Bằng tuổi mẹ của giáo viên, đi học cũng mắc cỡ chứ. Nhưng "cô học trò"… 58 tuổi Nguyễn Thụy Đức động viên mình thà kỳ cục còn hơn sống mà thiếu kiến thức. “Đức ơi, kỳ quá! Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 12 người con ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM - lại là chị cả nên cô Đức phải nghỉ học từ sớm lo cho các em và bươn chải với cuộc sống mưu sinh cùng bố mẹ. Ngày đó, cô chỉ buồn vì phải xa bạn bè, thầy cô chứ chưa cảm nhận được hết những thiệt thòi của mình. Hạn chế chữ nghĩa nên khi bước vào đời, cô gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như tính toán tiền bạc, chợ búa hay khi trò chuyện với mọi người. Nhất là sau này, khi tham gia vào công tác hội phụ nữ, cô Đức càng thấy rõ việc mình chỉ biết chữ bập bẹ, không đủ trình độ để thuyết phục người khác. Năm 2002, Trường THCS Hưng Long (Bình Chánh) mở lớp học phổ cập, mọi người bất ngờ thấy cô Đức khi đó đã chuẩn bị bước sang tuổi 50 xách cặp đến trường sau hơn 35 năm nghỉ học. Cô Nguyễn Thụy Đức (mặc áo dài vàng) là gương học tập suốt đời điển hình của TPHCM Nhiều người tò mò hỏi những câu: “Chị Đức học chung với con nít mà hổng mắc cỡ à?”, “chị Đức qua bên trường không thấy ngại, thấy kỳ với thầy cô bên đó hả” vì giáo viên đứng lớp có người chỉ đáng tuổi con cô. Lúc đầu, cô Đức cũng mắc cỡ. Nghỉ quá lâu, nên cô bị chậm về các môn tính toán toàn phải nhờ thầy cô giảng lại bài. “Học là để vượt qua khó khăn, vượt qua số phận mà, nếu chỉ vì chút khó khăn mà không dám đi học thì quá đáng tiếc. Người ngoài nhìn vào thấy kỳ nhưng tôi được sự ủng hộ của chồng con nên càng phải cố học giỏi”, cô Đức nói. Lớn tuổi càng phải học nghiêm túc Đến trường, cô Đức xác định cho mình mục tiêu và thái độ học tập cực kỳ nghiêm túc vì cô muốn người dạy hiểu rằng mình học không phải vì bằng cấp hay thành tích. Vì lớn tuổi nhất lớp, cô tự nhắc nhở mình phải làm gương cho các em nhỏ, để các em không bỏ học. Cô không nghỉ học buổi nào, luôn xin ngồi đầu bàn, trong lớp hết sức chăm chú nghe bài giảng. Cô Đức nhớ nhất về kỷ niệm đến trường, trong giờ môn Hóa hôm đó, giáo viên giao mỗi học sinh một bài tập làm ngay trên lớp. Lập tức có một bạn đứng dậy hỏi cô giáo: “Vậy cô Đức có phải lên bảng không cô?”. Cô Đức hiểu câu hỏi này vì cô lớn tuổi nên giáo viên đứng lớp cũng có phần ái ngại và nể nang, không khắt khe như đối với mấy đứa nhỏ. Không để giáo viên phải khó xử, cô Đức đứng đứng dậy trả lời: “Có chứ, cô là là học trò, cũng lên bảng giải bài như các bạn”. Nhờ không ngừng nâng cao việc học, cô Đức tự tin và hoạt động công tác xã hội hiệu quả hơn. Trải qua nhiều năm học, cô Đức tốt nghiệp THCS rồi đến bậc THPT. Rất nhiều người thắc mắc: “Chị Đức học xong là đến tuổi hưu rồi, vậy thì học để làm gì, sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe”. Cô Đức cười trả lời mình học để có kiến thức phục vụ cho bản thân, tiếp đó là cho gia đình xã hội chứ có học vì địa vị đâu mà lo đến tuổi hưu. Để hoàn thiện bản thân và cuộc sống, không chỉ học chữ, gần tuổi 60, cô Đức vẫn tham gia vào các khóa học ngắn hạn về vi tính, nấu ăn, cắm hoa, trang điểm… Càng lớn tuổi, cô nhận thấy rõ mình thiếu hụt nhiều thứ, việc học là vô cùng nên khi nghe hỏi đến lúc nào cô nghỉ học, cô Đức nói học đến khi nào bản thân hết khả năng tiếp thu. Với việc học không ngơi nghỉ của mình, cô Nguyễn Thụy Đức trở thành gương điển hình cho phong trào xây dựng xã hội học tập của TPHCM, được tuyên dương trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012 của thành phố. Với người phụ nữ này ham học này, việc học không phải để với tới điều gì đó quá cao xa mà quan trọng nhất vì nó giúp cô tự tin, làm việc hiệu quả hơn và sống hạnh phúc hơn. Theo Dân trí