Cả 3 đứa con, đứa nào cũng dị tật, không bình thường khiến chị bị mọi người ghét bỏ và đổ tội “không biết đẻ”. Đói nghèo, cơm không đủ bữa ăn, hàng ngày chị còn phải đối mặt với nhiều sự dèm pha từ phía người thân trong gia đình. Một mình lo 3 đứa con, bản thân chị lại bị đánh đập vì tội "không biết đẻ". Trở về đội 12, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định tôi không cầm lòng được khi nghe câu chuyện về người phụ nữ “khổ trăm đường” mà thấy Thích Đàm Huệ (chùa Văn Lâm, xã Nghĩa Lâm) kể lại. Lấy chồng từ thủa mười chín, đôi mươi, cô gái tên Nguyễn Thị Sang được xem là “của quý” nếu nhà nào “rước được” bởi nết ăn, ở hiền lành và chăm chỉ lam làm. Ấy vậy mà cuộc đời lại đi ngược lại với những gì người ta vẫn tưởng, cô gái ấy lâm vào cảnh khổ đủ bề từ đường con cái đến gia đình. Con trai đầu là Trần Văn Thịnh suốt 17 năm qua sống cảnh "không biết gì". Căn nhà nhỏ rộng chừng 10 mét vuông ở vùng quê chiêm chũng “không thiếu gì đất” tưởng như thật khó tồn tại đến thời điểm này nhưng lại là chỗ che mưa, che nắng cho 5 con người tội nghiệp. Một chiếc giường ọp ẹp như sắp gẫy, chiếc tủ nhỏ của người nào đó bỏ đi chị nhặt lại dùng và vài ba đôi dép bị cụt đầu, vẹt đế… là tất cả gia sản của cả nhà chị. Không có lấy 1 chiếc áo cho “ra hồn”, ngượng ngùng chị phải khoác chiếc áo nâu mà nhà chùa cho để ngồi nói chuyện với khách. Duy bị khoèo tay nhưng vẫn chăm chỉ đi bắt cua bán lấy tiền giúp mẹ. Lấy chồng, sinh cháu đầu là Trần Văn Thịnh nhưng bẩm sinh đã không biết gì nên suốt 17 năm qua chị phải chăm bẵm không khác gì một đứa con nhỏ. Công việc duy nhất mà Thịnh có thể làm đó là nằm ăn nhưng mẹ phải bón cơm, rồi cười, hét cả ngày. Không hiểu vì sao con bệnh, chị cũng gắng gượng cho Thịnh đi viện khám nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ nên đành ngậm ngùi nuôi con suốt từ khi sinh đến giờ mà không một lời than vãn. Nụ cười "méo mó" của bé Thúy khiến người mẹ nghèo như có dao cắt trong lòng. Đứa đầu đã thế, đến đứa thứ hai là Trần Văn Duy (11 tuổi) bị dị tật tay khoèo từ nhỏ nhưng thương mẹ vất vả nên ngoài giờ học, em tối ngày đi mò cua lấy tiền bán. Nhìn con, chị Sang chỉ biết gạt nước mắt, nấc nghẹn cho biết: “Tay của cháu không được bình thường như các bạn khác nên thường xuyên đau nhức. Nhưng nó thương tôi yếu không làm được nên cứ quần quật, nắng nóng như thế mà vụ gặt vừa rồi nó còn đi gặt đổi công cho người ta nữa”. Nhắc đến chuyện đi gặt đổi công của con trai, chị Sang càng nức nở, nước mắt ướt nhèm hết cả khuôn mặt. Mới 11 tuổi, em có lớn gì cho cam mà đã phải “quăng” mình dưới cái nắng chói chang của tháng 6 để đi làm. Tay khoèo, vốn đã yếu nhưng chẳng bao giờ thằng bé đòi mẹ đi viện bởi: “Mẹ con chẳng có tiền đâu nên con không hỏi” – cậu bé Duy cho biết. Tình cảnh đáng thương của chị Sang khiến thầy Thích Đàm Huệ vô cùng thương cảm. Hai đứa con không bình thường, khiến chị Sang đau đến thắt ruột. Lần thứ 3 vượt cạn chị mong mỏi ông trời bù đắp cho đứa con lành lặn, khỏe mạnh để làm chỗ dựa tinh thần nhưng không được. Cô con gái Trần Thị Thúy (4 tuổi) có gương mặt đẹp, xinh xắn, đáng yêu nhưng nụ cười méo xệch. Ấy thế nhưng con bé rất hay cười vì nó phải dỗ anh Thịnh không được hét mỗi lần mẹ nấu cơm. Mỗi lần nhìn con như thế, chị Sang chỉ biết cúi đầu để nỗi đau cứ lắng lại ngấm vào từng đường gân, thớ thịt của mình. Ba đứa con đã vậy, bản thân chị Sang mắc đủ các thứ bệnh nên cơ thể yếu ớt, không làm được như mọi người. Hàng xóm của chị Sang kể lại: “Mỗi lần thấy chị Sang ra đồng là chúng tôi lại giật thót tim vì chỉ được chốc lát là chị ngất lăn đùng ra đấy lại phải dìu về nhà. Tội lắm, nếu chị ấy không làm thì không có gì cho lũ trẻ ăn, mà cố gắng gượng làm thì lại như thế”. Ước mơ của chị chỉ là 1 lần được đưa Duy và Thúy lên bệnh viện khám nhưng lực bất tòng tâm. Không có chỗ nào bấu víu, chị Sang còn bị những trận đòn chí mạng, “thừa sống, thiếu chết” từ người chồng khiến nỗi đau càng nhân lên gấp bội. Ấy thế nhưng khi được hỏi, chị tránh đi không trả lời bởi "Anh ấy có thế nào vẫn là bố của 3 đứa con em ạ. Bây giờ anh ấy đi bắt lươn mỗi ngày được mươi, mười lăm nghìn đủ mua cái ăn cho cả nhà. Bản thân chị không làm được gì cả nên không dám kêu ca gì đâu". Nghe chị tâm sự, những người chứng kiến đều cảm thấy xa xót trong lòng bởi có điều gì tội lắm ở người phụ nữ này. Trong tiếng nấc nghẹn đắng, chị chỉ cầu xin được một lần đưa hai đứa bé lên viện để chúng đỡ thiệt thòi nhưng điều mong ước đó không biết đến bao giờ mới thành sự thật? Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Sang (Đội 12, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) Số ĐT: 03503.504.758 Theo Dân trí