TTO - Đến hẹn lại lên, nửa tháng trước tết, khoảng sân ở mặt tiền trung tâm thương mại huyện được kẻ ô. Nhà vườn sau khi nhận lô đã đăng ký sẽ tấp nập chở đủ loại hoa kiểng, bonsai, mai thế… về trưng bày, biến cái sân ximăng lạnh lùng thường ngày trở thành vườn hoa rực rỡ. "Tết xưa thật sự đúng nghĩa là tết xanh. Xanh màu trời, xanh hoa lá cỏ cây, xanh màu bánh chưng, xanh ngát tâm hồn" - Ảnh minh họa: từ Internet Những cửa hàng bán bánh kẹo, thực phẩm đua nhau phô trương chào mời. Người mua kẻ bán mặc cả ì xèo, góp phần làm bầu khí trở nên rộn ràng, đúng với sự náo nhiệt vốn có của mùa tết. Ngày nay, cuộc sống đã thay da đổi thịt, kinh tế phồn vinh hơn nên hàng hóa không đơn điệu, tẻ nhạt. Tất cả đều được gói trong bao bì sặc sỡ thật hấp dẫn. Nghệ thuật kinh doanh của nhà sản xuất nước ta nay đã đạt đến đỉnh cao trí tuệ, vì thế người tiêu dùng khó lòng giữ chặt hầu bao của mình một khi đã bước vào chợ hay các siêu thị. Tết thời công nghiệp choáng ngợp, hào nhoáng và tiện lợi trăm đường cho khách hàng. Đó là điều tôi nhận thấy sau khi đi hết một vòng chợ tết. Cũng đáng mừng khi chứng kiến cuộc sống hôm nay với dáng vẻ no đầy, phong phú, khởi sắc hơn. Nhớ xưa hơn ba mươi năm trước, ngày tôi còn lon ton lùa bò ra đồng. Đón xuân là quãng thời gian dài vô cùng nôn nao và thú vị. Trước đó hai tháng, trong vườn nhà đã được gieo xuống những luống củ cải trắng, khi cải tới tuổi mẹ sẽ nhổ lên, xắt phơi cùng với cà rốt, làm thành dưa món ăn kèm với thịt kho cho đỡ ngán. Rồi xà lách, rau thơm các loại cũng cùng được xuống liếp, để những ngày tết rảnh rỗi xúm xít cùng nhau cuốn với tai heo, bánh tráng là món ăn ai cũng ưa thích. Tôi cũng tự tay gieo hạt hướng dương, cúc vạn thọ, thược dược, mào gà trên đất vồng nên khi xuân về, quanh vườn nhà rợp cả ngàn hoa khoe sắc. Nào đã xong, còn phải đếm ngày để trảy trụi lá hai cây mai trước nhà, có thế tết đến trước sân mới rực rỡ sắc vàng màu nắng xuân. Cận ngày tết, không phân biệt lớn nhỏ, ai cũng xắn tay vào để từ những hạt nếp trắng phau, hạt đậu xanh vàng ươm, những miếng thịt heo béo ngậy trở thành cái bánh chưng vô cùng ngon miệng trong sáng mồng 1 tết. Ngày ấy, hễ xuân về là sẽ làm người thế nhân chộn rộn, nôn nao, tất tả và mồ hôi sẽ ứa ra nhiều hơn vì công việc. Nhưng lòng ai cũng rạng rỡ vì không quá ưu tư đến chuyện cơm áo gạo tiền, hân hoan rước xuân vào nhà vì biết rằng xuân chính là mùa hạnh phúc, mùa thanh bình và mùa đoàn tụ. Tết xưa rất giản dị, không ê hề thức ăn, không bia bọt tràn lan, không lo ngộ độc thực phẩm, không tai nạn giao thông khiếp hãi như bây giờ. Tết xưa thật sự đúng nghĩa là tết xanh. Xanh màu trời, xanh hoa lá cỏ cây, xanh màu bánh chưng, xanh ngát tâm hồn. Có lẽ cũng vì vậy mà con người thuở đó hưởng xuân thật nhàn nhã, an lạc, vô tư, thắm đượm tình người. Giờ đây, xuân Nhâm Thìn tái lai, vẫn có đó bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cành mai vàng rực, cành đào thắm sắc, câu đối đỏ… nhưng đâu rồi cái tết xanh đúng nghĩa ngày nào? SƠN KHÊ
Tết vẫn xanh đó thôi, tại tâm hồn ta bớt xanh mất rồi, nên màu xanh kia cũng phai mờ trong trí nhớ. Buồn lắm thay.
Tết xanh vẫn còn nằm trong ký ức của 1 thời đã xa..thế nên mõi độ xuân về tôi hay tranh thủ về thăm quê từ rất sớm, tôi thường chạy thăm cùng khắp những con đường quê quen thuộc để 1 lần được ngắm nhìn lại những hoạt động đón tết của bà con..những con kênh hiền hòa, những luống rau xanh mát, những cánh đồng lúa vàng ươm, những tiếng í ới, náo nức của các em nhỏ..cái nắng tết tuy có chói chang nhưng bà con đón tết trong 1 khung cảnh thật thanh bình, lòng tôi lại cảm thấy nao nao vì mõi độ xuân về tôi lại được sống lại với miền ký ức yên bình ấy.