(ĐSCT) Cậu bé Hồ Văn Lung giờ đã tự đi bằng đôi chân của mình, được sống trong tình thương yêu, sự chăm sóc tận tình của các sư cô. Trước đó, do bị cụt cả hai chân, Lung phải bò qua núi để đến trường. Hành trình vượt núi về thành phố tiếp cận văn minh khẳng định nghị lực của em cũng như tấm lòng của những nhà hảo tâm. BÒ QUA NÚI HỌC CHỮ Một ngày đến chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi bất ngờ khi gặp lại cậu bé Hồ Văn Lung (12 tuổi, dân tộc Pa-Kô, trú bản Ro Ró, xã A Vao, huyện Đắkrông, Quảng Trị). Gần hai năm trước, trong một chuyến đi công tác, chúng tôi gặp Lung khi em đang vật vã bò qua một ngọn núi để đến trường. Nơi Lung ở nằm sâu trong rừng, tách biệt với bên ngoài bởi giao thông chia cắt. Gia đình Lung vừa đông người lại nghèo nhất nhì trong bản. Đôi chân bị cụt, Hồ Văn Lung phải bò qua ngọn núi Ka Lưi để đến trường Lúc đó Lung mới 11 tuổi, sau Lung còn có ba đứa em nheo nhóc. Bốn anh em Lung đứa nào cũng ốm yếu, nhưng Lung là bất hạnh nhất khi thân thể không được lành lặn. Mẹ em là chị Hồ Thị Đằng (31 tuổi) kể: “Lúc sinh ra, Lung không có đôi chân. Thấy vậy, dân bản ai cũng nói rằng mình sinh ra quái thai, nếu cứ để như vậy thì sẽ làm hại mọi người. Được cán bộ xã và các cô giáo nói rằng Lung bị như vậy là do khuyết tật bẩm sinh chứ không phải bị con ma rừng bắt, dân bản nghe ra, nhưng nhiều người không dám đến gần nó”. Lên sáu tuổi thấy bạn bè í ới nhau đi học, Lung rất thích và nằng nặc xin đến trường. Cha mẹ nói con bị như vậy làm sao đi học được thì Lung khóc, bỏ ăn uống. Thương con, người mẹ đành cõng con qua ngọn núi Ka Lưi đưa đến trường xin cô giáo cho học. Thấy mẹ cực nhọc lại thiếu người chăm em, Lung tập đi một mình. Con đường dốc cao, đá núi lởm chởm khiến em bị túa máu, nhiều lúc nằm vật giữa đường. Nhưng với quyết tâm phải kiếm được con chữ, Lung ngồi dậy tiếp tục bò. Bất kể mưa hay nắng, Lung vẫn chinh phục ngọn núi để đến lớp và dần dần em cũng lên được lớp 5. Lung (trái) chơi cùng các bạn ở chùa Đức Sơn Đã không ít lần, cô giáo cắm bản Trần Thị Nghĩa phải rơi nước mắt khi thấy Lung vào lớp trong tình trạng quần áo, cặp sách tả tơi, máu chảy nhiều. Cô Nghĩa cho biết: “Mặc dù vậy, Lung rất hiếm khi bỏ học và thường đến lớp đúng giờ. Học lực của Lung luôn xếp vào tốp 3 của lớp. Lung là một tấm gương cho nhiều học sinh noi theo”. Việc học của Lung tưởng như bị đứt gánh bởi khi lên THCS phải vượt qua 8km đường rừng núi để ra trường ở ngoài trung tâm xã. Hơn nữa, gia đình càng túng quẫn, muốn Lung ở nhà coi em để cha mẹ có thời gian lên rẫy. Lung rất buồn. Cô giáo, dân bản biết khát khao của Lung nhưng cũng chỉ biết dành cho em cái nhìn thương cảm chứ không thể giúp được nhiều. PHÉP MÀU TỪ NHỮNG TẤM LÒNG Đầu tháng 7-2010, Quỹ học bổng Vang Vang (do cựu học sinh Trường Quốc học Huế sinh sống ở Mỹ và một số nhà hảo tâm ở Thừa Thiên - Huế sáng lập) biết hoàn cảnh của Lung nên tìm cách giúp đỡ. Những người tình nguyện về nhà Lung, ai cũng xót xa trước hoàn cảnh éo le và lần đầu tiên bố con Lung cùng cô giáo chủ nhiệm vượt rừng về TP. Huế. Lung được tài trợ phẫu thuật, gắn hai chân giả. Một đồng nghiệp của tôi đã lặn lội đường xa vào thăm Lung, dẫn em đi mua giày dép, quần áo, đồ chơi... Hiện Lung đang học lớp 6 Trường THCS Thủy Bằng, được chăm sóc chu đáo cùng 190 trẻ em bất hạnh ở chùa Đức Sơn bởi bàn tay ấm áp của các sư cô. Ngọn núi Ka Lưi - con đường đến trường của Lung ngày nào giờ được thay bằng con đường nhựa phẳng lì. Sư cô Minh Tú - Phó trụ trì chùa Đức Sơn cho biết: “Thấy Lung hòa đồng, được hạnh phúc, các sư cũng mãn nguyện lắm. Các cháu khác ở chùa cũng rất thương Lung và hay giúp đỡ em trong sinh hoạt, học tập. Thỉnh thoảng, các nhà hảo tâm lại tạo điều kiện để cha mẹ Lung vào Huế thăm cháu hoặc đưa cháu về nhà”. Lung đã đổi đời, dù vậy chặng đường phía trước của em còn dài và lắm gian nan. Tin rằng với tấm lòng của những nhà hảo tâm, các sư cô và nghị lực của mình, Lung sẽ vươn lên sống tốt hơn nữa. HOÀNG QUÂN