Ngay sau khi Tuổi Trẻ thông tin về việc một số tỉnh thành "bắt dạy thêm như bắt trộm" thực hiện thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, nhiều nhà giáo, phụ huynh... đã bày tỏ sự bức xúc. Một phụ huynh đón con tan học lúc 20g ngày 1-11 tại một cơ sở dạy thêm trên phố Trần Cung (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: NG.Khánh * Bà Phạm Thị Hồng (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội): Không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò Năm nay con tôi học lớp 2 Trường tiểu học Kim Liên. Tôi từng là một trong số phụ huynh rất bức xúc khi được cô “gợi ý” việc học thêm để nâng cao kiến thức tại nhà vào buổi tối. Tôi cũng từng rất mong các cấp quản lý nhanh chóng có giải pháp để học sinh tiểu học không phải đi học thêm, không phải học buổi tối. Nhưng khi chứng kiến cảnh đoàn thanh tra đi “bắt” giáo viên dạy thêm, tôi thấy gai người. Việc “bắt quả tang giáo viên” là việc làm thiếu tính nhân văn và phản giáo dục. Đoàn kiểm tra hoàn toàn có thể tìm hiểu việc dạy thêm theo cách khác và mời giáo viên đến làm việc, yêu cầu họ thực hiện đúng quy định, đúng cam kết. Nhà trường cũng có thể đề ra các hình thức chế tài cụ thể nghiêm khắc đối với thầy cô giáo có sai phạm. Nhưng không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò. Tôi nghĩ những thầy cô không may chịu cảnh này sẽ là hình phạt nặng nề nhất đối với đời dạy học. * Cô Nguyễn Thị Tuyết (chủ tịch công đoàn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Tôi sẽ bảo vệ giáo viên nếu họ bị xúc phạm danh dự Tôi sẽ bảo vệ giáo viên của mình đến cùng nếu họ bị xúc phạm danh dự trong khi đang dạy học. Còn với tư cách là một phụ huynh học sinh, tôi cũng không chấp nhận cách hành xử thô bạo đối với nhà giáo, dù thầy cô giáo có hay không chuyện làm sai quy định. Trên thực tế, tôi cũng phải đi xin học thêm cho con mà xin rất khó thì thầy mới nhận lời. Vì những thầy giỏi, có uy tín thường phải từ chối vì có quá nhiều học sinh muốn xin học. Phụ huynh có nhu cầu tìm cho con mình thầy giỏi, có tâm huyết và kinh nghiệm dạy học. Các thầy cô giáo đáp ứng nhu cầu đó trong khả năng của mình thì có gì sai trái? Việc đâu đó có tiêu cực trong dạy thêm cũng cần xử lý, khắc phục. Nhưng phải phân biệt rõ nhu cầu học thật hay không, giáo viên dạy có chất lượng hay không. Nếu siết việc dạy thêm không thận trọng, cư xử thô bạo với số đông giáo viên thì cần phải dừng lại ngay. * Cô Phạm Thị Thu (Trường THPT Kim Liên, Hà Nội): Học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội Việc phân biệt tiêu cực trong dạy thêm, học thêm không khó. Chỉ nói riêng trong phạm vi một trường học, không khó để biết giáo viên nào có chuyên môn tốt, có uy tín với học sinh, giáo viên nào không. Việc kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm cũng có thể từ nhiều kênh khác nhau. Việc đánh giá hành vi của giáo viên cũng cần đặt trong tương quan với nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thận trọng và tế nhị chứ không thể hành xử thô bạo. Việc đoàn kiểm tra “đi bắt” giáo viên khi thầy cô đó đang say sưa giảng cho học sinh những điều tốt đẹp của kiến thức, không chỉ khiến tinh thần giáo viên sụp đổ mà còn khiến học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội, không biết tin vào ai. * Thầy Nguyễn Thanh Hoàn (giáo viên môn văn bậc trung học ở quận 2, TP.HCM): Nghề giáo là nghề nhạy cảm Bản thân thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã “có vấn đề” vì chưa phản ánh đúng thực tế dạy thêm học thêm. Người vận dụng thông tư này một cách cứng nhắc, thiếu tình người đã gây ra sự xúc phạm đối với nhà giáo. Nếu chiếu theo thông tư 17, có thể giáo viên đã sai nhưng tại sao đoàn kiểm tra liên ngành không gửi văn bản nhắc nhở đương sự trước. Nên nhớ rằng nghề giáo là nghề nhạy cảm, lập biên bản các thầy, các cô trước mặt học trò thì quá bẽ bàng. Là giáo viên không ai muốn dạy thêm đâu. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì chương trình nặng quá, khó có thể chuyển tải hết cho học sinh với thời lượng ít ỏi nên chúng tôi phải dạy thêm. Chứ nhiều bữa đi dạy thêm về, gặp trời mưa to, người ướt sũng, tôi cũng tủi thân lắm. * Thầy Ung Thanh Hải (nguyên tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM): Cần phân biệt Đúng là trên thực tế có một số giáo viên làm sai quy định, ép buộc học sinh phải học thêm, tạo ra hình ảnh không tốt. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, cần phân biệt đâu là lớp dạy thêm đàng hoàng. Tôi biết trên thực tế có nhiều nơi học sinh phải năn nỉ thầy mới được nhận vào học, mức học phí cũng rất cao. Cốt lõi của dạy thêm là chương trình nặng quá, giáo viên không chuyển tải hết trong giờ chính khóa được, muốn thi đậu đại học học sinh đương nhiên phải đi học thêm. Theo Tuổi trẻ