(SGTT.VN) - Căn nhà có cánh cổng màu xanh, vắt lên hàng rào cũng là những sợi dây leo xanh biếc, nằm yên ắng trong một con hẻm trên đường Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM. Từ bao năm nay, đó là chốn đi về của các thành viên trong gia đình ThS.BS Vương Thị Ngọc Lan. BS Ngọc Lan và mẹ – BS Ngọc Phượng – cùng con gái 18 tháng tuổi. Ảnh: Nguyên Cao Ngôi nhà không có đàn ông Bắt đầu câu chuyện, chị mang cho tôi xem bức ảnh chị chụp cùng mẹ và các chị em gái của mình. “Chúng tôi chụp hình này vào tháng 7 rồi, dịp chị và em gái tôi từ Mỹ về chơi. Đây là chị gái đầu, lớn hơn tôi một tuổi, hiện là bác sĩ răng hàm mặt tại Mỹ. Cô em út thì theo nghề luật sư. Các thành viên trong gia đình tôi đều ở xa, mười mấy năm mới gặp lại, hiếm lắm mới có chung bức hình như vậy”. Người viết thắc mắc, nhà có ba cô con gái, nhưng trong hình thì tới bốn người? “À, chị ngoài cùng là con nuôi của mẹ, hiện đang là bác sĩ lĩnh vực tâm thần tại thành phố này. Hồi chị 20 tuổi, mẹ ruột chị bị ung thư phổi qua đời. Thấy chị một thân một mình, mẹ tôi thương quá nhận làm con luôn, cho ăn học rồi lập gia đình cho chị. Coi như nhà tôi có bốn cô con gái, thiếu một là thành ngũ long công chúa!” BS Ngọc Lan tự hào kể về gia đình mình với niềm vui sướng long lanh trên ánh mắt. Nhưng không biết ở thập niên 70 của thế kỷ trước, với một gia đình chỉ toàn con gái thì người mẹ – người vợ liệu có vượt qua được những áp lực, định kiến từ nhà chồng? Chị Ngọc Lan hướng ánh nhìn vào căn phòng bên trong, kể về mẹ mình: “Mẹ tôi về làm dâu một gia đình người Bắc. Bác cả (anh trai đầu của bố) lập gia đình nhưng không sinh được con, bác kế tiếp không lập gia đình. Nên lúc ba mẹ tôi cưới nhau, rồi năm 1970, mẹ sinh con gái đầu lòng, nhà nội tôi rất hân hoan vì là đứa cháu đầu tiên. Nhưng rồi đến năm 1971, mẹ sinh tôi ra, vẫn là con gái thì niềm hân hoan đó không còn nữa. Bà nội chắp tay sau lưng, đứng nhìn tôi trong nôi: “Lại con gái nữa à?”, rồi quay ra chẳng buồn hỏi thăm một câu. Sau ngày thống nhất đất nước, mẹ lại mang bầu, và lại sinh con gái. Rồi ba tôi đi tu nghiệp bên Pháp, sau đó cả nhà nội sang Mỹ định cư. Cũng từ đó, mẹ tôi vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi mấy chị em đến lớn”. Một nách ba con nhỏ, không người thân thiết đỡ đần, nhưng GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – mẹ của chị Ngọc Lan vừa nuôi con, vừa theo đuổi đến cùng công việc của một bác sĩ sản khoa. Chị Ngọc Lan lật tiếp những trang hồi ức về mẹ mình: “Hồi đó mẹ liên tục đi công tác các tỉnh vùng sâu, vùng xa, chữa bệnh, mang bệnh nhân về điều trị. Biết mẹ bận rộn, để mẹ vui, ba chị em ai cũng cố gắng học thật giỏi. Nhà khi đó còn khó khăn, quần áo đứa đầu bận xong thì hai đứa sau lần lượt “kế thừa”. Học các môn nữ công ở trường thì chia nhau, đứa học may vá, đứa thêu thùa, đứa làm bánh, cắm hoa rồi về tự truyền đạt lại cho nhau, kết cục đứa nào cũng khéo tay mà không phải tốn học phí. Ba chị em cứ thế hồn nhiên sống, tự lo cho nhau trong khoảng thời gian mẹ vắng nhà”. Thiếu sự dạy dỗ của cha, nay mẹ lại bận bịu như vậy chắc cũng ít thời gian chăm sóc con? BS Lan xua tay: “Không đâu, mẹ tôi tuy bận rộn nhưng đôi mắt của bà không lúc nào rời xa các con. Có chút thời gian, mẹ lại vào bếp chỉ dẫn ba chị em nấu nướng. Nhà dùng bếp củi, nhưng xoong nồi luôn được chùi bóng loáng. Mẹ tôi rất nghiêm khắc với các con. Mẹ không có thói quen gọi con tới, dạy bảo phải làm thế này thế kia. Mà thường thông qua những hành động của mẹ, mấy chị em tôi tự hiểu phải làm thế nào thì mới thích hợp. Mẹ thường bảo, giữ cho sàn nhà sạch, cái chén sạch, đôi đũa sạch, cẩn trọng đến những chi tiết nhỏ thì việc lớn mới thành. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của mẹ, lại sống trong thế giới của nghề y từ nhỏ. Năm, sáu tuổi tôi đã thường theo mẹ đến bệnh viện những hôm mẹ trực, có khi tận mắt nhìn thấy hình ảnh em bé chào đời, được lấy ra từ bụng mẹ. Có lẽ vì thế nên khi thi đại học, tôi quyết định chọn trường y”. Hình ảnh sum họp hiếm hoi của BS Lan với các chị em gái sau mười mấy năm xa cách (ảnh gia đình) Hai nữ quý tử BS Ngọc Lan lập gia đình năm 1999, kết quả của tình yêu là hai cô công chúa, trong khi đó chồng chị lại là con trai trưởng của gia đình. Chị thổ lộ: “Bố mẹ chồng của tôi vẫn mong con trai, nhưng ông bà rất thoáng, không tạo áp lực lên con cái. Tất nhiên, nếu trong nhà vừa có con trai, vừa con gái thì sẽ cân bằng hơn. Nhưng, một khi không có con trai thì cũng không nhất thiết phải sinh cho được quý tử để nối dõi. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân, có trường hợp bị tim mạch nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm đứa con trai, dù tính mạng có nguy hiểm đến cỡ nào. Với tôi, hai đứa con gái chính là tài sản quý nhất. Miễn các con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, sống bình yên là được. Tôi cũng dạy con bắt đầu từ những điều nhỏ nhất mà mình đã học từ mẹ. Và cho dù bận rộn mấy, một ngày của vợ chồng tôi đều dành những khoảng thời gian đặc biệt nhất cho các con. Đó cũng là thời điểm để lửa ấm gia đình được thắp sáng, duy trì”. NGUYÊN CAO
Cô Phượng là một người có tấm lòng nhân ái, Cô được nhà nước phong tặng Anh Hùng Lao Động, bao nhiêu đó đã nói lên tất cả. Xin cám ơn Cô đã mang đến cho đời biết bao niềm vui và hạnh phúc. Chúc Cô luôn mạnh khỏe và bình an.