Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh “tí hon” ngoài Hệ mặt trời, nhỏ hơn sao Thủy và chỉ nhỉnh hơn Mặt trăng đôi chút. Ảnh minh họa của NASA so sánh kích thước của Kepler 37b và các hành tinh khác trong Hệ mặt trời Hành tinh này được gọi là Kepler 37b, có lẽ là một hành tinh đá. Bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 20-2 cho biết nó quay quanh quỹ đạo ngôi sao mẹ theo chu kỳ 13 ngày. Cùng quay quanh ngôi sao này là hai hành tinh khác, một có kích thước bằng 74% Trái đất và một lớn gấp đôi Trái đất. Có công lớn trong phát hiện này là kính viễn vọng Kepler. "Tôi nghĩ đây là một thành tựu công nghệ tuyệt vời mới có thể phát hiện những hành tinh nhỏ như thế này" - nhà thiên văn học Francois Fressin tại Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian nói. Theo tính toán của các nhà thiên văn học, Kepler 37b chỉ bằng khoảng 30% kích thước Trái đất và nhỏ hơn sao Thủy - hành tinh nhỏ nhất trong Hệ mặt trời. Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải là hành tinh nhỏ nhất trong vũ trụ và “kỷ lục” của nó vẫn có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào do các nhà thiên văn học vẫn đang không ngừng tìm kiếm các hành tinh mới với những công cụ và công nghệ tốt hơn. Theo Tuổi trẻ