Bạn đang mắc hoặc là ứng viên triển vọng của căn bệnh cấp hoặc mãn tính trầm kha? Bạn đang stress, trầm cảm? Đồng thời bạn cũng nghiện đọc báo, lướt web? Hẳn nhiều người từng biết số phận đáng sợ của bài hát Gloomy Sunday (Ngày chủ nhật u ám) của nhạc sĩ Hungary Reszo Seress sáng tác năm 1932 được cho liên quan đến hơn 100 vụ tự sát. Ai dám bảo u ám không biết giết người? Hãy cẩn thận, bạn có thể đưa mình vào tình trạng bất lợi nếu chú tâm quá đến những thông tin nặng nề, không vui. Nặng lòng, bi quan, chán nản... Đó là những thông tin đề cập trực tiếp căn bệnh của bạn với nội dung liên quan đến tai biến, di chứng, tử vong hoặc triển vọng kém sáng sủa về phương pháp điều trị, thuốc men. Đó có thể là những bài viết chuyên khoa mô tả quá chi tiết một triệu chứng, tai biến chết người, vô tình được “nhấn mạnh” quá tay với mục đích cảnh báo. Một người đang có những cơn đau thắt ngực chăm chú theo dõi bài viết mô tả cơn nhồi máu cơ tim với đầy tình tiết “toát mồ hôi” thì không chừng sau đó ông ta... nhồi máu cơ tim thật! Đó là những thông tin đời thường có nội dung đau lòng, bất nhẫn, vô đạo... Loại thông tin này xuất hiện khá dày trên các mặt báo, trang tin thời gian gần đây, đặc biệt thường được đặt ở vị trí đắc địa, tít tựa hấp dẫn, ảnh minh họa chi tiết trên một số tờ báo. Không khó lý giải tác động “âm tính” của những thông tin trên lên người có bệnh, nhất là những ai phần nào ngấm đòn với bệnh tình đang mang. Chúng tấn công tinh thần, gặm nhấm sự lạc quan và trực tiếp đánh vào sức đề kháng, hệ miễn dịch. Tất nhiên báo chí phản ánh cuộc sống, không thể trách sự xuất hiện của những tin tức “nặng lòng” bởi đây là vấn đề của xã hội. Lưu ý, những phân tích trên không có ý quy mọi thông tin không vui là gieo rắc bi quan; những nhân vật, câu chuyện trong những tin tức đó không có lỗi và không phải độc giả nào cũng dễ dàng đeo sầu chuốc khổ. Do vậy, có lẽ cảnh báo này đặc biệt dành cho những ai rơi vào tình huống: sau khi đọc một mẩu “tin buồn” nào đó mà cảm thấy tinh thần sa sút, cơ thể rã rời, biếng cười biếng nói so với trước đó. Kiểm duyệt vì sức khỏe Nếu không may bạn “thỏa” tất cả những nguy cơ trên trong khi khó ngăn bạn đọc báo, lướt web mỗi ngày thì phải làm thế nào? Trước tiên bạn cần xét lại suy nghĩ: “đọc dăm ba mẩu tin không vui chẳng thể làm bệnh tật của mình nặng hơn”. Sau đó có vẻ không quá khó với phần kỹ thuật: mạnh dạn hạn chế tiếp nhận thông tin bất lợi. Việc kiêng khem này có thể khiến bạn cảm thấy lạc hậu thông tin nhưng đừng quên bạn đang “kiểm duyệt” vì sức khỏe của mình. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, bên cạnh việc giữ khoảng cách với bi quan bạn cần chủ động tìm đến ánh sáng lạc quan. Nên ưu tiên những “phép thắng lợi tinh thần” sát sườn như tin rằng các nhà khoa học sẽ tìm ra phương pháp chữa trị mới cho căn bệnh mãn tính của bạn, tin về những tấm gương vượt qua bệnh tật... Sau cùng, người viết xin có đề xuất gửi đến những người cầm bút: “Độc giả của anh, chị có thể là các bệnh nhân, những người rất cần sự động viên và lạc quan giúp họ đương đầu với bệnh tật, có thể những mẩu tin dù vỏn vẹn trăm chữ của anh, chị hoàn toàn có thể đem đến điều đó cho họ”! BS ĐỖ MINH TUẤNTheo Tuổi trẻ