Khi Sonali Mukherjee chống cự lại 3 kẻ lạ mặt đang cố hãm hiếp mình, cô bị chúng tạt a-xít làm biến dạng cả khuôn mặt. Sonali Mukherjee với khuôn mặt biến dạng vì a xít. Ảnh: AFP Nhưng thay vì che giấu khuôn mặt mình, cô gái 27 tuổi lại quyết định nộp đơn đăng ký tham gia một chương trình được xem nhiều nhất ở Ấn Độ và ra về với phần thưởng cả triệu Rupees. "Nếu bạn có thể nhìn chằm chằm vào bức ảnh một cô gái đẹp thì bạn cũng có thể làm thế khi nhìn thấy gương mặt bị bỏng nặng của tôi", Mukherjee nói với AFP trong căn nhà nhỏ của cô ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. "Những nạn nhân của các vụ tạt a-xít thường ngậm đắng nuốt cay, nhưng tôi thì chọn cách đứng lên và hét thật lớn rằng tôi phản đối bạo lực", Mukherjee nói. 9 năm trước, Mukherjee là một sinh viên tiềm năng tại một trường đại học ở thành phố Dhanbad thì bị ba tên sinh viên đột nhập vào nhà khi cô đang ngủ và định giở trò hãm hiếp. Bị cô gái trẻ cự tuyệt mãnh liệt, bọn tấn công đã trả thù bằng cách tạt a-xít lên mặt cô. Chúng sử dụng một chất lỏng là "Tezaab" thường dùng để lau vết rỉ sắt khiến cho mắt, mũi và tai của cô bị tổn thương nặng. Sau 22 lần trải qua phẫu thuật, Mukherjee vẫn bị mù và điếc một phần. Không có ai trong ba tên này bị kết án sau vụ tấn công. Cả ba đã bị bắt giữ và phải ngồi tù một thời gian nhưng sau đó được trả tự do và vụ án ngày một chìm sâu trong hệ thống pháp lý nổi tiếng là chậm chạp ở Ấn Độ. "Chúng không thể chấp nhận việc bị tôi từ chối nên quyết định phá nát khuôn mặt tôi, cướp đi cuộc sống của tôi", Mukherjee nói. Gia đình của Mukherjee đã phải bán căn nhà hai tầng, ruộng đất, vàng bạc và đàn gia súc để có tiền chi trả cho những hóa đơn thuốc thang của cô. Trong một bức thư gửi cho chính phủ, cô gái trẻ thậm chí còn nói rằng cô thà tự tử - một hành động được xem là bất hợp pháp ở Ấn Độ - còn hơn phải chịu những cơn đau dai dẳng do a xít gây nên. Để có tiền điều trị, tháng trước Mukherjee đăng ký tham gia chương trình truyền hình "Kaun Banega Crorepati" - phiên bản Ấn Độ của game show "Ai là triệu phú". Sau khi được chọn làm ứng viên, cô gái với nghị lực phi thường đã giành được 2,5 triệu Rupees (khoảng 945 triệu đồng) với việc trả lời thành công 10 câu hỏi. Số tiền này sẽ được dùng để trang trải cho các ca phẫu thuật định hình khuôn mặt cho Mukherjee trong năm tới. Dù khoản tiền này là khá lớn nhưng cô gái trẻ cho biết nó vẫn chưa đủ cho mọi hóa đơn thuốc thang của cô. Theo tổ chức từ thiện Acid Survivors Trust International có trụ sở ở London, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1.500 trường hợp bị tạt a xít. Tuy nhiên rất nhiều nạn nhân không dám thông báo lên chính quyền mà thay vào đó chịu đựng trong im lặng. Theo Ngôi sao