Hai cháu Nguyễn Văn Tý và Điểu Thị Vân đang điều trị tại khoa Chống độc tích cực trẻ em, BV Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. Nhiều ngày trôi qua, hai đứa trẻ khắc khoải ngóng chờ hình bóng người thân trong vô vọng. Phòng chờ bên ngoài khoa Chống độc tích cực trẻ em đông dần khi đến giờ thăm nuôi. Các vị phụ huynh kẻ đứng người ngồi, cùng hướng đôi mắt chờ đợi về cánh cửa cách ly đang đóng kín. Tới giờ được vào, họ hăm hở rửa tay, mặc trang phục bảo vệ để đến bên giường bệnh đứa con, đứa cháu của mình. Nhưng không một ai đi về phía hai cháu bé Nguyễn Văn Tý và Điểu Thị Vân. Nguyễn Văn Tý là cái tên mà người đưa cháu đến điền vào giấy tờ nhập viện ngày 1/5/2013. Thông tin về thân nhân chỉ vẻn vẹn có 1 dòng: “Nguyễn Thị Hồng - vú nuôi”, ngoài ra không có giấy khai sinh hay địa chỉ, điện thoại. Trong khi làm thủ tục cho cháu, người thân nhờ người nhà bệnh nhân khác bế cháu giùm một lát rồi bỏ đi mất. Cháu Tý nhập viện trong tình trạng tiêu chảy cấp có mất nước do siêu vi, kèm theo viêm da. Sau hơn 1 tháng điều trị tại khoa Chống độc tích cực trẻ em, bệnh tình của cháu tương đối ổn. Cháu Nguyễn Văn Tý, khoảng 10 tháng tuổi, bị bỏ rơi từ lúc nhập viện Điều dưỡng trưởng Thu Hương cho biết: “Chúng tôi đã báo với phòng quản trị, làm thủ tục gửi đến công an phường 1 quận 5 để tìm cha mẹ cho cháu. Tới nay đã hơn 1 tháng vẫn chưa có người đến nhận”. Tại khoa khoa Chống độc tích cực trẻ em, còn một trẻ nữa cũng bị bỏ rơi là cháu Điểu Thị Vân, người dân tộc Stiêng. Theo giấy khai sinh, cháu Vân sinh ngày 2/6/2013, nơi sinh là bệnh xá Binh đoàn 717, Bình Phước. Cha tên Điểu Ngất, mẹ tên Thị Nhong, cùng thường trú/ tạm trú ở Tân Phong, Tân Thành, Bù Đốp, Bình Phước. Cháu Vân bị uốn ván sơ sinh, viêm phổi, do thở máy dài ngày nên còn bị nhiễm trùng bệnh viện, từ lúc phát bệnh đến nay đã 22 ngày. Bác sĩ Quyên, khoa Chống độc tích cực trẻ em cho biết: “Hiện tại Vân vẫn còn sốt, đang dùng kháng sinh mạnh và thuốc an thần, giãn cơ để chống co giật”. Trong khi bệnh nhi khác có mẹ động viên thì cháu Điểu Thị Vân nằm trơ trọi một mình Trong lúc bệnh tình nguy hiểm, cháu Vân cần lắm vòng tay yêu thương của cha mẹ thì đã hơn 1 tuần nay, loa gọi tên mãi mà người nhà của cháu vẫn biệt tăm. Không một cuộc điện thoại hỏi thăm nên bệnh viện không rõ là họ quyết định bỏ rơi con, hay chỉ tạm thời đi đâu đó lo công việc rồi sẽ quay lại. Thế là mỗi chiều vào giờ thăm nuôi, Tý và Vân lại chờ đợi… Vân nằm lặng im, còn Tý nép sát vào thành cũi, dán mắt về phía có nhiều bóng người. Đợi mãi, đợi mãi… Tý òa khóc. Các cô y tá bảo nhau: "Chạy đến xem có phải Tý đói bụng hay không?". Nhưng phải chăng, Tý chỉ khóc vì đói? Tôi tự hỏi mà trong lòng thấy xót xa thay cho em. Vân thì chưa thể ngồi dậy để khóc, để đòi. Thân hình bé bỏng nằm lọt thỏm giữa chiếc giường trắng toát, với đủ thứ ống thở, dây nhợ bao quanh. Có lẽ cô bé đang lắng nghe tiếng trò chuyện của người mẹ ở giường bên cạnh. Có lẽ Vân cũng thèm lắm một âm thanh dịu dàng kề bên tai mình: “Hôm nay con thấy trong mình thế nào?”… Những trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện như hai cháu Tý, cháu Vân, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị, đồng thời trình báo với công an phường. Bệnh viện không có chức năng cho con nuôi. Khi các cháu khỏi bệnh, nếu vẫn không có ai đến nhận thì hồ sơ của các cháu sẽ được chuyển về Sở Lao động thương binh xã hội. Sau khi Sở quyết định đưa các cáu về trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi nào thì đơn vị đó sẽ đến bệnh viện đón nhận các cháu. Nhưng lúc này đây tại giường bệnh, hai em cần lắm những tấm lòng sẻ chia. Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Cháu Nguyễn Văn Tý và cháu Điểu Thị Vân, Khoa Chống độc tích cực trẻ em, BV Bệnh Nhiệt Đới, 764 Võ Văn Kiệt, quận 5, TPHCM. Điện thoại: 08 3923 5804 Theo Dân trí