TTO - Mỗi buổi chiều về cùng với chiếc xe đạp màu tím cà, má tôi đạp quanh xóm, vô các vườn mua rau rồi bó lại thành những mớ mang ra chợ bán. Má thồ những giỏ rau nặng hơn hai ba lần trọng lượng của má. Con đường đê quanh xóm dường như chẳng còn xa lạ với vết xe của người phụ nữ tuổi ngũ tuần này. Cuộc sống gia đình tôi năm ấy còn khốn khó, ngày nào cũng vậy má phải tần tảo chạy ăn từng bữa một. Buổi tối, má thức tới 23g, 0g để bó những mớ rau. Gà chưa gáy, má đã xếp xong những mớ rau bó hồi tối vào giỏ. Vất vả là vậy nhưng lúc nào tôi cũng thấy má cười, chưa bao giờ má than. Tôi nhớ có những lần trời mưa, con đường quê trơn trượt như đổ dầu mỡ vậy, má vẫn khoác áo tơi, dong xe đạp đi lấy rau, lúc ấy người má chẳng khác nào một con chuột bị ướt. Hầu như chẳng có ngày nghỉ, dù mưa hay nắng cũng chẳng ngăn được bước chân má. Nghề bán rau đã cho chúng tôi có cái ăn, cái mặc và quan trọng hơn là má đã cho năm chị em tôi được đi học tử tế. Má đã làm tất cả để chúng tôi được đến trường. Cái chợ nhỏ Kinh B dường như ai cũng biết và quý người bán rau nhiệt tình vui vẻ, lại hay giúp đỡ người khác. Đó là hình ảnh một người phụ nữ có khuôn mặt gầy gò ngăm đen vì nắng mưa, nhưng lại rất thương người nên ai cũng mến má và đặt cho má biệt danh: người tốt bụng. Có lần tôi cùng má đi chợ bán rau, vô tình nhặt được cái bóp có nhiều tiền, có thể đủ cho cả gia đình tôi sống vài tháng. Má không quan tâm đến số tiền trong bóp, má gói ghém cái bóp cẩn thận rồi đi hỏi xung quanh chợ xem có ai làm rơi không. Má nói với tôi: "Đồng tiền này của người ta bỏ mồ hôi nước mắt làm ra nên phải trả lại chứ không mang tội đó con ạ! Người mất cái bóp này đang đau khổ lắm. Khi nào con làm bằng chính sức lực và giọt mồ hôi nước mắt của mình kiếm được đồng tiền thì con sẽ biết quý trọng giá trị của nó như thế nào". Trả lại cái bóp cho chủ nhân của nó mà trong lòng tôi cứ luyến tiếc làm sao. Tôi cứ tự hỏi tại sao má tôi lại trả cơ chứ! Mặt tôi tỏ ra không vui cho lắm. Lúc ấy má nhìn tôi cười và nói: "Thôi mà, đừng tiếc nữa con, mai này lớn hơn một chút con sẽ hiểu thôi". Bài học đó của má không làm cho tôi vui một tí nào, nhưng rồi một lần má đưa tôi 20.000đ để đi mua trứng vịt, tôi làm rơi ở đâu không biết nên cứ loay hoay tìm hoài trên con đường đã đi qua. Tôi lo lắng không dám về nhà vì sợ má đánh đòn. Tìm hoài tìm mãi mất cả tiếng đồng hồ mà vẫn không tìm ra, nước mắt sắp chảy ra, bỗng có một cô bé hàng xóm chạy đến và nói: "Anh tìm cái này phải không?". Đó là 20.000đ, tôi mừng khôn tả như vừa mới chết đuối hụt vậy. Lúc ấy tôi mới nhận ra giá trị mà má tôi đã hành xử trả lại cái bóp cho người mất trước kia. Đến năm học lớp 10, tôi lên thị trấn học cách nhà khá xa, má vẫn bán rau ở chợ để kiếm tiền nuôi tôi đi học, tôi phải đạp cả chục cây số để đến trường, thường đi ngang qua chỗ má bán rau. Mỗi lần thấy tôi đi ngang, má nhìn tôi cười. Dường như má tự hào về đứa con như tôi, vì năm đó tôi thi đậu vào trường công với số điểm khá cao. Trong trường toàn là những đứa con nhà khá giả của thị trấn, đứa thì có má làm cô giáo, bác sĩ, đứa thì có má làm trên huyện, chỉ có tôi là có má