việc” bởi thời gian còn dài. Nhưng theo các chuyên gia, đây chính là một trong 9 sai lầm có thể làm hỏng sự nghiệp. Tạp chí Forbes mới đây đã có cuộc phỏng vấn với tiến sỹ tâm lý Meg Jay, tác giả của cuốn sách “Thập kỷ định hình: Vì sao tuổi 20 của bạn quan trọng và làm thế nào để tận dụng nó tối đa”. Bà đã nêu ra 9 quan điểm sai lầm mà những người vừa bước vào đời thường gặp phải. Sai lầm 1: Tuổi 20 không quan trọng “Tuổi 20 là quãng thời gian để có những bước đi nhất định. Thời gian này và duy nhất và có thể mang tính chất chuyển đổi. Thực chất nó quan trọng hơn những gì người ta nghĩ”, bà Jay khẳng định. Nếu bạn vẫn trì hoãn việc bắt đầu cuộc sống riêng…đừng làm vậy. Đây chính là lúc cần bắt đầu có những lựa chọn quan trọng về nghề nghiệp, về thành phố bạn sẽ sống, thậm chí là cả chuyện hôn nhân để tạo đà cho cuộc sống khi bước vào tuổi 30. Sai lầm 2: Cần phải tìm ra sự nghiệp hoàn hảo trước khi bắt tay vào làm Có quá nhiều người ở tuổi ngoài 20 nghĩ rằng họ cần phải tìm hiểu xem họ muốn trở thành người ra sao khi trưởng thành trước khi thực sự kiếm một việc gì đó. Nhưng theo chuyên gia Jay, quãng thời gian từ 20 – 30 tuổi chính là thập niên lý tưởng để tích lũy cái mà bà gọi là “nguồn vốn cá tính” – những kinh nghiệm nhỏ bạn thu lượm được có thể tích lũy lại để trở thành cá tính vững chắc theo thời gian. Ví dụ, thay vì chờ đợi để có công việc lý tưởng, hãy chấp nhận những công việc không lý tưởng, miễn là công việc đó có thể giúp tạo bước đà cho một công việc khác tốt hơn trong tương lai. Và nếu bạn có nhận việc gì đó hơi khác lạ cũng không vấn đề gì, miễn là sau này khi bạn đề cập đến nó nhà tuyển dụng sẽ muốn lắng nghe. Sai lầm 3: Tôi có thể làm bất kỳ việc gì tôi muốn! Trước khi mơ mộng, hãy thực tế về các kỹ năng và mục tiêu của mình. “Đôi khi những người vừa bước vào tuổi 20 được nói cho nghe rằng “Ôi chúa ơi, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn trên cả thế giới này”. Điều đó nghe thật ghê gớm, nhưng không phải sự thật”, Jay nói. Để tránh rơi vào tình trạng trên, hãy hoạch định những kế hoạch cụ thể mà bạn có thể theo đuổi dựa trên những gì bạn đã biết. Sai lầm 4: Khi đã tìm được nghề hoàn hảo thì nó sẽ không còn giống công việc Không ít bạn trẻ ở tuổi 20 cho rằng nếu tôi có thể theo đuổi đam mê của mình thì công việc sẽ không còn gì khó khăn. Còn ngược lại, tôi sẽ phải trói buộc mình vào bàn làm việc trong đau khổ. Nhưng theo Jay, đúng là sẽ có những nghề không phù hợp với bạn, nhưng ý tướng về một nghề hoàn hảo không khác gì ý nghĩ rằng, một khi đã kết hôn bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi mà không có xích mích. “Sự thật là mọi nghề nghiệp (và mối quan hệ) đều có việc phải làm”. Sai lầm 5: Tôi có thể có công việc mong muốn một ngày nào đó Jay cho biết một trong những điều nuối tiếc mà bà thường nghe được từ những người ngoài 30 tuổi đó là họ đã không xem xét kỹ các lựa chọn nghề nghiệp. “Tôi nghe người ta nói nhiều câu như tôi ước rằng tôi đã tận dụng thời gian đó tốt hơn và chấp nhận mạo hiểm hơn khi có