Cấy dây điện cực vào trong não giúp những bệnh nhân bị run vô căn, loạn trương lực cơ trở về cuộc sống bình thường. Trước đây, bệnh nhân phải sang nước ngoài mới được điều trị. 17 tuổi, đang học lớp 11, anh Hoàng Quốc Tam, ở Quảng Bình, bỗng phát hiện cổ mình bị vẹo, sau đó lưng tiếp tục bị vẹo và đầu bị giật liên tục. Gia đình đưa anh Tam đến Bệnh viện Hữu nghị VN - Cuba (Đồng Hới) khám. Các bác sĩ chỉ cho biết anh mắc bệnh thần kinh chứ không xác định chính xác bệnh gì. Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương dùng bộ phận điều khiển điều chỉnh cường độ nguồn điện thích hợp kiểm soát tình trạng run cho bệnh nhân Cao Tấn Lộc Khổ vì run, giật Năm 25 tuổi, anh Tam tiếp tục được gia đình đưa đến một bệnh viện ở Hà Nội, một giáo sư nổi tiếng chẩn đoán anh mắc bệnh loạn trương lực cơ nhưng vị giáo sư này cho biết tại VN lúc đó chưa có bệnh viện nào điều trị được. Năm ông Tam 40 tuổi, gia đình lại đưa ông đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để điều trị bằng thuốc. Sau đó, ông được bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giới thiệu sang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đăng ký phẫu thuật. Gặp ông Tam tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ngày 8-4 mới thấm thía nỗi cực khổ của một người mang căn bệnh như ông. Ông Tam không thể ngồi hoặc nằm như người bình thường mà phải chống hai tay, hai chân trong tư thế bò ở trên giường và đầu cứ liên tục bị giật. Năm nay ông Tam đã 43 tuổi, người luôn mệt mỏi, khó chịu, đi lại rất khó khăn. Mỗi khi đi ông phải lấy một cánh tay đỡ phía sau đầu cho thăng bằng. Tuy nhiên, do các cơ bị giật, bị mất thăng bằng nên nhiều lần ông té trong lúc đi. Nằm trên giường bệnh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chờ tới ngày được phẫu thuật, ông Cao Tấn Lộc, 67 tuổi, ở Cà Mau, kể trước đây ông làm giám đốc một công ty. 10 năm trước, trong một lần ký giấy tờ ông phát hiện tay mình bị run đến nỗi không thể ký được. Mới đầu, những đợt run chỉ xuất hiện lẻ tẻ, sau này ông không thể cầm bút hay cầm chén nước hoặc bất cứ vật gì... vì cứ chuẩn bị cầm là tay ông run lẩy bẩy. Ông đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán mắc bệnh run vô căn. Ông được nhiều bệnh viện điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng vẫn không hiệu quả. Sáng 9 và 10-4, GS Jean Paul Nguyễn, chủ nhiệm khoa bộ môn phẫu thuật thần kinh, Viện trường Nantes Pháp, cùng các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đã tiến hành kích thích não sâu cho hai bệnh nhân này. Các bác sĩ đã đưa một dây điện cực vào trong não bệnh nhân. Dây điện cực này có tác dụng ức chế sự hoạt động bất thường của các nhân trong não và được nối với một pin phát xung điện cường độ thấp đặt ở dưới da vùng ngực bệnh nhân để khống chế những cơn run, giật. Cả hai ca phẫu thuật đều đã thành công. Niềm vui bất ngờ Sau hơn một tuần phẫu thuật, ngày 15-4, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ông Tam đã đi, đứng trở lại như bình thường. Khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười luôn nở trên môi, ông Tam nói rất vui vì ca phẫu thuật đã “cởi trói” tất cả những khó chịu, khổ sở, mặc cảm... ông chịu hơn 20 năm qua. Giờ thì ông thoải mái đi lại, cổ được chỉnh lại đứng yên, đứng thẳng chứ không vẹo và bị giật liên tục như trước. Ông Lộc cũng chia sẻ ông đã gắp được thức ăn chính xác và thoải mái. Trước đó, mỗi khi ăn cơm, ông đều phải xúc thức ăn bằng muỗng, đồng thời đưa khay thức ăn đến sát miệng mà thức ăn vẫn bị rớt thường xuyên. Giọng của ông thỉnh thoảng bị run giờ đã bình thường. Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật mới kích thích não sâu để phẫu thuật cho những bệnh nhân bị run vô căn và loạn trương lực cơ. Trước đó, bệnh viện cùng chuyên gia người Pháp cũng áp dụng kỹ thuật này điều trị cho năm bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Chi phí cho một ca phẫu thuật được cấy dây điện cực vào trong não là hơn 700 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực. Sau khoảng năm năm bệnh nhân sẽ thay pin với chi phí khoảng 350 triệu đồng. Bệnh nhân có bộ phận điều khiển điều chỉnh cường độ nguồn điện thích hợp để kiểm soát tình trạng run, co thắt cơ và tắt máy vào ban đêm để tiết kiệm pin. Kích thích não sâu là một kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều công đoạn như chụp MRI và CT scan để tổng hợp hình ảnh não một cách chính xác, định vị trí các nhân não bằng hệ thống dẫn đường, thao tác đặt vi điện cực vào đúng nhân não gây ra triệu chứng run hay loạn trương lực cơ. Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng: Bệnh run vô căn và bệnh loạn trương lực cơ nguyên phát là những bệnh bẩm sinh di truyền, hiếm gặp. Không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng có chỉ định phẫu thuật mà chỉ có chỉ định phẫu thuật khi bệnh nhân không còn đáp ứng với các loại thuốc điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút trầm trọng. Dù bệnh nặng hay nhẹ, cả hai bệnh này đều không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân nhưng nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ có chất lượng sống rất kém, dễ bị tàn phế... Theo Tuổi trẻ