“Lúc cháu chào đời trông bé xíu, ngón tay như que tăm, run lẩy bẩy, mong manh tựa ngọn đèn trước gió. Có ai ngờ rằng cháu được mạnh khỏe, khôn lớn như hôm nay.” Những giọt nước mắt xúc động, vui sướng của bà Hoa tuôn trào, minh chứng cho niềm vui vì đứa cháu ngoại sinh non không những qua cơn nguy kịch mà còn hoạt bát, thông minh hơn cả một số bạn cùng trang lứa. Những thăm trầm Những em bé sinh non nay đã khôn lớn, cùng cha mẹ người thân hồ hởi tới dự ngày Thế giới vì trẻ sinh non tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM tổ chức mới đây. Đây là nơi các bé được các y, bác sĩ chăm sóc, nỗ lực cứu sống trong những ngày đầu tiên của cuộc đời. Nhìn các bé nhảy múa, biểu diễn tài năng trên sân khấu như những nghệ sĩ thực thụ, đố ai biết suýt nữa các thiên thần nhí này đã không thể có mặt trên cuộc đời. Tiết mục múa của bé Lê Hoàng Hồng Ân quả thực rất đặc sắc. Bé Ân mặc bộ đầm màu xanh, tóc thắt nơ rất mũm mĩm dễ thương. Tên của bé thật ý nghĩa, bé đến cuộc đời này như một hồng ân của ông trời ban cho gia đình, cha mẹ vậy. Nhìn cháu vô tư, nhí nhảnh trên sân khấu, bà Hoa (bà ngoại) của Hồng Ân không kìm nổi nước mắt. Bé Hồng Ân khi chào đời nặng 1,2 kg, nay khôn lớn bên bà ngoại. Ảnh: Thanh Huyền. Bà Hoa chia sẻ với VietNamNet về Hồng Ân đã đến với gia đình bà thế nào, câu chuyện chất chứa cả sự đau đớn, truân chuyên và hạnh phúc. Lúc đó mẹ mang thai bé Ân (là con thứ 2) ở tháng thứ 6. Đang đi làm, mẹ cháu thấy đau bụng dữ dội, nhập Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ cho biết mẹ bị viêm ruột thừa, phải làm phẫu thuật. Nhưng với thai nhi trong bụng phải làm sao đây, gia đình đều quyết định giữ lại bé, dù cơ hội gần như không thể. Làm phẫu thuật cho người mẹ, bác sĩ cố gắng để bé trong bụng mẹ thêm 10 ngày, bởi một ngày sống trong bụng bằng thời gian bé phát triển một tuần ở bên ngoài. Mẹ phải tiêm quá nhiều kháng sinh, vết mổ lại bị nhiễm trùng, để cứu bé Ân, các bác sĩ đành lấy thai nhi ra sớm. Theo dự tính, hết tháng 11, sản phụ mới tới thời gian lâm bồn, vậy mà đầu tháng 8 bé Ân đã phải ra đời. Bà ngoại là người đầu tiên nhìn thấy bé. Đến giờ bà Hoa vẫn không quên giây phút ấy: “Em bé nhỏ xíu. Tay như một que tre, còn ngón tay như cây tăm. Cháu tôi như ngọn đèn trước gió, dễ dàng bị thổi tắt bất cứ lúc nào.” Bé Ân nặng có 1,2 kg (trẻ sinh đủ tháng có cân nặng khoảng 3,4 kg), phải nằm chăm sóc đặc biệt. Trong thời gian này mỗi bố và bà ngoại “ứng chiến” bởi mẹ mới mổ xong, sức khỏe rất yếu. “Khổ lắm cô ơi, tôi phải chuyển từng ít sữa mẹ đưa các cô y tá dùng xi lanh bơm cho bé ăn. Trong tháng đầu tiên sau khi sinh, con bé ngưng thở tới 3 lần. Bác sĩ bảo dù bé thở lại được nhưng chỉ thoi thóp, thiếu ô-xy lên não, gia đình chuẩn bị đem xác về.”, bà Hoa nghẹn ngào. Thử