cơ hội”. Đó là bởi các nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm chọn bạn để đổi lại việc bạn vẫn còn trẻ và nhiệt huyết. “Mọi người đều mong muốn được hỗ trợ người trẻ, những người dễ cộng tác”, Jay nhận định. “Nhưng khi đã bước vào tuổi 30, nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn khác đối với những người vẫn còn đang tìm kiếm công việc họ muốn làm”. Sai lầm 6: Nếu không thích công việc thì ra đi Theo Jay, trước khi nghĩ đến chuyện nghỉ việc bạn cần tự đặt cho mình các câu hỏi như: Điều gì trong công việc này khiến bạn không thích thú? Bạn có tích lũy thêm được kinh nghiệm gì hay không? Có điều gì trong công việc đó bạn thực sự thích không? Vì sao trước đây bạn nghĩ tôi thích công việc này? Sau đó là đến những cân nhắc về tài chính. Bạn đã có quỹ dự phòng khi nghỉ việc chưa? Bạn có đủ tiền tiết kiệm để nhảy việc chưa? Nếu chưa, và nếu bạn thấy công việc hiện tại không đem lại cho bạn điều gì khác ngoài tiền lương, thì đó chính là lúc bạn cần tích cóp tiền để chuẩn bị nhảy việc. Sai lầm 7: Nếu gặp phải sếp tồi, hãy ra đi và không ngoảnh đầu lại Một ông sếp tồi không phải lúc nào cũng là lí do để bỏ việc và ra đi. Họ có thể là những ký ức tệ nhất bạn có khi ở tuổi ngoài 20. Nhưng họ có thể vẫn đem đến cho bạn những giá trị nhất định. “Nếu công việc vẫn còn cho bạn điều gì đó có thể giúp bạn thành công trong tương lai, hãy cố gắng ở lại cho đến khi bạn tích lũy đủ những yếu tố đó trước khi ra đi. Hãy sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm đó cho công việc tiếp theo với một ông chủ tốt hơn”, bà Jay nói. “Và, nếu có thể, hãy ra đi và để lại những ấn tượng tốt. Trái đất thì rất nhỏ bé và ngay cả những ông sếp tồi một ngày nào đó cũng có thể là người có thể giúp đỡ bạn”. Sai lầm 8: Nhảy việc lúc nào cũng xấu Sự thực là, theo chuyên gia Jay, thì việc được thử sức qua nhiều công việc ở tuổi 20 không có gì xấu. “Nhưng cần phải có mục tiêu rõ ràng và phải hiệu quả để bạn có thể đưa ra một kết luận sơ bộ khi bước vào tuổi 30”, bà Jay cảnh báo. Hãy nhớ, sự khác biệt giữa một đợt nhảy việc có dự tính với không dự tính đó là ánh hào quang mà nó đem lại đối với hồ sơ xin việc của bạn. “Nếu ai đó hỏi rằng bạn đã làm gì trong vòng 5 năm qua, bạn cần phải giải thích được những công việc bạn đã thử sức và những gì bạn đang làm”, Jay khẳng định. Ví dụ, bạn muốn theo đuổi sự nghiệp của một nhà tư vấn, bạn có thể thử sức với giảng dạy nhưng sau đó bạn nhận ra mình thích hợp với tư vấn trực tiếp cho từng người hơn, do đó bạn chuyển việc. Sai lầm 9: Tôi 20… tôi có quyền Theo bà Jay, những người ở tuổi 20 thường thiếu kinh nghiệm. “Sếp của bạn không phải bố mẹ hay giáo viên của bạn. Vậy nên họ không quan tâm đến các vấn đề cá nhân của bạn”, Jay cho biết. “Sự hiểu lầm thường dẫn đến mâu thuẫn và sai lầm. Những suy nghĩ chín chắn không đến cùng tuổi tác mà đến cùng sự luyện tập và trải nghiệm”. Những người ở tuổi 20 cần phải học cách để thích nghi với môi trường công việc, họ cần có những cơ hội thực sự để chứng tỏ bản thân. Theo Dân trí