Mái ấm của cặp vợ chồng đứng trên một chân

Thảo luận trong 'CHUYỆN XÃ HỘI' bắt đầu bởi thanhthao78, 28/2/12.

  1. thanhthao78

    thanhthao78
    Expand Collapse
    Active Member

    Tham gia:
    9/1/12
    Bài viết:
    257
    Thích đã nhận:
    41
    Money:
    0$
    Hoàng hôn phủ xuống đèo Hải Vân cũng là lúc anh Võ Tấn Quý (24 tuổi) lách cách đạp xe bằng chiếc chân giả trở về mái ấm sau một ngày rong ruổi ngõ phố Đà Nẵng để bán vé số. Trong nhà, người vợ liệt hai chân đang phe phẩy quạt giấy vui đùa cùng con gái, nở nụ cười đón.

    Thấy chồng về, chị nhanh nhảu rót nước, lấy khắn lau mồ hôi cho chồng. Tình cảm của họ mặn nồng như thời mới yêu. Căn phòng trọ nhỏ xiu của họ ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng như ấm lên với tiếng ê a của đứa con đầu lòng 9 tháng tuổi.


    [​IMG]

    Mái ấm của vợ chồng Quý – Vân và đứa con gái đầu lòng Thảo My. Ảnh: Nguyễn Đông.


    Anh Quý và chị Nguyễn Thị Vân cùng quê Quảng Ngãi. Chị bị bại liệt sau cơn sốt khi mới lên 3. Còn anh bị tai nạn lao động khi 19 tuổi, đứt lìa bàn chân trái. Khó khăn lắm anh mới tập làm quen với bàn chân giả để mưu sinh. Và tình yêu đến bất chợt khi hai người cùng ra Đà Nẵng học nghề tại Trung tâm hướng nghiệp từ thiện Non Nước.

    “Vân hơn mình 3 tuổi, nhưng chẳng hiểu sao ngay từ lần đầu tiên gặp, hai đứa cảm thấy như sinh ra trên đời này là để cho nhau vậy”, anh Quý tâm sự, giọng ngượng ngùng.

    Ngày đó, Quý học nghề cơ khí còn Vân học thêu thùa. Quãng thời gian ở trung tâm, chuyện tình của họ gắn với bao nhiêu kỷ niệm mà mỗi lần nhắc lại, hai người chỉ biết nhìn nhau cười tủm tỉm.

    Chị Vân kể, mỗi dịp đến Ngày lễ tình nhân hay dịp mùng 8/3, anh Quý thường bí mật tặng chị một bông hoa hồng. Sau này mới biết, để có hoa tặng chị, anh đã lén lấy hoa cắm trong lọ ở trung tâm. Rồi thi thoảng anh lại dành dụm tiền bế chị lên chiếc xe đạp chở đi ăn chè. Ăn xong, anh thưởng trêu “đường vào tim em là đường ruột!”.

    “Nhớ nhất vẫn là lần hai đứa mải nói chuyện đến khuya, đói sôi bụng. Anh ấy xuống nhà bếp lấy trộm hai quả trứng gà mang luộc. Đến khi ăn, bị phát hiện, cả hai nuốt nguyên quả trứng vừa bóc vỏ, nghẹn đến chảy nước mắt”, chị Vân nhớ lại.

    Yêu nhau 4 năm, hai anh chị quyết định cưới nhau. “Ngày dẫn nhau về ra mắt bố mẹ hai bên cũng là ngày chúng mình đau khổ và tuyệt vọng nhất”, đôi mắt anh Quý đỏ hoe khi nhắc lại chuyện cũ.

    [​IMG]

    Anh Quý với chiếc chân giả và công việc mưu sinh hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Đông.


    Thương con, bố mẹ Quý cứ nằng nặc từ chối vì lo hai đứa khuyết tật lấy nhau biết làm gì để sống. Dù đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục nhưng bố mẹ tuyên bố nếu vẫn quyết định lấy Vân sẽ từ mặt. Hai người gạt nước mắt lủi thủi khăn gói ra lại Đà Nẵng, quyết định cuộc sống tự lập.

