Mỗi chiều tối, con đường số 18 ở ngay khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM tấp nập sinh viên đi đi về về. Ngay đầu hẻm khu phố 5, phường Linh Trung, Thủ Đức có một lớp học tình thương lặng lẽ trong cái nhộn nhịp ấy. Đó là lớp học tình thương Đoàn phường mở ra từ hai năm nay. “Thầy giáo” Thạch và những học trò ve chai, vé số ở lớp học tình thương Phòng học vốn là trụ sở cũ của ban điều hành khu phố 5. Ở lớp học này “thầy cô” đang là sinh viên nên cũng chật vật nhưng trò còn khổ hơn: mỗi buổi tối các em đến lớp với bộ quần áo còn dính đầy bụi bặm, mùi khét nắng, “mùi” của công việc hằng ngày mà các em làm. Đó là bán vé số, lượm ve chai... Học trò bán vé số, lượm ve chai Thạch Hùng (14 tuổi) quê Sóc Trăng đã theo học lớp này từ ngày đầu mới mở. Thế nhưng đến nay em cũng chỉ mới biết đọc, biết làm các bài toán cộng, trừ đơn giản của lớp 1. Hỏi nhà có mấy anh em, Hùng lọng cọng xòe tay ra tính mãi: “Bảy anh em”. Ba Hùng làm công nhân bốc xếp ở Nhà máy bột mì Thủ Đức, mẹ Hùng đi lượm ve chai, cả nhà Hùng đang trọ tại khu phố 5. Hùng cũng lượm ve chai với mẹ. Hỏi “mơ ước sau này làm gì?”, Hùng ngượng ngùng: “Sau này em muốn đi làm bốc xếp như ba”. Còn Tài, một học trò lớp này, thì bán vé số. Tài là con của hai vợ chồng anh Trần Hiệp Thành (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Huệ (32 tuổi), quê ở Thốt Nốt (Cần Thơ). Hai vợ chồng dắt díu lên Sài Gòn làm công nhân, có hai con. Chồng làm công nhân bốc xếp, vợ làm công nhân ở khu công nghệ cao. Không tiền cho Tài đi học, anh chị đành gửi vào lớp tình thương buổi tối. Trước đây khi bà nội còn khỏe, hằng ngày Tài cùng bà đi lượm ve chai, nhưng giờ bà già yếu Tài đi bán vé số một mình. Hằng ngày cứ 5 giờ sáng, khi những bạn cùng trang lứa còn ngủ vùi hoặc dậy học bài chuẩn bị đến trường thì Tài tất tả ra đại lý vé số lấy 60 tờ rồi vòng lên Khu chế xuất Linh Trung bán. Ngồi trong căn phòng trọ, nhìn con gái hai tuổi rưỡi - em của Tài - đang bi bô, anh Thành giọng buồn thiu: “Chắc mai mốt em nó cũng đi học ở lớp tình thương thôi...”. Ở lớp tình thương này có cả anh và em cùng học chung. Đó là hai anh em Trần Văn Dương (9 tuổi) và Trần Thị Diễm Hương (7 tuổi) quê ở An Giang. Dương từng học đến lớp 2 ở quê nhưng rồi phải theo ba mẹ lên thành phố sinh sống. Thế nhưng ba mẹ làm công nhân, đồng lương ba cọc ba đồng nên Dương và em gái hằng đêm phải theo học ở lớp học tình thương. “Hai anh em con đi học chung một chiếc cặp. Chiếc cặp là của người ta cho bà nội con, bà cho lại anh em con”, Dương khoe. Trái tim yêu trẻ nhỏ Học trò ở lớp học tình thương này phần lớn là những em nhỏ đến từ Sóc Trăng, Tiền Giang... theo cha mẹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Ba mẹ các em người làm công nhân, người làm bốc vác, phụ rửa chén bát cho các quán cơm, đi nhặt ve chai, sắt vụn và hằng ngày các em cũng làm những công việc ấy. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Loan, bí thư đoàn phường Linh Trung, cho biết lớp học thiếu thốn trăm bề: từ bàn ghế đến bảng, kệ sách, sách giáo khoa, tập, bút đều phải đi xin. “Thầy cô giáo” là những sinh viên tình nguyện. Từ ngày đầu mở lớp đến nay đã có hàng chục “thầy cô” từng dạy ở đây nhưng học trò và người dân khu phố 5 rành nhất là “thầy” Thạch. Thạch năm nay 23 tuổi, quê Bình Định, vốn là sinh viên ngành công nghệ thông tin, gắn bó với lớp từ ngày mới mở, khi Thạch còn là một chàng sinh viên năm 3. Lúc đó Thạch ở trọ gần lớp học, hằng ngày đi về ngang qua lớp, chứng kiến cảnh các em học nên tình nguyện xin vào dạy. “Lúc đầu ngán ngẩm lắm vì tụi nhỏ không nghe lời. Nhưng được một thời gian lại thấy thương và quý, bây giờ cứ đến mỗi đợt nghỉ lễ không được dạy các em lại thấy nhớ”, Thạch chia sẻ. Nay Thạch đã ra trường và đang xin việc làm nên Thạch lo lắng: “Nếu xin được việc ở trung tâm thành phố thì phải chuyển chỗ trọ, làm sao tiếp tục đứng lớp với các em đây...”. Ngoài Thạch, hiện nay lớp còn có ba “cô giáo” tình nguyện khác là Nguyễn Thị Phương, Trần Thị Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Linh, cùng là sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Các bạn đến với lớp bằng tình yêu trẻ nhỏ, một sự chia sẻ với trẻ em nghèo khó. Nguyễn Thị Ngọc Linh - sinh viên năm nhất ngành công nghệ sinh học - cho biết: thật ra trông các em lì lợm, có vẻ ngang ngạnh nhưng rất biết nghe lời. “Đôi lúc trong cuộc sống mình gặp chuyện không may thì nói là bất hạnh nhưng khi gặp và dạy các em mới thấy các em thiếu thốn, bất hạnh hơn mình nhiều”, Linh nói. Lớp tình thương được nâng cấp Bí thư đoàn phường Linh Trung Nguyễn Ngọc Quỳnh Loan cho biết đầu năm 2013 lớp học tình thương ở khu phố 5 vừa được UBND phường nâng cấp thành lớp phổ cập. Phường có trích ít tiền hỗ trợ “giáo viên” phụ trách lớp để động viên các bạn bám trụ. Những học sinh nào học xong chương trình thì được kiểm tra, nếu đạt kết quả được cấp chứng nhận phổ cập để các em đi học ở các lớp bổ túc văn hóa. Theo Tuổi trẻ