Lửa ấm nhen từ bãi sông Hồng

Thảo luận trong 'TỔ CHỨC XÃ HỘI' bắt đầu bởi bichphuong, 28/12/11.

  1. bichphuong

    bichphuong
    Expand Collapse
    Active Member

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    182
    Thích đã nhận:
    72
    Money:
    0$
    NDĐT- Năm năm qua, dự án “Ngôi nhà tuổi trẻ” của tổ chức Solidarités Jeunesses Vietnam đã hỗ trợ tích cực cho những trẻ em nghèo ở làng chài và bãi giữa ven sông Hồng, Hà Nội. Trong thành công của chương trình, phải kể tới sự đóng góp thầm lặng của nhiều tình nguyện viên trong nước và quốc tế.
    Bữa trưa miễn phí cho trẻ em nghèo


    [​IMG]

    Buổi trưa hằng ngày, 26 em nhỏ đến từ làng chài và bãi giữa sông Hồng lại quây quần tại “Ngôi nhà tuổi trẻ”, số 6, ngõ 51 phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình để thưởng thức bữa ăn miễn phí trong những ngày đi học, từ thứ hai tới thứ sáu. Bữa trưa ở đây giản dị nhưng đầy ý nghĩa. “Nhà tuổi trẻ” cũng là địa chỉ quen thuộc với những bạn nhỏ này nhiều năm qua.

    Tôi gặp cô bé Hoàng Hà Linh tại đây khi em đang say mê vẽ tranh trước khi ăn trưa. Chín tuổi nhưng Hà Linh mới học lớp 1A2 trường tiểu học Nghĩa Dũng, Ba Đình. Đi học cả ngày, ăn trưa tại “nhà em”, Linh rất thích vẽ và hát. Anh trai Linh, Hoàng Văn Bằng, đang học lớp sáu cũng sinh hoạt trong “nhà” đã lâu . Hằng ngày, hai anh em tự đưa đón nhau. Bố không còn, hai em có cuộc sống khó khăn hơn nhiều bạn trong lớp, nhưng được đến trường cũng là “chuyện thật vui” trong ánh mắt của cô bé nhỏ xíu này.

    Bữa trưa miễn phí là một trong nhiều sự hỗ trợ của “Ngôi nhà tuổi trẻ” dành cho 26 em nhỏ này. Với sự hợp tác của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và văn hóa cộng đồng (E&C), Solidarités Jeunesses Vietnam (SJV) còn hỗ trợ học phí, áo ấm mùa động, đồ dùng học tập và nhiều chương trình vui chơi cho các em.

    Dương Thế Tùng - điều phối viên của “Ngôi nhà tuổi trẻ” - cho biết, đây là dự án khác biệt với những chương trình SJV đã thực hiện trước đó. Đối tượng chính là các em nhỏ sống tại làng chài và bãi giữa ven sông Hồng, trong một môi trường khó khăn và phức tạp. Ngay gần trung tâm Hà Nội, nhưng các em cũng phải tham gia kiếm sống cùng cha mẹ, ít có điều kiện học hành. Mục tiêu chính của dự án là trợ giúp và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại khu vực này, giúp các em nhận được sự chăm sóc về y tế, dinh dưỡng, học tập và giải trí như các bạn cùng trang lứa.

    Nối dài vòng tay tình nguyện

    Hoạt động từ năm 2004 tại Việt Nam, SJV tiền thân là một trại tình nguyện quốc tế do các tình nguyện viên của Liên hợp quốc sáng lập. Các dự án của SJV tiếp nhận tình nguyện viên từ các nước trên thế giới cùng làm việc với tình nguyện viên trong nước cả thời gian ngắn và dài hạn. Tham gia tình nguyện, các bạn sẽ cùng trải nghiệm, giao lưu với các tình nguyện viên quốc tế, giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật… Ngoài ra, thông qua mạng lưới với các đối tác quốc tế, SJV cũng tạo điều kiện cho tình nguyện viên Việt Nam tham gia các dự án tình nguyện ở nước ngoài.

    Ngay dịp Giáng sinh năm nay, 26 em nhỏ ở đây cũng có một lễ Noel vui vẻ và lý thú ngay tại bãi sông Hồng, với sự tham gia của nhiều tình nguyện viên đến từ Nhật Bản của mạng lưới phát triển tình nguyện châu Á (The Network for Voluntary Development in Asia - NVDA) và trẻ em của câu lạc bộ tiếng Anh E&C. Không chỉ mang đến cho những trẻ em nghèo một giáng sinh ấm áp, chương trình còn là sự chia sẻ, giúp những em nhỏ bình thường hiểu thêm về bạn bè cùng tuổi.

