Chỉ còn một tay, một chân, một mắt, song suốt 10 năm qua cựu binh Vũ Tiến Tới cùng dân làng đã lật đá, mang cây trồng phủ xanh cả dãy núi Trường Lệ (Sầm Sơn, Thanh Hóa). Rừng phi lao bạt ngàn kéo dài hơn 5 km như tấm lưới chắn gió ôm lấy làng Vinh Sơn (phường Trường Sơn, Sầm Sơn). Những thân cây cao lớn, người ôm trọn vòng tay, ngày đêm rì rào đón gió biển. Đó là thành quả hơn 10 năm trồng rừng của thương binh Vũ Tiến Tới và dân làng. Bị thương tật 91%, thương binh Vũ Tiến Tới chỉ còn một mắt, một chân và một tay. Phân nửa con người ông gửi lại mảnh đất Quảng Trị trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Phục viên, ông trở về làng chài Vinh Sơn cùng vợ bám biển, nuôi con. Hiện tại, sức khỏe của ông Tới đã giảm sút nhiều Ảnh: Hoàng Phương Qua hai lần tai biến, cựu binh già giờ đi lại phải dùng đến nạng hoặc nhờ vợ đỡ. Khoác bộ quần áo nâu giản dị, ông Tới kể chuyện trồng rừng rồi chuyện về thời oanh liệt trên chiến trường. Chất giọng khàn khàn của ông khiến người đối diện phải chăm chú mới theo dõi hết câu chuyện. Trước năm 1985, núi Trường Lệ chỉ có đất trống, cây cối rất ít. Người dân Vinh Sơn chỉ chăm lo đi biển kiếm cá, cua, chẳng ai nghĩ đến trồng rừng. Nhà nằm ngay dưới chân núi, mỗi mùa biển động, ông bà Tới lại lo chằng chéo nhà cửa, che chắn vườn tược để tránh gió bão. Mỗi năm Sầm Sơn đón cả chục cơn bão, chỉ cần gió giật mạnh là hàng chục nóc nhà bay hết, cát biển phủ kín vườn cây, giếng nước. Đêm nằm nghe gió biển gầm gào, ông trằn trọc không ngủ. Sáng hôm sau, thấy chồng không đi biển mà lôi chiếc xe đạp ở góc nhà ra, bà Nguyễn Thị Đua chỉ kịp nghe ông bảo đi mua cây giống về trồng rừng. Ông lập kế hoạch, trước là phủ xanh đất trống đồi trọc, sau là lấy củi đốt. Lúc đó giống cây còn hiếm, ông lắp chân gỗ, lọc cọc đạp xe khắp vùng Sầm Sơn tìm mua giống. Có ngày ông đi hơn 50 km, sang tận Quảng Xương chở cây về. Bao nhiêu tiền trợ cấp thương binh, ông để dành mua cây giống. Núi Trường Lệ thoai thoải, toàn đá tảng to, từ chân núi lên đến đỉnh cả cây số. Người thường đi lại còn khó, vậy mà ông thương binh ngày ngày vác xà beng lên núi, bẩy từng hòn đá để đào hốc trồng cây. Những tảng đá to hai người vần còn khó, ông hì hục mấy tiếng. Bàn tay phồng rộp, ngón tay dần chai sần vì cầm xà beng nhiều. Những khi trái gió trở trời, bốn mảnh đạn pháo còn sót lại hành hạ khiến ông lão hơn 60 tuổi đau nhức khắp người. Thế nhưng hôm nào không lên núi là ông buồn chân buồn tay, hết đi ra rồi đi vào. Khi sức khỏe ổn trở lại, người thương binh già tiếp tục vác xà beng lên núi trồng cây. Con cái còn nhỏ, không có ai giúp, chỉ có người vợ tảo tần tảo hàng ngày bưng thúng cây đi sau chồng. Ông đào hốc, bà đặt cây và vun đất. Cứ thế, mỗi ngày hai ông bà trồng được hơn trăm cây. Có những đoạn toàn đá, đất cứng quá, cây trồng xuống chết phân nửa, ông lại dậm vào, quyết không để trống một mét đất. Thấy ông ngày ngày đem cây lên núi trồng, có người nói ông gàn dở, chẳng khác nào dã tràng xe cát biển Đông. Nhưng ông Tới gạt đi "cả dãy Trường Sơn, bộ đội còn phá núi, mở đường thì trồng cây trên núi Trường Lệ có gì mà không làm được". Phi lao bén rễ lớn lên, ông cắt, tỉa cành để cây nhanh tốt, vừa kiếm củi nấu. Năm 1992, thị xã Sầm Sơn phát động phong trào trồng rừng. Ông tính nếu phủ xanh cả quả núi, sức ông làm không xuể, cần huy động sức của cả làng. Ông chống nạng đến từng nhà thuyết phục người dân đi trồng rừng. Được cung cấp cây giống từ dự án, thêm lời thuyết phục và hiệu quả từ việc ông làm, người dân Vinh Sơn bắt đầu tin rồi làm theo. Không chỉ trồng cây trên núi, họ còn mang phi lao trồng ven biển, ngăn nước mặn xâm nhập vào đất liền. Con trai cả của ông Tới cho biết, rừng cây trên núi Trường Lệ do cha anh và người dân Vinh Sơn cùng trồng. Ảnh: Hoàng Phương. Sau hơn chục năm, cánh rừng rộng hàng chục ha dần mọc lên. Màu xanh của phi lao, liễu phủ kín núi Trường Lệ thay cho sắc xám của núi đá trước đây. Hơn 5 km rừng trải dài từ Hòn Cao đến Đuôi Làn, uốn lượn dọc bờ biển Sầm Sơn, tạo thành tấm lá chắn gió, chắn cát cho làng. Từ đó, người dân Vinh Sơn yên tâm làm ăn, không còn phải lo chằng buộc nóc nhà mỗi mùa mưa bão. Được UBND tỉnh và UBND thị xã Sầm Sơn tặng bằng khen về thành tích trồng rừng, ông chỉ khiêm tốn cho biết: "Hồi đó tôi chỉ nghĩ trồng rừng chắn bão, lấy củi đun thôi chứ không bao giờ nghĩ làm để lấy thành tích". Nói về chồng, bà Đua cũng là thương binh với thương tật 21%, bảo: "Ông ấy đã quyết thì có trời cản được". Biết được ý định trồng rừng của ông, bà tỏ ý phản đối vì sợ sức chồng không kham nổi. Sau thấy ông quyết tâm quá, bà chỉ còn biết xuôi theo. Giữa buổi, bà lại về lo cơm nước và chăm sóc đàn con cho ông yên tâm làm cái việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Mấy năm nay, sức khỏe ông Tới giảm sút, không còn nhanh nhẹn như xưa. Nghỉ trồng rừng, ông lại lui về chăm sóc vườn cây cảnh, vui vầy cùng cháu con. Ông bảo, cây lớn lên, quả rụng xuống lại mọc lên thành rừng lớp lớp xanh tươi. Giờ, người dân Vinh Sơn chỉ cần bảo vệ rừng cho tốt. Ông Cao Văn Hùng, cán bộ chính sách phường Trường Sơn cho biết, khi cây trên núi Trường Lệ bắt đầu xanh tốt, ai cũng bất ngờ vì người cựu binh trồng được nhiều rừng. Cả vùng ven biển được phủ xanh nhờ công rất lớn của thương binh Vũ Tiến Tới. Người dân không còn nơm nớp sợ gió to, sóng lớn mỗi mùa biển động. Theo VnExpress