Trong năm 2012 có nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng vươn lên nỗ lực và đạt thành tích trong học tập. Hãy cùng Dân trí điểm lại gương mặt một số học trò nghèo vượt khó tiêu biểu trong năm qua. Chàng sinh viên khiếm thị bán vé số nuôi ước mơ Đôi mắt mù bẩm sinh, từ nhỏ Lê Minh Tâm (sinh năm 1990, ở ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đi bán vé số cùng những người anh mù của mình để kiếm sống. Vượt lên khó khăn, chàng trai đó hiện là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Lê Minh Tâm đi bán vé số cùng anh trai Lê Minh Tâm trong một gia đình có 11 người con. Trên Tâm, 4 người anh cũng bị mù, gia đình lại nghèo nên cuộc đời gắn liền với tấm vé số để mưu sinh. Giờ đây, cứ vào cuối tuần, sau những giờ học và sinh hoạt ở trường, Tâm lại ôm cây đàn đi hát rong khắp mọi ngõ ngách tiếp tục tích cóp cho mình những đồng tiền để “nuôi” ước mơ trở thành thầy giáo. Cô gái tật nguyền thi đỗ đại học ở tuổi 25 Bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp phải nằm liệt gần 8 năm nay, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1987, trú thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam) đã đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong niềm ngỡ ngàng của nhiều người. Chiếc nạng đã gắn bó với Nguyệt mấy năm nay để đi lại trong nhà. Ánh Nguyệt đã quyết tâm tự học ở nhà để đi thi đại học mặc cho các khớp tay không cho em cầm chắc cây bút. Nguyệt mượn sách của các em đã học trong xóm, xin đề thi các năm trước rồi tự ôn luyện và giải. Đến khi đăng ký, Nguyệt chọn ngành Sư phạm tiếng Anh vì ước mơ của em sau này trở thành giáo viên. Và em đã đỗ đại học với số điểm “đáng nể” 27,5. Chàng sinh viên cao 1,2m giàu nghị lực Năm nay 22 tuổi nhưng chỉ cao 1,2m, chàng trai giàu nghị lực Nguyễn Thiện Huy quyết tâm vượt khó, trở thành sinh viên đại học. Thiện Huy hiện là sinh viên năm hai Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng. Với chàng SV tí hon này, mỗi ngày đến lớp là mỗi khó khăn mà Huy phải đối mặt, dường như mọi thứ trong lớp học đều không dành cho một cậu SV tí hon với chiều cao ngang tầm một học sinh tiểu học. Thiện Huy làm thêm tại quán cơm gần trường để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Huy tâm sự: “Em luôn phải đứng chép bài suốt buổi học, chân tay mỏi tê cứng, nhiều lúc em muốn bỏ cuộc, từ bỏ mọi ước mơ. Nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ ở nhà đang rất vất vả khổ sở lo cho em và hy vọng vào em và nhờ có sự động viên của bạn bè và thầy cô, em vẫn bước tiếp cùng với nghị lực của mình”. Được biết, ngoài thời gian học, Huy còn tranh thủ đi làm thêm để tự cho cuộc sống của mình. Cô bé 10 tuổi “ở riêng” nuôi em ăn học Mặc dù mới 10 tuổi, nhưng cô bé Ngân Thị Đòa ở bản Chiềng, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã có 3 năm ở một mình cùng hai em trong căn lều dựng tạm bên cạnh trường để nuôi giấc mơ con chữ. Nhà xa trường, sợ bố mẹ không còn cho đi học, cô bé Ngân Thị Đòa năn nỉ xin bố dựng một căn lều tạm bên cạnh Trường tiểu học Trung Lý 2, nơi em đang học để bố mẹ không phải đưa mấy chị em đi học mà Đòa và các em vẫn được theo con chữ. Cô bé Đòa chăm sóc cho các em của mình như một người mẹ. Từ ngày ở riêng, mọi sinh hoạt hằng ngày và chăm sóc các em đều do một tay Đòa lo toan như một người lớn. Dù khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng năm nào cô học trò nhỏ này cũng đều đạt học sinh tiên tiến của trường. Cậu học trò xương thủy tinh 9 năm liền là HS giỏi Từ khi lọt lòng mẹ đến nay, em Nguyễn Trọng Tín (16 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bị gãy chân hơn 20 lần. Càng ngày đôi chân càng teo tóp lại, em không thể tự đi đứng được. Nhưng nhờ nỗ lực vươn lên trong học tập, 9 năm liền cậu học trò xương thủy tinh này đạt danh hiệu HS giỏi. Dù phải chống chọi với bệnh xương thủy tinh, 9 năm liền, em Nguyễn Trọng Tín vẫn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Khi được hỏi ước mơ sau này, Tín nhỏ nhẹ: “Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nghiệp THPT và thi vào ngành Công nghệ thông tin vì chân không đi được nên em thấy nghề đó rất phù hợp”. Theo Dân trí