Mái ấm chùa Bồ Đề

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi hoahuongduong, 20/11/12.

  1. hoahuongduong

    hoahuongduong
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    20/9/12
    Bài viết:
    2,085
    Thích đã nhận:
    18
    Money:
    0$
    Mỗi người mỗi hoàn cảnh với những số phận khác nhau nhưng với những đứa trẻ bị bỏ lại nơi cửa chùa, có người cho rằng đó là nhân duyên của kiếp trước và phải trả ở kiếp này, thực hư chưa rõ nhưng trong nhiều năm qua, chùa Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) đã và đang tiếp tục làm nên những "kỳ tích” trong việc cứu rỗi hàng trăm mảnh đời bất hạnh.

    [​IMG]
    Sư thầy Thích Đàm Lam chăm sóc cháu bé mới 2 tuần tuổi​

    Mảnh ghép trái tim

    Đó là cách nói ví von mà những người phụ nữ bất hạnh hiện đang nương tựa tại chùa Bồ Đề nhắc đến khi nói về một câu chuyện tình cảm động. Cô gái có tên rất đẹp - Hà Kiều Anh với một nam thanh niên đến từ đất nước Myanma. Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề kể lại: Hơn 20 năm về trước, trong một chiều đông giá rét, khi nhà sư đang quét dọn thì nghe tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc đứt hơi hòa lẫn trong tiếng gió rít của những ngày rét đại hàn. Linh tính mách bảo, đặt vội chiếc chổi xuống sân, sư thầy tìm đến nơi mà tiếng khóc phát ra. Một đứa trẻ còn đỏ hỏn tím tái được quấn tạm trong chiếc tã mỏng tang đã hoen ố, cũ nát.

    "Tôi chỉ đến chậm khoảng dăm ba phút nữa thì không biết tính mạng cháu bé sẽ như thế nào. Trời rét đậm, rét hại đến cả những thanh niên cao to, khỏe mạnh còn sợ bị nhiễm phong hàn, huống chi là một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ. Lúc ấy, mang đứa trẻ vào nhà, tôi vội pha ít nước đường ấm rồi tỉ mẩn bón từng thìa một. Miệng đứa trẻ cứng lại vì lạnh, nước bón vào miệng thì lại trào ra. Cuống quá, tôi vội lấy ít củi khô đốt thành một đống lửa rồi ngồi ôm chặt đứa trẻ vào lòng, kiên nhẫn bón từng thìa nước đường nhỏ. Trời Phật như thấu lòng người, sau một hồi, thân thể cháu bé ấm dần lên và tỉnh lại. Đứa trẻ ấy được đặt tên là Hà Kiều Anh.”

    Hà Anh lớn lên xinh đẹp, học hành giỏi giang, hiện cô đã lấy chồng người Myanma và theo chồng sang Myanma sinh sống. "Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi tin bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu đôi lứa, đôi bạn trẻ ấy sẽ sớm vượt qua khó khăn. Xa nhà chùa đã được mấy năm nhưng năm nào Hà Kiều Anh cũng gửi xà phòng, sữa tắm, thuốc bôi ngoài da…để chia cho các cháu nhỏ”, sư thầy chia sẻ.

    Vợ chồng bạn Kiều Lệ Trang cũng được sư thầy trụ trì nhắc đến, từng được nhà chùa cưu mang, Trang đã vượt qua hoàn cảnh, vượt lên số phận, thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đang là giáo viên. Trang hiện đã có gia đình riêng nhưng mỗi khi rảnh rỗi Trang lại trở về thăm chùa, trở về ngôi nhà thân quen của mình. Còn rất nhiều kỳ tích số phận giống như chuyện của Hà Kiều Anh, Kiều Lệ Trang, chùa Bồ Đề đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chứng kiến sự trưởng thành của hàng trăm đứa trẻ khác.

    "Người mẹ” của 142 đứa con

    Chùa Bồ Đề giống như một ngôi nhà thu nhỏ, nuôi dưỡng, chở che, dậy dỗ cho những đứa trẻ bất hạnh khôn lớn thành người. Sư thầy Thích Đàm Lan là một "người mẹ” của những con người bất hạnh ấy. Chúng tôi dừng chân tại phòng của một cháu bé mà nhà chùa mới nuôi, thấy cháu khóc, sư thầy vội vàng bế lên dỗ dành. Cháu bé đang khát sữa khóc thèm hơi mẹ. Chào đời chưa đến hai tuần tuổi đã bị bỏ lại nơi góc khuất cửa chùa. Nghe nói mẹ cháu chỉ là đứa trẻ lang thang mới 12 tuổi...

    Hiện tại "biên chế” chính thức của chùa có 142 cháu nhỏ, 41 cụ già cô đơn không nơi nương tựa, 48 người lang thang cơ nhỡ... tất cả neo đậu vào cuộc đời dưới mái nhà đức Phật. Và nhiều đứa trẻ trong số đó đang mắc phải những căn bệnh quái ác, căn bệnh thế kỷ như: HIV, bệnh não, tâm thần, tật nguyền... May thay, trên đời vẫn có những tấm lòng, và "người mẹ” ấy không đơn độc. Cuộc sống của các em bé, những người neo đơn tại chùa phụ thuộc hoàn toàn vào sự hảo tâm của các mạnh thường quân, Phật tử, và của bà con giúp đỡ, công đức. Hàng tuần, các anh chị sinh viên tranh thủ ngày nghỉ đến chăm sóc bế ẵm, bù đắp cho các em những vòng tay ấm áp và cả những người nước ngoài tình nguyện đến dạy học cho lũ trẻ.

    Chia tay chúng tôi, thầy không quên gửi lại câu nói: Nếu muốn cuộc sống của mình được thanh thản, thảnh thơi thì hãy đi làm phước để hóa giải mối quan hệ của mọi người trước khi hóa giải cho bản thân. Hãy sống an nhàn, thảnh thơi, tự do tự tại, hài lòng với những gì đang có. Mắt nhìn thấu được trời cao, tai nghe tiếng chim hót, mũi ngửi được hương trầm, lưỡi nếm được pháp vị, trải tình thương với con người và chúng sinh, thế là hạnh phúc rồi.

    Theo Báo Đại Đoàn Kết
     
    #1 hoahuongduong, 20/11/12
    Chỉnh sửa lần cuối: 11/9/15

Chia sẻ trang này