Dùng nước đúng cách

Thảo luận trong 'SỨC KHỎE' bắt đầu bởi hoahuongduong, 15/4/13.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Có nhiều bệnh liên quan đến việc sử dụng nước, không chỉ do dùng nước dơ mà ngay cả với nước sạch nếu dùng không đúng. Bác sĩ Ngô Cao Lẫm - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - đã có buổi trò chuyện về vấn đề này.

    [​IMG]
    Trước khi uống nước cần rửa tay sạch Ảnh: - Nguyễn Công Thành​

    Nước đá rất được ưa chuộng trong những ngày nóng bức, nhưng trước câu hỏi nước đá mua ở ngoài có đảm bảo sạch vi khuẩn không, bác sĩ Cao Lẫm cho biết:

    - Chúng tôi lấy nước đá từ một cơ sở được kiểm tra an toàn cho thấy rất tốt, nhưng sau đó nước đá được cắt/khoan ra cho vào bao (dơ) vận chuyển đến nơi quăng vào thùng xốp, nhân viên cửa hàng ăn uống dùng tay bóc... Thế là nước đá từ nơi sản xuất đạt yêu cầu khi đến người tiêu dùng đã qua nhiều công đoạn nhiễm bẩn.

    Bên cạnh đó, những ngày oi bức thì hồ bơi là sự lựa chọn “hạ nhiệt” cho nhiều người và chất lượng nước hồ bơi cũng là vấn đề. Một hồ bơi nếu thay nước thường xuyên sẽ khiến chủ đầu tư ít có lời, nên họ dùng phương pháp lọc tuần hoàn để tiết kiệm nước. Tuy nhiên nếu lọc nhiều lần, khi chúng tôi đi kiểm tra đo thấy nồng độ amoniac (nước tiểu) rất cao.

    Uống bao nhiêu nước là đủ?

    Nước chiếm thành phần quan trọng trong cơ thể con người (63%), trong huyết tương và các phủ tạng có tỉ lệ cao hơn. Trung bình mỗi người chúng ta cần 2-4 lít nước/ngày. Người làm công việc nặng nhọc trong thời tiết nóng bức thì nhu cầu nhiều hơn. Khát nước là dấu hiệu đầu tiên của cơ thể bị thiếu nước.

    Cần cố gắng uống đủ nước chứ không phải chờ khát mới uống. Đối với cơ thể, nước còn quan trọng hơn cả chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng. Nếu một người không ăn gì, chỉ uống nước có thể sống được một tháng, nhưng không uống nước chỉ có thể sống được một tuần. Người uống quá ít nước thì da khô, tóc dễ gãy, bị táo bón, sỏi thận...

    Ngược lại, uống quá nhiều nước sẽ đi tiểu nhiều, gây áp lực cho thận. Ở người cao huyết áp, nếu ăn nhiều muối, uống nhiều nước thì huyết áp càng tăng. Người bình thường nếu thấy tự nhiên cứ khát nước hoài, phải uống 3-4 hoặc 5-6 lít nước/ngày và đi tiểu cũng nhiều lần thì cần đến bác sĩ khám xem có bị đái tháo đường hay đái tháo nhạt hoặc bệnh gì khác.

    Nếu người ta nạp nước vào cơ thể không đủ hoặc mất quá nhiều do tiêu chảy, ói mửa, sốt cao, xuất huyết... sẽ biểu hiện bằng triệu chứng khát nước. Trường hợp này cần bổ sung nước kịp thời, nếu không tình trạng mất nước dẫn đến bứt rứt, kém ăn, chân tay tê dại, thở nhanh, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng cao (ở trẻ có thể dẫn đến co giật - còn gọi “làm kinh”). Khi mất nước đến mức độ nhất định có thể gây tử vong.

    Ngoài ra, chúng ta đừng uống nước quá nhiều trước, trong và ngay sau bữa ăn vì sẽ pha loãng hoặc làm giảm hoạt tính của các men tiêu hóa thức ăn. Uống một ly nước mỗi sáng ngay sau thức dậy giúp bổ sung nước cho cơ thể sau một giấc ngủ dài.

    Bệnh do dùng nước bị nhiễm khuẩn

    Nước dùng trong sinh hoạt có thể gây bệnh cho người qua đường gián tiếp hoặc trực tiếp: khi tắm rửa (thường do các hóa chất và vi sinh vật trong nước), ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất qua hệ sinh thái hoặc thực phẩm được rửa bằng nước nhiễm bẩn.

    Bệnh nhiễm khuẩn qua đường tiêu hóa có thể gặp:

    - Viêm dạ dày ruột do virút (thường kéo dài 24-72 giờ kèm theo buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trầm trọng nhất là trẻ nhỏ và người già, những người dễ bị mất nước và rối loạn cân bằng điện giải nhanh chóng và bị đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời)

    - Viêm gan siêu vi A - nhiễm qua đường tiêu hóa rồi thải ra phân và nhiễm vào nước.

    - Tiêu chảy do E.Coli (thường gây ra do dùng phải thức ăn nhiễm khuẩn hoặc có thể truyền qua nước do uống nước không được khử trùng bằng clo), tiêu chảy do Rotavirus, bệnh tả - được xếp vào loại “tối nguy hiểm” vì lan rất nhanh theo nguồn nước.

    - Bệnh thương hàn, lỵ trực khuẩn, kiết lỵ (tổn thương chủ yếu ở đại tràng và có thể ngoài đường ruột).

    Ngoài ra còn có viêm kết mạc do virus Adenovirus trong các bể bơi công cộng, bệnh về da do tắm ở nguồn nước bị ô nhiễm - gây ngứa...

    Nhiều người thích ăn rau sống, nhưng dù rửa rau rất kỹ dưới vòi nước, ngâm trong nước muối, thuốc tím hay nước rửa rau... cũng chỉ làm sạch 70-80% ký sinh trùng đường ruột.

    Tóm lại, chúng ta cần ăn chín, uống chín, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; rửa tay thường xuyên và đúng cách trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn sau khi đi vệ sinh; uống đủ nước, đặc biệt khi thấy khát, thấy sốt hoặc bị tiêu chảy... nhằm phòng tránh các bệnh liên quan đến sử dụng nước.

    Thế nào là nước sạch?

    Nước ăn uống có hai chỉ tiêu: vi sinh và hóa lý. Về cảm quan, nước phải trong, không có màu sắc, không có mùi - vị lạ (trừ nước máy có chất khử trùng ở mức cho phép (0,3-0,5 mg/lít). Tính chất hóa học: các chất hữu cơ, vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng... phải dưới mức độ tối đa cho phép. Vi sinh vật: không có vi khuẩn E.Coli và Coliform là những vi khuẩn thường gặp trong phân.

    Dùng nước khoáng và nước uống đóng chai thường xuyên hằng ngày có làm dư khoáng chất trong cơ thể không?

    Hiện chỉ có một, hai loại nước được khai thác ở vùng có khoáng chất, còn những nước khác là nước đã lọc các khoáng chất nên uống không tốt lắm. Cách tốt nhất là dùng nước máy đun sôi 5-10 phút để diệt khuẩn hoàn toàn và để nguội. Nếu dùng bình lọc nước cần có chế độ bảo hành và vệ sinh định kỳ.

    Nếu đun rồi để 5-7 ngày uống có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

    Để lâu chất lượng nước sẽ thay đổi, có thể có vi sinh vật. Vì vậy nên đun tới đâu uống tới đó. Sau một thời gian nên súc rửa, thay đổi vỏ chai.
    Theo Tuổi trẻ
     
    #1 hoahuongduong, 15/4/13
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này