Ông thầy lang sưu tầm Truyện Kiều chữ Nôm cổ nhất Việt Nam

Thảo luận trong 'VĂN HỌC' bắt đầu bởi Kenbi_Tr, 29/12/11.

  1. Kenbi_Tr

    Kenbi_Tr
    Expand Collapse
    Administrator

    Tham gia:
    12/12/11
    Bài viết:
    264
    Thích đã nhận:
    33
    Money:
    0$
    [Zing.vn] - Sau mấy chục năm lặn lội tích góp sưu tầm đến nay ông là người duy nhất ở Việt Nam sở hữu 52 bản Kiều Nôm cổ khác nhau.

    Duyên nợ với truyện Kiều

    Đó chính là ông Nguyễn Khắc Bảo ở thành phố Bắc Ninh. Khi nhắc đến chuyện này ông tự hào về gốc gác “thầy lang” của nhà mình lắm, theo ông: “Nếu tôi không bỏ nghề dạy học về nối dõi nghề truyền thống của gia đình thì không có điều kiện để nghiên cứu và sưu tầm những bản kiều Nôm cổ. Tức là nghề “thầy lang” gắn tôi lại với truyện Kiều”.

    Ông kể lại ngày trước ông theo học tại trường Hàn Thuyên, cái ngôi trường nổi tiếng nhất nhì xứ kinh bắc thời đó, ông thích học môn toán hơn môn văn và được cử đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, sau đó vào học tại khoa Toán trường Đại Học Sư Phạm và ra làm giáo viên đến năm 1989 thì nghỉ mất sức. Trở về với nghề mà cha ông để lại, ông phải học thêm chữ Hán vì trong những tài liệu đời trước để lại chủ yếu được viết bằng chữ này.

    Thế nhưng cái đặc biệt của sách thuốc này là nửa trên viết bằng chữ Hán, nửa dưới viết bằng thơ Nôm lục bát. Chữ Hán thì đã được cha ông truyền dạy cho đủ làm thuốc. Đến khi về với nghề thuốc ông mới tìm tòi để biết những chỗ được diễn giải bằng chữ Nôm ấy có ý nghĩa như thế nào? Trước đó ông không hề được học hay truyền dạy về chữ Nôm.

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Khắc Bảo hàng ngày vẫn say mê nghiên cứu những bản Kiều Nôm cổ​

    Hàng ngày ngoài việc đọc sách thuốc tìm hiểu một cách bài bản để kiếm kế sinh nhai, khi có thời gian rảnh rỗi ông lại tranh thủ học và tìm hiểu về chữ Nôm. Ông Bảo kể: “Nhờ chịu khó mày mò, tìm hiểu, tôi kế tục nghề truyền thống của gia đình, biết chữ Hán nhưng muốn đọc được chữ Nôm để hiểu ngọn ngành giá trị, ý nghĩa của từng cây thuốc. Thấy trong tủ sách thuốc các cụ để lại có một bản Kiều bằng giấy bản, viết bằng chữ Nôm, tôi lấy ra làm tài liệu để học”.

    Sẵn có kiến thức về chữ Hán nên ông học chữ Nôm rất nhanh. Để bổ sung thêm kiến thức, từ ngữ ông bắt đầu tìm đọc truyện Kiều của các cây đại thụ như cụ Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính, Nguyễn Tài Cẩn…Từ đó ông phát hiện ra một điều là trong bản truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh có chỗ khác với bản Kiều các cụ nhà ông để lại.

    Được biết cụ Đào Duy Anh xây dựng truyện Kiều dựa vào một bản Kiều Nôm cổ. Đối chiếu hai bản này ông thấy có chỗ còn khác nhau.

    [​IMG]
    Một bản Kiều Nôm cổ bị nhầu nát nhưng vẫn được ông trân trọng cất giữ cẩn thận​

    Nhờ những ngày tháng học chữ Nôm trên truyện Kiều, ông cũng không biết mình yêu nó từ bao giờ. Nay lại phát hiện ra vẫn còn những chỗ khác biệt chưa được thống nhất, từ đó ông đặt cho mình một kế hoạch phải đi tìm những bản Kiều cổ khác về đối chiếu để biết vì sao những bản Kiều cổ được khác bằng ván in trên giấy bản lại có sự khác nhau.

    Hành trình gian nan đi tìm những bản Kiều Nôm cổ

    Ông Bảo tự hào rằng: “Hiện tại tôi có 52 bản Kiều Nôm cổ, đây là tài sản vô giá, lớn nhất về Kiều ở Việt Nam. Thư viện Quốc Gia, thư viện Hán Nôm hay tủ sách của những người yêu truyện Kiều (những đại gia yêu truyện Kiều) cũng chỉ có 20 bản và 20 bản đó tôi cũng có, ngoài ra tôi còn có 32 bản nữa mà không nơi nào có”.

