(SGTT.VN) - Câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần” ngày càng lỗi thời, nhất là đối với giới thị dân chung cư. Chữ chung này ban đầu là chữ chúng, sai lâu thành đúng, nhưng nay đã trở lại thành sai: phải gọi là “tư cư” mới hợp thời! Gia đình tôi đang lọt vào một thế giới đầy khoảng cách. Chung cư có một dãy hành lang, người đi qua lại chỉ giương mắt nhìn nhau, một câu chào cũng không, trẻ con đi học về bị kéo ngay vào nhà, đóng kín cửa. Nhà ở trong khu dự án chưa hoàn thành, nhà thuê chuẩn bị hết hạn, bị chủ nhà lấy lại cho con cháu họ dùng, vì vậy, gia đình tôi quyết định tìm thuê nơi khác. Vòng vèo mười ngày trời, chúng tôi tìm được một căn hộ rộng hơn 60m2 với giá 6 triệu đồng một tháng. Nhà rộng, có hai phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp nhưng tường vôi cũ, bong tróc, hai vợ chồng bàn với chủ nhà thuê thợ đến sửa sang, sơn lại, lót nền mới ở được. Nghe vậy, chị chủ xua tay: “Nếu vậy anh chị phải xin phép mấy căn hộ trong dãy nhà này, kẻo tiếng ồn làm phiền lòng họ”. Vậy là hai vợ chồng thay phiên nhau đi xin phép hơn 20 căn hộ cùng tầng với mình. “Việc ai nấy làm, có liên quan gì bọn tôi đâu mà xin phép” – chủ căn hộ nọ nói xong, đóng cửa cái rầm. Vợ chồng tôi cũng biết ý, 8 giờ thợ mới đến làm, 11 giờ trưa đã ngưng. Có hôm do gắng khoan mấy cái lỗ để tra đinh, đi dây điện cho xong, anh thợ làm lố qua hơn 11 giờ, liền nghe tiếng chuông và giọng tằng hắng của chủ nhà bên cạnh: “Các anh chị gì ơi, trưa rồi, phải để chúng tôi nghỉ chứ!” Ngày đầu vào ở, nhà tôi làm bữa cơm thân mật, mang sang mời mỗi nhà một ít. Đến nhà nọ, không có ai ở nhà, chỉ mỗi cô con gái 17 tuổi: “Cháu cảm ơn, nhưng bố mẹ cháu dặn không nhận quà từ người lạ, vậy nhé!” Cửa sắt kéo sập trước gương mặt chưng hửng của tôi. Gia đình tôi đang lọt vào một thế giới đầy khoảng cách. Chung cư có một dãy hành lang, người đi qua lại chỉ giương mắt nhìn nhau, một câu chào cũng không, trẻ con đi học về bị kéo ngay vào nhà, đóng kín cửa. Vài đứa nhỏ ham chơi, trốn mẹ ra hành lang chạy nhảy với mấy trẻ hàng xóm, ngay lập tức bị mẹ gọi về: “Con không sợ mẹ mìn bắt cóc à?” Mặc dù chung cư được bảo vệ an toàn, nhưng vẫn chừa khe hở cho kẻ gian. Hôm tết tây, có gia đình đi chơi nguyên ba ngày, về đến nhà thấy cửa nẻo trống hoác, trong nhà kẻ trộm đã lấy đi tivi, máy tính, máy giặt. Chủ căn hộ đối diện ơ hờ bảo: “Tối hôm trước tôi thấy nhà trống cứ tưởng nhà anh chị đi chơi đã về, biết đâu đấy là ăn trộm”. Thờ ơ với nhau đến thế là cùng! Hôm trước, vợ chồng tôi có việc phải ở lại công ty trễ hơn mọi ngày. Lúc về đến nhà thì hốt hoảng thấy mẹ chồng và con trai hai tuổi của mình còn đứng ngoài hành lang. Thì ra bà dẫn cháu đi chợ, làm thế nào lại khoá trái cửa, đánh rơi chìa khoá bên trong, không cầm theo điện thoại. Không nhớ số con trai, con dâu, vậy là bà cháu ôm nhau đứng lạnh ngắt ngoài hành lang mấy tiếng đồng hồ. Những căn hộ kề bên có người đi làm về, thấy bà cụ hơn 70 tuổi với đứa nhỏ đứng co ro ngoài hành lang mà chẳng thèm hỏi thăm một câu, chẳng cho bà cụ một chỗ trú chân chờ con cháu về. Cả nhà tôi nhìn nhau im lặng, vậy mà tháng nào đi họp tổ dân phố, bác tổ trưởng cứ đề cao tinh thần đoàn kết, chống kẻ tham, giúp đỡ nhau của các thành viên trong khu. Chồng tôi trầm ngâm: “Ở chung cư mà như vầy, riết chúng ta thành người máy sinh học!” LÊ MINH HOA (QUẬN 7, TP.HCM)
Chưa bao giờ con người lại trở nên xa lạ với nhau đến như vậy. Sống trong cùng một chung cư, đã cách nhau bởi các bức tường xi măng cốt thép, còn cách nhau bởi những bức tường thành kiến do chúng ta dựng lên. Thôi thì ai dựng cứ dựng, mình đừng hùn với họ làm gì. Cứ mở lòng bằng sự hiểu biết, người rộng lượng sống mới hạnh phúc, người hẹp hòi làm sao có hạnh phúc?
Mình cũng sống trong chung cư nên phần nào hiểu được cảm nhận của những người đó, chỉ có điều khác là mình sống giữa những người khác màu da, chủng tộc với mình nhưng nơi mình sống vẫn còn thấy được tình người. Có lần nhà mình xảy ra chút sự cố vì có chút sai sót trong hợp đồng về vấn đề điện sinh hoạt nên cả nhà phải chịu mất điện suốt 1 tuần, may mắn thay có gia đình người ANGIERI ở tầng 2 ( mình ở tầng 4 ) đã giúp đở cho gia đình kéo điện để sinh hoạt trong thời gian đó. Thêm một lần mình thấy được tấm lòng của những người không cùng chung tiếng nói, lần đó con trai út của mình bị gãy chân , mình phải đi làm nhà hàng, ông xã thì làm ở hãng, con trai lớn chỉ 5 tuổi còn đang học mẫu giáo, cháu phải bó bột cả tháng trời, hai vợ chồng đâu thể bỏ làm cả tháng để trông nom cháu mà bên đây mình và ông xã lại không có một người thân nào cả, cũng chính gia đình đó lại giúp đỡ mình lần thứ 2, giúp vợ chồng mình trông nom 2 cháu, nói sao cho hết tấm lòng của người đó kia chứ. Nhưng trái lại mình đã từng hụt hẫng, thất vọng chính người Việt Nam của mình sống trên đất Pháp, họ hờ hửng, hờ hửng ngay chính đồng bào của mình.