(VTC News) - Người con mà bà rứt ruột đẻ ra ấy, cả vợ anh ta nữa, dí tay vào trán bà mà bảo: “Mụ đi đâu thì đi. Mụ biến khỏi nhà tôi. Mụ chết đường chết chợ gì thì mặc nhà mụ!”. Lang thang ở Hà Giang trong những ngày cận Tết, tôi gặp một cụ bà có cuộc đời vô cùng buồn thảm: Ba lần lấy chồng, thì cả ba lần chồng chết sớm. Ở tuổi sắp về trời, cụ lại bị con cháu ruồng bỏ, phải lang thang vạ vật kiếm sống, ăn nhờ ở đợ, rồi chờ cho qua kiếp người. Nhà nhà đón Tết, người người đón Tết, với niềm vui sum vầy, đoàn tụ, còn cụ bà thì lọ mọ một mình gặm nhấm nỗi đau trong ngôi nhà trọ miễn phí của một người dưng tốt bụng. Tác giả trò chuyện với cụ bà Nguyễn Thị Hiền. Trên quả đồi nhỏ nằm nép mình vào vách núi thuộc tổ 17, phường Nguyễn Trãi (TP. Hà Giang) có dãy nhà trọ của vợ chồng ông Trần Quốc Đạt và bà Phạm Thị Vân. Thường ngày, sinh viên, học sinh ầm ĩ cả xóm, nhưng giờ vắng hoe, cửa đóng, then cài. Sinh viên, học sinh đã về quê ăn Tết cả. Còn mỗi căn phòng trong góc khuất cuối dãy nhà cửa khép hờ. Nghe tiếng gọi, bà cụ Nguyễn Thị Hiền lồm cồm bò dậy. Bà bảo, mấy ngày nay sức khỏe kém quá, bà nằm bẹp cả ngày. Đến bữa thì dậy nấu nướng để ăn. Hôm nào ông bà chủ nhà dặn sẽ cho miếng ăn, thì bà không nấu cơm nữa, cứ ngủ vùi. Căn phòng nơi bà Hiền được một gia đình tốt bụng cho ở nhờ. Hỏi về chuyện Tết nhất, về con cái, bà buồn rầu chẳng muốn nói. Đôi mắt già nua trũng xuống mà chẳng rơi được lệ. 86 năm trên cõi đời, thì có đến 80 năm khóc ròng vì cuộc đời quá buồn thảm. Đời bà là một chuỗi buồn dằng dặc, gần một thế kỷ đong đầy nước mắt. Bà Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1926 ở tận Phủ Lý, Hà Nam. Bố mẹ sinh được 5 anh chị em, bà là thứ tư. Bố mẹ đẻ 5 người, nhưng, anh cả chết, chị hai chết, chị ba chết, rồi ông út cũng… chết. Người chết bệnh, người chết đói năm 1945. Trận đói năm 1945 khủng khiếp quá, chết sạch cả vùng chiêm trũng Hà Nam, khiến cha mẹ bà phải bỏ xứ lên vùng rừng rú Hà Giang tìm kế sinh nhai. Những tháng ngày đói khát, phải nhổ rau rừng, củ rừng ăn để sống vẫn còn hằn in trong tâm trí bà. Bị con cháu ruồng bỏ, bà phải sống một mình. Nhưng chốn rừng thiêng nước độc này đã cướp nốt mạng sống của bố mẹ bà. Cả bố lẫn mẹ đều ra đi khi bà chưa đầy 20 tuổi. Thế là, trên cõi đời, chỉ còn duy nhất mình bà tồn tại. Năm tròn 20 tuổi, nhan sắc cũng mặn mà, bà được ông Nguyễn Văn Ninh hỏi cưới. Ông Ninh người gốc Nam Định, theo bố mẹ di cư lên Hà Giang. Ông làm nghề sửa chữa đồng hồ và cũng kiếm sống được. Cưới xong, được sự giúp đỡ của chồng, bà mở một cửa hàng tạp hóa chuyên bán vải. Vợ chồng ăn nên làm ra, khấm khá nhất khu phố. Bà Hiền lần lượt sinh 3 người con bụ bẫm, kháu khỉnh. Trí nhớ lẫn cẫn, nên bà chẳng rõ năm bao nhiêu, khoảng 1952 hay 1954 gì đó, máy bay Pháp càn quét bầu trời Hà Giang, rồi trút bom như mưa xuống thị xã. Cả con phố vợ chồng bà ở bị bom san phẳng, không còn nóc nhà nào nguyên vẹn. Ở tuổi gần đất xa trời, bà vẫn phải tự nấu nướng, chăm sóc bản thân. Lúc máy bay Pháp ném bom, bà kịp nhảy xuống hầm trú bom ngay sạp bán quần áo nên thoát chết. Nhưng chồng và 3 người con của bà, lớn mới 6 tuổi, bé mới biết bò, đều chết thảm vì một quả bom oan nghiệt dội trúng khi chưa kịp xuống hầm. Bà không nhận ra đâu là xương thịt chồng, đâu là xương thịt con nữa, tan xác hết cả. Làng xóm vun thành 4 đống bầy nhầy, rồi vùi tạm trong nghĩa địa trên