    Nhưng ít ai biết được rằng để có được những bản Kiều Nôm cổ đó ông đã phải mất không ít tiền của, công sức thậm chí cả mồ hôi và nước mắt. Cầm chiếc chìa khóa mở tủ và nhẹ nhàng lấy ra một cuốn sách đã nhàu nát ít phần rồi ông kể cho tôi nghe về những tháng ngày long đong Bắc Giang, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh… để sưu tầm Kiều Nôm cổ của mình, ngoài ra ông còn nhờ bạn bè mua ở tận Paris -Pháp, New York -Mỹ.

    [​IMG]
    Những bàn Kiều Nôm cổ được ông xếp ngay ngắn trong tủ​

    Ông tâm sự: “Đa số chủ nhân của những cuốn Kiều Nôm cổ là những nhà nho học hay người hiểu biết, đều đã cao tuổi, họ yêu và giữ gìn còn hơn cả bản thân mình nên để hỏi mua hay mượn đi photo thì khó lắm. Nhưng bằng cách này hay cách khác tôi cứ làm thân dần dần, lân la hỏi chuyện, chia sẻ và trao đổi và kho kiến thức chuyện Kiều, qua đó người ta thấy mình yêu truyện Kiều và có tấm lòng chân thành thì mới mượn đi photo hay mua được. Có nhiều trường hợp thì họ không đòi hỏi gì cả thấy mình nhiệt huyết họ tặng luôn cho mình, nói gọn lại là mỗi bản lại được tìm trong một hoàn cảnh khác nhau”.
    Như các bản: Thịnh Mỹ Đường 1879, Văn Nguyên Đường-Duy Minh Thị 1879, Bảo Hoa Các Duy Minh 1879 được sưu tầm bằng cách đọc tạp chí Xưa và Nay rồi phát hiện ra ông Trương Ngọc Tường ở Tiền Giang có bản truyện Kiều Nôm. Sau đó ông gọi điện đến tòa soạn xin số điện thoại và địa chỉ, sau những lần gọi điện tâm sự trao đổi về chuyện Kiều chẳng mấy chốc họ đã trở thành tri kỷ dù chưa một lần gặp mặt. Khi đã trở thành thân quen ông Bảo mới ngỏ ý mượn bản Kiều của ông Tường để photo và nhờ ông tìm hiểu những bản khác ở trong vùng.

    Ông Tường cũng là người rất yêu chuyện Kiều nên sẵn lòng tìm và photo giúp. Khi cầm nhưng bản Kiều đó trên tay ông Bảo vui mừng khôn tả và không biết trả công bạn mình như thế nào. Đang loay hoay thì chợt nhớ ra là bạn mình cũng là tay chơi đồ cổ có hạng nên ông trả ơn bạn bằng cách tặng những món đồ cổ mà mình có.

    Còn bản Duy Minh Thị 1891, ông biết qua một lần triển lãm sách. Người nắm giữ bản này là linh mục Nguyễn Hữu Triết ở thành phố Hồ Chí Minh, người giành nhiều giải thưởng trong những lần tham gia triển lãm. Sau đó ông nhờ bạn bè, người quen đến thăm và thuyết phục linh mục cho mượn photo làm tài liệu. Hai người chung một sở thích gọi điện hỏi thăm nhau và trao đổi về chuyện Kiều và trở thành thân quen lúc nào không hay.

    [​IMG]
    Những công trình nghiên cứu của ông về truyện Kiều đã được xuất bản thành sách​

    Hay như Quan Văn Đường 1911 được tìm thấy thông qua một “nữ nho” lấy chồng ở Yên Thế-Bắc Giang, trong nhà có một bản Kiều Nôm cổ. Khi cụ về Bắc Ninh ở với con, biết ông Bảo là người yêu thích truyện Kiều nên cụ giới thiệu. Nhận được tin ông Bảo lên đường và tìm về tận nơi hỏi, tìm hiểu và được người chồng của cụ “nữ nho” tặng lại mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào.

    Không quản ngại xa xôi, khó khăn, dù phải dùng cách này hay cách nọ, chỉ cần biết có bản Kiều Nôm cổ là ông Bảo lại lên đường đến tận nơi để tìm hiểu, hỏi mua, mượn photo…Sau những tháng năm miệt mài sưu tầm, đến nay ông là người sở hữu nhiều bản Kiều Nôm cổ nhất ở Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khi tìm hiểu về truyện Kiều đã về nhà ông.

    Trong quá trình đọc và nghiên cứu những bản Kiều Nôm cổ đó ông là người hiệu đính 918 chữ còn bị hiểu sai hay sử dụng trong những ngữ cảnh không hợp lý trong bản Kiều của cụ Đào Duy Anh. Những chữ ông hiệu đính được giới chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này ở Việt Nam công nhận.
    Với việc làm của mình ông Bảo đã giữ lại cho nền văn học nước nhà những bản Kiều Nôm cổ quý giá. Đó cũng là tư liệu minh chứng cho một thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc mà thế hệ ngày nay như đang dần cho vào quên lãng.

    Thiên Hoàng - Theo Bưu Điện Việt Nam
     

Chia sẻ trang này