Đề xuất mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

Thảo luận trong 'SỨC KHỎE' bắt đầu bởi hoahuongduong, 7/11/12.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Chỉ khi ốm, nhiều người mới mua bảo hiểm y tế, trong khi nhóm này thường được chi trả gấp 3 lần số tiền đóng. Sự hụt quỹ phát sinh, nên nhiều chuyên gia đề nghị sửa Luật Bảo hiểm y tế theo hướng mua thẻ theo hộ gia đình thay vì cá nhân như hiện nay.

    Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế diễn ra tại Hà Nội ngày 6/11.

    Sau hơn 3 năm triển khai luật, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu toàn dân tham gia vào năm 2014 là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Lý do là vì những nhóm dễ thì đã tham gia, còn lại là những trường hợp khó như: hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, nhóm người lao động tự do… Đa số có thu nhập không ổn định và không thuộc một tổ chức xã hội nào.

    [​IMG]
    Chất lượng khám chữa bệnh chưa cao khiến nhiều người dân chưa "mặn mà" với bảo hiểm y tế​

    Theo nhiều chuyên gia thì việc tham gia theo hộ gia đình được coi là một giải pháp tối ưu. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết: “Chỉ có người có nguy cơ ốm đau mới mua bảo hiểm y tế. Điều này không phù hợp với ý nghĩa chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến tính bền vững của quỹ”.

    Vì thế, theo bà để giảm tình trạng này, cần quy định phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình thì mới được hỗ trợ mức đóng. Đồng thời sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực của thẻ trong những trường hợp không tham gia liên tục.

    Bên cạnh đó với nhóm trẻ dưới 6 tuổi hiện nay, nếu chỉ cấp thẻ cho đến khi trẻ đủ 6 tuổi thì có tình trạng là có những trẻ sẽ không có bảo hiểm y tế nếu hạn sử dụng thẻ hết trước tháng 9 (thời điểm trẻ đi học và mua thẻ mới). Điều này tạo "khoảng trống", vì thế, để bảo đảm tính liên tục, bà Song Hương cho rằng nên cấp thẻ cho trẻ đến hết tháng 9 để từ tháng 10 các cháu sẽ tham gia theo nhóm học sinh.

    Các chuyên gia cũng đề xuất thay đổi mức hưởng khi khám trái tuyến. Nhiều ý kiến cho rằng Luật quy định thanh toán trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên. Vì thế nên sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng trong những trường hợp này.

    Ngoài ra, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Người bệnh vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương như chờ đợi lâu khi khám, nằm ghép... Chất lượng thuốc, điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là tại các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, người có thẻ vẫn phải tự trả khá nhiều từ tiền túi cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng.

    Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, thủ tục quá lâu, thanh toán quá phiền hà, chưa kể vấn đề thái độ của cán bộ y tế khi ở trong tình trạng bệnh viện bị quá tải trầm trọng...”.

    Vì thế, Bộ Y tế đề xuất 11 nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế. Mục đích nhằm tăng tỷ lệ tham gia để đảm bảo lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Nguyên tắc là tăng quyền lợi tối đa, hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh. Đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận nhiều hơn, không phải tìm đến dịch vụ ngoài quyền lợi của mình...

    Theo VnExpress
     
    #1 hoahuongduong, 7/11/12
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này