bán rau, gọi là nghề chứ nó đâu phải nghề vì chẳng ai xem trọng cái nghề bán buôn ấy. Đám bạn trong lớp thường hay khoe má chúng mà trong lòng tôi buồn vô hạn, tôi chẳng dám nói má tôi làm nghề gì dù nhiều lần chúng hỏi. Lúc ấy tôi nghĩ ước gì má mình làm cô giáo thì tốt biết dường nào. Và mỗi lần như vậy khi trở về nhà tôi thường giận má mà không nói, nhưng sự tinh tế má cũng thừa hiểu tôi đang nghĩ gì. Má an ủi tôi: "Con đừng buồn nữa, chẳng có cái nghề nào xấu, miễn là mình lao động bằng chính bàn tay của mình con ạ! Miễn là mình không đi ăn cắp ăn trộm là được rồi". Tôi không thích má an ủi như vậy. Lúc ấy má buồn nhưng không nói, sợ làm tôi tủi thân hơn, trong lòng má chắc đau lắm. Thời gian trôi đi đến khi tôi học lớp 11, đến học kỳ hai tình cờ một nhỏ bạn học chung đến nhà mượn vở của tôi thấy tôi và má đang bó những mớ rau. Nhỏ bạn hết sức ngạc nhiên vì biết má tôi bán rau. Hôm sau đến lớp nhỏ hỏi tôi: - Má bạn bán rau hả? Tôi ấp úng, ngượng đỏ cả mặt: - Ừ, H. đừng nói cho ai biết hết nha! - Bán rau có gì là xấu hổ chứ G. - nhỏ H. nói vậy. - Nhưng H. không được nói cho mấy bạn khác biết. - H. cứ nói. Thế là ngày hôm sau đám bạn trong lớp trêu chọc tôi. Tôi giận H. và cả má nữa, một suy nghĩ thật trẻ con. Cứ thế suốt những năm học phổ thông tôi bị mặc cảm vì cái điều ấy, tôi đã nhiều lần làm cho má buồn. Thời gian trôi đi thật mau, rồi tôi cũng bước vào giảng đường, má vẫn lầm lũi ngày ngày bên chiếc xe đạp thồ những mớ rau đi bán để lo cho chị em tôi được đi học, ước mơ trọn đời má là cho chúng tôi cái ngành nghề cao quý hơn, không phải làm cái nghề thấp hèn bán rau như má nữa, để thế hệ sau cũng không phải giấu giếm khi nói về má mình như tôi. Má nói với tôi ngày tôi bắt đầu đi học xa. Rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học, có công việc làm, má tôi không còn bán rau nữa vì tuổi tác, nhà tôi cũng chuyển đi nơi khác để lập nghiệp. Tôi viết những dòng tâm sự này thật lòng muốn nói với má của tôi: “Má ơi! Con xin lỗi vì đã bao lần làm cho má phải buồn, con biết má đã hi sinh rất nhiều để năm chị em con được đi học. Ấy vậy mà con lại không dám nói cho mọi người biết má bán rau. Con đã sai rồi, những gì đã trải qua trong cuộc sống này con nhận ra nghề bán rau của má mới là nghề cao quý nhất trên đời. Vì chính cái nghề ấy đã cho con một con đường để đi, một con đường đến với những cái nghề khác. Những bài học quý giá má đã dạy con sẽ nhớ và khắc ghi trong lòng. Nó sẽ làm con vững vàng hơn trong cuộc sống này. Dẫu mai này con có làm gì đi chăng nữa thì trong con nghề bán rau của má vẫn là nghề vĩ đại nhất. Nếu lúc này đây có một ai đó hỏi con má làm nghề gì, con sẽ tự hào nói cho mọi người biết: "Má tôi làm nghề bán rau” . NGUYỄN TRUNG GIANG (nguồn: www.netbuttrian.vn)
Nghề nào cũng được, nghề nào cũng quí, quan trọng là người Mẹ đã tìm được niềm hạnh phúc từ sự hy sinh, sự chịu đựng lặng thầm của mình vì tương lai của con cái. Giờ đây những người con đã ăn học thành tài và may mắn đã nhận ra được giá trị của những giọt mồ hôi mà Mẹ mình đã đỗ xuống, tự hào về cái nghề của Mẹ.. đó mới chính là giá trị cốt lõi của cuộc sống.