TT - Tuần học đầu tiên sau đợt nghỉ tết là thời điểm mà nhiều thầy cô giáo xác định là “tuần cao điểm” trong việc quan tâm, giám sát nề nếp học tập của học sinh. Bởi phần đông học sinh từ mầm non đến trung học rơi vào tình trạng chểnh mảng học tập. [TABLE="class: tLegend, width: 40, align: center"] Học sinh lớp 12C1 Trường THPT Gia Định, TP.HCM trong giờ học nhóm môn lý. Sau tết, các em lại chạy nước rút cho các kỳ thi sắp tới - Ảnh: NHƯ HÙNG [/TABLE] Cô Th. - giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Kim Liên Hà Nội - cho biết: “Mặc dù mọi thông báo cho học sinh đều đã được thông qua sổ liên lạc điện tử, nhưng trước buổi đi học trở lại sau đợt nghỉ tết 11 ngày tôi phải dành thời gian ngồi nhắn tin cho hơn 50 học sinh. Có những tin nhắn được gửi chung cho nhóm học sinh, nhưng có những tin nhắn phải soạn riêng cho những học sinh đặc biệt”. Tin nhắn đầu năm “Cô mong buổi học đầu tiên của năm mới, em sẽ không đi muộn 5 phút và quên thẻ học sinh nữa”. Đó là lời nhắn cho một học sinh thường xuyên muộn giờ học 5 phút và bị ghi sổ giám thị vì quên thẻ. Hay lời nhắn khác: “Ngày mai sẽ là khởi đầu của một chặng đường mà con hứa nỗ lực hết mình đấy. Chúc con thành công!” - lời nhắn cho một học sinh từng khiến người cha mà em yêu quý bị sốc vì kết quả học tập thấp kém ở học kỳ 1. “Tôi đã nhận được lời đáp của gần một nửa số học sinh của lớp và nghĩ những lời nhắn gửi của mình không phải lời chúc sáo rỗng và vô nghĩa. Ít nhiều nó có ích, giúp các em khởi động lại sau đợt nghỉ dài” - cô Th. chia sẻ. Trong khi đó, vợ chồng anh Thiêm, chị Xuân có hai con đang học lớp 5 và lớp 7 cho biết: “Còn hai ngày nghỉ cuối cùng, vợ chồng tôi lo lắng vì không biết làm thế nào để giúp con bắt nhịp lại với nề nếp học tập ngày thường. Cuối cùng chúng tôi nghĩ ra cách ghi âm một bài hát mà các cháu cùng yêu thích, bí mật cài vào điện thoại của các cháu. Đúng 6g45 mỗi sáng, bản nhạc phát lên, kèm sau đó là lời chúc riêng cho từng cháu”. Anh Thiêm cho biết thêm: “Các cháu có vẻ thích thú và đã không ngủ nướng nữa. Trong “hộp thư dành riêng cho các con”, chúng tôi cũng có những lời nhắn viết tay thể hiện mong muốn và khuyến khích các cháu quay lại với sách vở một cách nghiêm túc. Cháu bé đã hoàn thành số bài tập cô giáo giao về trong dịp tết. Còn cháu lớn đã chuẩn bị sách vở sẵn sàng cho buổi học đầu tiên của năm mới”. Chú ý cả chuyện ăn uống Một chuyên gia tâm lý cho rằng những ngày đầu tiên khi trẻ quay lại trường sau kỳ nghỉ tết khá dài, nhà trường nên tạo điều kiện để học sinh quen dần giữa hai trạng thái nghỉ ngơi vui chơi với học hành căng thẳng. Giáo viên không nên ngay lập tức giao bài tập quá nhiều và khó trong những ngày đầu. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý đối với những học sinh lứa tuổi mầm non và những học sinh nội trú, bán trú, nhà trường cần lưu ý việc ăn ngủ của học sinh. Thói quen ăn ngủ có thể sẽ chưa thể trở lại ngay lập tức. Học sinh có thể biếng ăn và ăn không đúng giờ. Để hạn chế việc trẻ chưa kịp thích nghi với món ăn, giờ ăn của trường, có thể tăng cho trẻ ăn giặm hoặc uống sữa. Buổi học nhẹ nhàng Cô Nhung, một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở Hà Nội, cho biết: “Để học sinh nhanh chóng vượt qua tuần học đầu tiên sau tết, tôi không muốn quá nghiêm khắc, tránh dùng lời lẽ nặng nề, căng thẳng đối với các con. Tôi muốn các con dần dần quay lại với nề nếp học tập một cách nhẹ nhàng, vui vẻ”. Cô Nhung cho biết buổi học đầu tiên cô kể chuyện cho học sinh và khuyến khích chúng tự đọc lại truyện, tóm tắt câu chuyện, đưa ra nhận xét. Cô sẽ chỉ ra những bài tập vui, tổ chức các hoạt động tập thể.Cô Nguyệt Anh, giáo viên mầm non ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết đã dành một buổi trước ngày học sinh trở lại trường để trang hoàng phòng học. Những hình con thú ngộ nghĩnh, nhân vật hoạt hình được gắn lên tường, những đồ chơi đơn giản tự làm được chuẩn bị sẽ tạo hứng khởi cho các bé mang tâm lý sợ đi học sau một thời gian nghỉ tết. Buổi học đầu tiên, theo một số phụ huynh tham gia công tác hội phụ huynh lớp, các cô giáo chủ nhiệm học sinh mầm non, tiểu học sẽ có những hoạt động có ý nghĩa, động viên học sinh. Đơn cử như “mừng tuổi các con bằng vở viết, bút luyện chữ đẹp” hay tổ chức cho các con tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tổ chức văn nghệ mừng năm mới. Một học sinh Trường THCS Phương Mai, Hà Nội cho biết: “Chúng con đã hẹn nhau gấp bông giấy ghi lời ước để tặng cho một bạn cùng lớp vừa bị ốm nặng trong dịp tết. Điều đó khiến chúng con thấy hào hứng hơn khi đến trường vào buổi học đầu tiên”. Ngăn ngừa bỏ học, trốn tiết Có nhiều cách để bắt nhịp lại với nề nếp học tập nhưng đối với cán bộ quản lý các nhà trường, tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán vẫn phải có những biện pháp cứng rắn để ngăn ngừa tình trạng bỏ học, trốn tiết do có quá nhiều lý do khiến học sinh xao nhãng chuyện học như lễ hội, kế hoạch du xuân của các gia đình... Cùng với chuyện bỏ học, trốn tiết là tình trạng vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn xã hội. Theo đại diện Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, sau dịp nghỉ tết nhà trường phải tăng cường nhiều hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở học sinh giữ nề nếp học tập, phối hợp với chính quyền, cơ quan công an để giám sát, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, trốn tiết, có hành vi vi phạm luật giao thông, tham gia tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích các câu lạc bộ của học sinh tổ chức nhiều hoạt động lành mạnh. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho biết mỗi giáo viên chủ nhiệm, mỗi lớp học phải có kế hoạch riêng trong việc chấn chỉnh nề nếp học tập. Ngoài việc đi học đúng giờ, đảm bảo quy định học tập, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn có những quy định cụ thể cấm học sinh ăn mặc lố lăng, nhuộm tóc xanh đỏ - một “dư âm” phổ biến trong giới học sinh xuất hiện ở nhiều trường học. Theo đại diện một số trường THPT, để “rung chuông” nhắc nhở học sinh, trường đã tổ chức thi thử tốt nghiệp, thi khảo sát chất lượng ngay trong tuần đầu tiên sau tết. Đây là một động thái để học sinh chịu ngồi vào bàn học. VĨNH HÀ