Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) bắt đầu “nổi dậy” trở lại. Ghi nhận tại các bệnh viện ở TP.HCM, đầu mùa bệnh năm nay xuất hiện nhiều ca nặng, theo chiều hướng nguy hiểm. Đã có ca bệnh nặng Mới đầu mùa dịch nhưng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong số hơn 50 ca mắc tay chân miệng đang nằm viện thì đã có tới 10 ca nặng từ độ 2B trở lên. Đặc biệt, trong đó có ba ca độ 3 và một ca độ 4 phải thở máy, lọc máu trong tình trạng nguy kịch. Nhiều ca TCM nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi Theo bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, số ca bệnh TCM đang bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 3. Hầu hết những ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được chuyển đến từ khu vực huyện Cần Đước (tỉnh Long An) và huyện Bình Chánh (TP.HCM). Trong đó, hai ca bệnh nặng, bệnh nhi L.T.K. (5,5 tháng tuổi; độ 4) và bệnh nhi L.T.L (4 tuổi, độ ba), cùng là chị em ruột. Trong khi đó, từ ngày 20-26.3, số ca bệnh TCM nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã bắt đầu tăng lên. Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 62 ca mắc mới, tăng 59% so với tuần trước đó. Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 34 ca mắc mới, tăng 36% so với tuần trước. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, toàn TP có tổng cộng 1.343 trường hợp mắc TCM. Trong đó, chỉ riêng tuần cuối tháng 3 đã ghi nhận được 156 ca. Xuất hiện ổ dịch ở trường mầm non Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, ổ dịch TCM đầu tiên trong năm nay của TP.HCM đã xuất hiện tại trường Mầm non Hoa Lan (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) vào cuối tháng 3. Trường có 10 học sinh cùng mắc TCM. Trong đó, có một trường hợp nặng độ 3. Được biết, trường Mầm non Hoa Lan có 388 học sinh, với 9 lớp học và 19 cô giáo, bảo mẫu. Sau khi phát hiện loạt ca bệnh, trường đã đóng cửa lớp nhà trẻ 10 ngày, từ 20-30.3. Đồng thời, cơ quan y tế dự phòng địa phương đã khử khuẩn hằng ngày bằng cloramin B các lớp học, cung cấp cloramin B cho phụ huynh có trẻ bệnh và hướng dẫn phòng bệnh cho các hộ xung quanh nhà bệnh nhân. Cơ quan y tế khuyến cáo phụ huynh và các trường mầm non cần vệ sinh khử khuẩn đồ chơi của trẻ mỗi tuần Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cho biết: để đối phó với mùa bệnh TCM của năm nay, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục tăng cường giám sát bệnh TCM trong nhà trường, các trường học phải báo cáo ngay số học sinh nghỉ do bệnh, hướng dẫn cách phòng bệnh cho học sinh, phụ huynh học sinh, cô giáo - bảo mẫu trong nhà trường. Đặc biệt, kiểm soát bệnh trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình và các ca bệnh ở cộng đồng nhất là ở các khu nhà trọ. Đồng thời xử lý triệt để các ca bệnh và ổ dịch để tránh lây lan rộng. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đề nghị các quận, huyện tiếp tục truyền thông, thực hiện phòng, chống dịch. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, cần chủ động phòng chống bệnh cho con em mình bằng các phương pháp vệ sinh hằng ngày, vệ sinh khử khuẩn nhà cửa, đồ chơi, vật dụng của trẻ hằng tuần bằng dung dịch sát khuẩn; rửa tay bằng xà bông trước khi tiếp xúc với bé; giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể của trẻ và người giữ trẻ. Bác sĩ Quí chú ý phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa khi thấy trẻ có các biểu hiện: nóng sốt; đau họng, chảy nước bọt liên tục; biếng ăn hoặc bỏ ăn; khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; nổi bóng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, loét đỏ ở miệng. Theo Thanh niên