Người có “đôi bàn tay vàng” Thật khó có thể kể hết những thành tích mà nữ bác sĩ này đã đóng góp cho ngành y học nước nhà nhưng nhắc đến bà người ta nhớ ngay đến công trình “thụ tinh trong ống nghiệm” (TTTON). Mặc dù đã xuất hiện từ lâu và được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng vào đầu những năm 90 tại Việt Nam, phương pháp TTTON vẫn còn là một giấc mơ quá đỗi xa vời. Trước thực tế đó, bác sĩ Phượng đã tranh thủ mọi cơ hội để tiếp cận, học tập và tìm hiểu nắm vững các quy trình kỹ thuật, cách thức tổ chức thực hiện TTTON cũng như các yêu cầu về nhân sự, thiết bị, dụng cụ thiết yếu một cách chi tiết, tỉ mỉ thông qua những chuyến tham quan bệnh viện của Viện Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp). Được sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ, bà đã tự bỏ tiền ra mua một số thiết bị cần thiết cho đề tài mang về nước đồng thời vận động nhiều nguồn hỗ trợ để gửi hàng loạt bác sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh... đến nhiều nước trên thế giới tham quan và học tập với mục tiêu đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ cho kỹ thuật mới này. Tháng 8-1997 ba phôi thai đầu tiên của Việt Nam đã đặt vào ống nghiệm thành công. Ngày 30-4-1998, đúng ngày kỷ niệm 23 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 3 em bé TTTON đã chào đời trong niềm vui không chỉ của riêng bác sĩ Phượng mà của hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn khác trên cả nước. Ngay sau đó phương pháp này đã được áp dụng tại các bệnh viện phụ sản trong cả nước, từ đó đến nay đã có hàng ngàn em bé được sinh ra nhờ phương pháp này. Bên cạnh đề tài TTTON, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài có giá trị khác như: Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung, áp dụng phương pháp miễn dịch me TBG để chuẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra bà còn là người có nhiều công lao trong việc thành lập viện Tim của TP.Hồ Chí Minh, Thành uỷ TP.Hồ Hồ Chí Minh đã đề nghị bà kiêm nhiệm chức Viện trưởng viện Tim. Cùng một lúc lãnh đạo hai bệnh viện lớn, nhưng với lòng yêu nghề, sự thông minh sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao, bà đã dẫn dắt cả hai bệnh viện trở thành “Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Hết lòng vì đồng bào nghèo Mặc dù đã về hưu được gần 4 năm (từ tháng 11-2005) nhưng đến nay lịch làm việc của nữ bác sĩ này vẫn luôn kín mít. Một phần là do cùng lúc bà phải đảm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng của nhiều tổ chức khác nhau như: Phó Chủ tịch hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam và dioxin, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.Hồ Chí Minh... và nhiều công việc khác chiếm rất nhiều thời gian trong thời khoá biểu của bà - đó chính là những chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện của bà tới những vùng đồng bào nghèo của các tỉnh vùng sâu vùng xa. Đến nay bác sỹ Phượng không thể nhớ nổi chuyến đi từ thiện đầu tiên của mình là từ khi nào và đi tới đâu. Chỉ biết rằng hầu như tất cả các tỉnh trong khu vực phía Nam từ Ninh Thuận, Bình Thuận cho tới Bạc Liêu, Cà Mau hay những tỉnh miền núi Tây Nguyên, nơi nào cũng in dấu chân bà. Sau bao nhiêu chuyến đi như vậy, điều bà tâm đắc nhất đó là đã đào tạo được một đội ngũ các cô đỡ thôn bản tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà tâm sự: “Tới những buôn làng dân tộc, thấy hầu hết phụ nữ đều không có kiến thức y tế. Khi sinh nở các chị em đều sinh tại nhà mà không tới các cơ sở y tế vì thế rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Từ đó tôi đã nảy ra ý định đào tạo các cô đỡ thôn bản để chăm sóc tốt hơn cho chị em trong việc sinh nở”. Trong suốt thời gian công tác tại bệnh viện Từ Dũ, bà đã đào tạo ra hàng ngàn các cô đỡ như vậy. Đến nay, khi bà đã nghỉ hưu, bệnh viện Từ Dũ lại tiếp nối công việc trên. Nhận thấy lợi ích từ chương trình đào tạo này, mới đây, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc UNFPA cũng đã áp dụng thí điểm chương trình này tại tỉnh Hà Giang và đã đạt được nhiều hiệu quả trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại địa phương. Trong quá trình đào tạo, bác sỹ Phượng cũng được mời ra Hà Giang để hỗ trợ và tư vấn về kinh nghiệm. Ngoài việc đào tạo nghiệp vụ y tế, bà còn vận động nhiều chương trình hỗ trợ về cho các cô đỡ thôn bản như tặng xe máy xe đạp để họ có phương tiện đi lại, phục vụ cho công việc tại địa phương. Xã Vị Thanh – tỉnh Hậu Giang, hễ bác sỹ Phượng về tới nơi là bà con ai nấy đều chạy ra đón và mời bằng được bà về nhà chơi. Đó là bởi rất nhiều người dân ở đây khi đến khám bệnh tại bệnh viện Từ Dũ đều nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình của bà. Có người không có chỗ ở còn được bà đưa về nhà như người trong gia đình. Bà cũng đã có rất nhiều chuyến đi khám chữa bệnh miễn phí tại đây. Sự tri ân đó với bà “là tài sản lớn lao và quý báu nhất mà không tiền bạc nào có thể mua được”. Vậy nhưng mỗi lần nhắc tới các công việc từ thiện của mình, bác sỹ Phượng đều cười xoà nói: “Để làm được như vậy hầu hết đều nhờ vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhiều cá nhân khác”. Bà kể, trước đây rất nhiều bệnh nhân sau khi được tôi chữa bệnh đã đem tiền, quà tới tặng, tôi đều từ chối và bảo: “Sau này khi tôi cần tiền ủng hộ để làm từ thiện, mọi người hãy đóng góp”. Từ đó, chính những bệnh nhân của bà cũng trở thành một lực lượng mạnh thường quân nhiệt tình và đông đảo, hỗ trợ rất nhiều kinh phí cho công tác từ thiện. Đến nay, đã ở tuổi 66 nhưng đôi chân của nữ bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn chưa muốn nghỉ. Bà bảo: “Còn bao nhiêu sức lực, tôi sẽ dành hết cho việc khám chữa bệnh cho các đồng bào nghèo và đào tạo đội ngũ y bác sĩ có tay nghề và có cái tâm tốt đẹp. Chỉ mong xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có cuộc sống tốt hơn”. Chia tay chúng tôi, bác sĩ Phượng thông báo, sắp tới bà sẽ có chuyến từ thiện dài ngày khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào tại tất cả các tỉnh thành phía Nam. Biết bao người, trong đó có những ân nhân của bà vẫn mong cho người nữ bác sĩ tài đức có thật nhiều sức khoẻ để đem “đôi bàn tay vàng” của mình đi cứu giúp những người nghèo khó. Và mong rằng xã hội chúng ta ngày càng có thêm nhiều những con người như Anh hùng lao động, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Nguyễn Hiền - Đại đoàn kết