    Khi dẫn nhau tới chân đèo Hải Vân này, mọi thứ đều xa lạ. Có những lúc cả hai như gục ngã, lo lắng rồi đây sẽ làm gì để ăn. Một người dân thương đôi vợ chồng khuyết tật nên cho thuê căn phòng với giá 100.000 đồng/tháng. Đêm đến nhiều khi cặp vợ chồng trẻ không thể chớp mắt vì tủi thân, nghĩ quẩn. Nhưng rồi lại khéo động viên nhau, và tình yêu là sức mạnh để họ nhìn về phía trước.

    Anh Quý xin được một chỗ làm công nhân sản xuất đinh, thu nhập mỗi tháng 1 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi, anh đi mua mực và ít hàng tạp hóa về cho chị mở gian hàng nhỏ ngay trước nhà trọ bán cho khách vãng lai. Cả hai quyết định có con “để khi 'gạo đã nấu thành cơm' hy vọng bố mẹ sẽ đồng ý cho chúng mình làm đám cưới”, anh Quý thật thà pha chút tếu táo.

    Rồi ngày đứa con đầu lòng chào đời, cháu lành lặn, khỏe mạnh, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì hạnh phúc. “Cháu Thảo My là tài sản quý giá nhất của vợ chồng mình”, anh Quý tâm sự.

    Nhưng gia đình có thêm thành viên khiến kinh tế càng chật vật. Chị Vân không có sữa như những người mẹ bình thường khác nên cháu My phải uống sữa bột. Rồi khi trái gió trở trời, những vết thương của hai vợ chồng lại đau nhức. “Đã có lúc vợ chồng mình phải nhịn ăn, thậm chí cắn răng nén chịu những cơn đau để dành tiền mua sữa cho con”, người vợ kể.

    Làm công nhân lương vừa ít lại đến cuối tháng mới được lĩnh tiền, anh Quý quyết định bỏ việc đi bán vé số. Công việc tuy không quá vất vả nhưng với người khuyết tật như anh, để kiếm được 50-60 nghìn mỗi ngày, anh phải thức dậy từ sáng sớm, đạp xe lòng vòng cả 50 km quanh thành phố, rồi lại loạng quạng đạp xe về, ghé qua chợ mua thức ăn về cho vợ nấu cơm.

    “Bị tật nguyền nhưng nhìn hai vợ chồng trẻ sống hạnh phúc lắm, chẳng bao giờ có chuyện to tiếng với nhau. Ở khu phố này nhiều người mong được như vợ chồng Quý”, bà Hà, một người hàng xóm góp chuyện.

    Những lúc chồng vắng nhà, con yên giấc, chị Vân lại tranh thủ kẹp chân tập đi mong một ngày sẽ có thể đi lại phụ giúp chồng con trong cuộc mưu sinh. Chị bảo ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng là một ngày được gia đình chấp thuận, hai vợ chồng sẽ được làm đám cưới, về quê vui với ruộng đồng chứ xa nhà nhiều đêm nằm nhớ cha nhớ mẹ đến da diết, rồi vợ chồng lại nhìn nhau ứa nước mắt.

    Họ có một mái ấm nhưng trước mắt cũng cần có tiền để trang trải cuộc sống. Cầm trên tay số tiền ít ỏi sau một ngày bán vé số mệt nhoài, anh Quý quay sang bảo vợ: “Cuối tháng này phải mua sữa cho bé My nhưng giờ vẫn chưa gom đủ tiền em ạ. Chắc lại phải vay tạm đâu đó lo cho con thôi!”. Chị Vân chỉ biết nhìn chồng, ánh mắt âu lo.

    Bạn đọc quan tâm liên hệ anh Võ Tấn Quý, tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Điện thoại: 01667156591.

    Nguyễn Đông
     

Chia sẻ trang này