sườn núi. Hai năm sau ngày chồng và cả 3 người con bị trúng bom tan xác, bà Hiền đi bước nữa với ông Tô Văn Xoáy. Ông bà sống với nhau được một người con gái. Lúc con gái lẫm chẫm biết đi, thì ông Xoáy vào Nam kiếm sống. Ông tính vào đó xem làm ăn được không, thì đưa vợ con vào sau. Thế nhưng, ông vào Nam rồi không rõ mắc bệnh trọng, hay trúng tên bay đạn lạc mà chết mất xác trong đó. Cô con gái chung của bà được ăn học đàng hoàng, sau này làm giáo viên, dạy học ở thị xã Hà Giang. Tuy nhiên, cô con gái này chưa kịp lấy chồng, sinh con, thì đã qua đời vì căn bệnh ung thư máu quái ác. Chồng vào Nam và chết trong đó, bà Hiền tiếp tục đi bước nữa, với ông Nguyễn Văn Mão. Năm 1960, bà sinh cho ông Mão một người con trai, đặt tên là Nguyễn Duy Tr. Nhắc đến người con duy nhất, bà đau lòng ứa nước mắt. Ông Mão cũng xấu số, nên mất sớm. Mình bà vật lộn với cơm áo gạo tiền nuôi con. Trong lúc nghèo túng, bà vẫn nhận một đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ làm con nuôi. Bà Hiền nuôi tổng cộng 3 người con khôn lớn, nhưng rốt cục, chỉ còn anh Nguyễn Duy Tr., là con đẻ của bà với ông Mão, người chồng thứ ba. Cô con gái với ông chồng thứ hai chết vì ung thư, cậu con nuôi cũng chết vì bệnh trọng sau khi đã tiêu tốn sạch sẽ tiền của. Mặc dù có tới 5 anh em, 3 đời chồng, 5 lần đẻ con, nhưng cuối cùng bà chỉ còn lại duy nhất một người con út là máu mủ, ruột rà. Thế nhưng, nhắc đến người con duy nhất còn trên đời mà bà rứt ruột đẻ ra, chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi lớn khôn, dựng vợ gả chồng, lòng dạ bà đau như cắt. Kể về người con này, bà không gọi là nó, không gọi là con, không gọi là thằng, mà gọi là “Ông Tr.”. Nghe mà thật cay đắng, thật xót xa! Bà kể, người con mà bà rứt ruột đẻ ra ấy, cả vợ anh ta nữa, dí tay vào trán bà mà bảo: “Mụ đi đâu thì đi. Mụ biến khỏi nhà tôi. Mụ chết đường chết chợ gì thì mặc nhà mụ!”. Phạm Ngọc Dương
Cuộc đời của bà sao quá lận đận, bao sóng gió cuộc đời bà đều vượt qua nhưng có lẽ niềm đau lớn nhất trong lòng bà là chính đứa con duy nhất của bà. Là cha mẹ không ai mong mỏi ta nuôi con để sau này con nuôi lại mình cả, chỉ mong con được bình an và hạnh phúc. Nhưng bổn phận làm con thì không thể bỏ quên, chỉ một cử chỉ sai lầm nhỏ cũng đã làm đau lòng cha mẹ, làm con sau nỡ thốt lên lời đầy cay đắng: “Mụ đi đâu thì đi. Mụ biến khỏi nhà tôi. Mụ chết đường chết chợ gì thì mặc nhà mụ!”.. Dù xã hội có văn minh đến đâu con người không thể quên bỏ chữ hiếu, " trăm đức hạnh chữ hiếu đi đầu ", với cha mẹ mà không xem ra gì thì sẽ không biết thương ai trong cuộc đời này cả. Những ai còn cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất của người làm con, thật hạnh phúc khi được cài đoá hồng đỏ thắm trên áo, hãy bơi lội trong biển tình thương bao la đó, đừng để đến khi mất rồi mới ngồi đó hối tiếc khóc lóc, thời gian qua đi sẽ không lấy lại được. Khi cha mẹ còn sống không cho ăn tới khi chết làm ma tế ruồi.
Thật xót xa, có quá nhiều thử thách xảy đến với cuộc đời của Cụ Bà, cho đến lúc tuổi già cuộc sống của Cụ cũng không được yên ổn. Biết làm sao đây, thấy thương Cụ quá. "..Uống nước nhớ nguồn Làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước. Trong nguồn chảy ra. Người ơi, làm người ở trên đời Nhớ công người sinh dưỡng Đó mới là hiền nhân.."Lời bài hát trên có lẽ đã mất thiêng với người con trai của Cụ Bà rối.