nghĩ suốt một tháng trời chiến đấu với số phận để giành giật sự sống cho bé, vậy mà giờ đây phải đối diện thực tại, chân tay bà Hoa rụng rời, đất dưới chân như sụp xuống. Bà chuẩn bị sẵn khăn để gói xác cháu trong đau đớn, uất nghẹn. Bà phải nói với con gái sao đây? Ấy vậy mà hơi thở thoi thóp kia không tắt, như bản thân bé cũng đang nỗ lực để được sống. Khi bé tròn tháng, gia đình lại một phen hú vía. Bác sĩ nói bé bị bong võng mạc nặng, trong 72 tiếng đồng hồ không ra kịp Hà Nội chạy chữa sẽ bị mù. Sức khỏe bé không đủ điều kiện đi máy bay, hai bà cháu phải bồng bế nhau tốc hành đi tàu hỏa ra Hà Nội. 3 tháng tuổi bé Hồng Ân nặng 2,4 kg. Gia đình đem bé về, thực hiện phương pháp ấp Kangguru (24/24 tiếng có người ôm bé ấp trong lòng như tư thế Kangguru ôm con). Bà Hoa ấp cháu cả ngày, tới chiều tối, bố bé đi làm về lại đổi ca. Bé Ân phải tuân thủ một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, ngoài bú mẹ, bé phải bổ sung thêm sữa đặc biệt dành cho trẻ sinh non. Tình yêu lớn đã kết trái Từ tháng thứ 5 trở đi, bé Ân tăng được 1,2 kg trong sự mừng rỡ của cả nhà. Tháng thứ 6 bé biết ngồi, tập ăn dặm, tháng thứ 9 tập đi, không khác gì một đứa trẻ sinh đủ tháng. Tới nay bé Ân đã được 9 tuổi, là học sinh của Trường tiểu học Khai Minh (quận 1). Suốt mấy năm bé đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Không chỉ thế gia đình còn phát hiện bé Ân có năng khiếu múa hát, cho bé đăng ký học múa. Hôm nay, trên sân khấu, bé Ân đã duyên dáng, tự tin biểu diễn làm mọi người kinh ngạc, trầm trồ. Bé Ân đã sống và lớn lên nhờ tình yêu vô bờ bến của bà ngoại, cha mẹ, sự nỗ lực phi thường của bác sĩ và chính bản thân em. The bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận từ 15.000 – 18.000 trẻ ra đời, trong đó 40% là trẻ sinh non và nhẹ cân. Bé Hưng khi sinh chỉ nặng 1kg, nay trở thành tay ghi ta nhí tài ba. Ảnh: Thanh Huyền Theo PGS. TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh sơ sinh TPHCM, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, một ngày sinh non trẻ bị thiệt thòi bằng cả tuần trong bụng mẹ. Mối nguy hiểm chung của trẻ sinh non là sự non nớt, chưa hoàn thiện đầy đủ các chức năng trong cơ thể: Phổi non, mạch máu mong manh (dễ bị chảy máu não), dễ bị tim bẩm sinh, nhiễm trùng do hệ miễn dịch yếu. Nuôi dưỡng trẻ sinh non đòi hỏi chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, trẻ phải đối diện nguy cơ bị dị tật và tử vong rất cao. Cứ 30 giây trên thế giới lại có một trẻ sinh non qua đời. Nguyên nhân sinh non rất nhiều, có thể do thai nhi dị tật bẩm sinh, sức khỏe mẹ yếu... Các bác sĩ khuyên thai phụ nên khám thai định kỳ, đặc biệt trong 3 tháng đầu để phát hiện sớm các nguy cơ về sinh non cho thai nhi để có biện pháp điều trị. Theo Vietnamnet