    Nobue Takeda, 25 tuổi, là một tình nguyện viên của “Ngôi nhà tuổi trẻ” đến từ Nhật Bản, dạy tiếng Anh và nấu bữa trưa cho trẻ em ở đây. Với cô gái Nhật tính tình rất cởi mở này, khó khăn khi dạy ngoại ngữ cho các em của “nhà” là học sinh có trình độ, lứa tuổi khác nhau, trong khi Nobue không nói được tiếng Việt. Do đó, Nobue thấy công việc tình nguyện ở đây cần nhất lòng kiên nhẫn. Nobue Takeda sẽ trải nghiệm cuộc sống tình nguyện tại Việt Nam trong năm tháng, tới hết tháng 2 năm sau. Chuyện nấu ăn cho các em cũng thật vui, vì Nobue phải tự đi chợ, mặc cả, mua thực phẩm, rồi nấu nướng phù hợp khẩu vị Việt Nam. Lúc đầu, mọi chuyện thật khó khăn, nhưng giờ đã trôi chảy, Nobue cảm thấy khá thú vị. Bạn cũng rất tò mò vì sẽ có cơ hội trải nghiệm những ngày Tết truyền thống với các em nhỏ của mình.

    Tâm sự vì sao chọn Việt Nam để hoạt động tình nguyện, cô gái đến từ thành phố Nagano lý giải, mình học về giáo dục tại đại học ở Tokyo và muốn trở thành giáo viên. Do đó, Nobue muốn có cơ hội tiếp xúc với trẻ em nghèo, và dự án này của SJV phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Cô nghĩ, những kinh nghiệm dạy trẻ em ở Việt Nam sẽ giúp hoạt động giảng dạy học sinh của mình tại Nhật Bản tốt hơn.

    Quàng Thị Thu Hằng cũng từng là một tình nguyện viên tích cực của “Ngôi nhà tuổi trẻ”. Hiện cô đang theo đuổi dự án khác nhằm tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ nghèo ở khu vực làng chài và bãi giữa sông Hồng. 26 tuổi, Hằng gắn bó nhiều năm với công tác tình nguyện của SJ Việt Nam. Khi đến địa chỉ quen thuộc tại Nghĩa Dũng, Hằng luôn có cảm giác được “trở về nhà”.

    Theo bạn Dương Thế Tùng, trong 26 em nhận được sự hỗ trợ của “Ngôi nhà tuổi trẻ”, 15 trẻ đang theo học tại các trường công lập từ tiểu học tới trung học phổ thông. Xin học cho các em vào các trường chính quy cũng không hề dễ dàng. Sống chủ yếu tại hai khu bãi giữa và làng chài sông Hồng, phần lớn các em không có giấy khai sinh nên việc tới trường cũng thật gian nan. Việc làm lại giấy khai sinh cho các em chiếm không ít thời gian do phải đi lại rất mất công. Phần lớn bố mẹ của trẻ làng chài rời quê gốc đã lâu, giấy tờ chứng sinh tại bệnh viện địa phương không còn lưu trữ nhiều.Các tình nguyện viên của dự án phải hợp tác rất tích cực với cơ quan công an và UBND xã địa phương mới làm lại được 11 giấy khai sinh. Hiện vẫn còn 2-3 em chưa có giấy khai sinh. Ngoài ra, khi xin học các em vào các trường công lập, các cán bộ của dự án cũng phải bảo đảm với nhà trường về hồ sơ và học phí.

    Trước đây, tại ngôi nhà tuổi trẻ có ba lớp học với những lứa tuổi khác nhau. Tình nguyện viên dạy theo sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng cũng vất vả bởi các em có trình độ khác nhau. Nếu bé nào chịu khó, tiếp thu nhanh, tình nguyện viên đỡ vất vả. Còn có trường hợp một em nhỏ bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên phải mất vài năm mới học xong chương trình lớp 1.

    Thuyết phục cha mẹ cho các em đến trường cũng là một cửa ải gian nan. Sau khi có giấy khai sinh, ban đầu, phụ huynh thường từ chối tiếp xúc do muốn các em cùng tham gia kiếm sống với gia đình. Nhưng nhờ sự kiên trì của các tình nguyện viên, các em đều đã được đến trường.

    Không chỉ chăm lo cho những trẻ em nghèo làng chài sông Hồng, trước đó, SJV cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân nơi đây như chia sẻ bữa ăn, tặng gỗ sửa thuyền, tiếp cận nguồn nước sạch... Trước đây, người dân nơi đây thường dùng nước sông Hồng trong sinh hoạt hằng ngày. SJV đã hợp tác với tổ chức Un ETAI pour le Vietnam giúp người dân có nước sạch qua bình lọc từ nước giếng khoan. Hiện 30 hộ dân đang sinh sống ở bãi giữa và làng chài đã có hai giếng khoan dùng thường ngày.

    Nếu các em tại “Ngôi nhà tuổi trẻ” không đủ điều kiện theo học văn hoá tại trường công lập, khi đủ 16 tuổi, SJV sẽ liên hệ với những trung tâm dạy nghề nhân đạo như KOTO, Hoa Sữa nhằm giúp các em có nghề ổn định, nuôi sống bản thân.

    Và điều chân thành nhất, Tùng mong muốn cho những em nhỏ trong mái ấm của mình, với bao nickname thân thiết như Cò, Ớt, Éc... là một cuộc sống tốt đẹp hơn vì những nỗ lực không ngừng của các em.

    LÊ NGÂN​
     

    File đính kèm:

    Chi Bảo thích nội dung này.

Chia sẻ trang này