Tảo độc có thể là nguyên nhân khiến những con mực Jumbo mất khả năng định hướng và lao vào bờ biển tại Mỹ tuần trước. Hàng nghìn con mực Jumbo dạt vào những bờ biển thuộc bang California của Mỹ và chết. Nhiều người đã cố gắng giúp mực bằng cách ném chúng xuống biển, song sau đó chúng lại lao vào bờ. Hiện tượng tương tự xảy ra liên tục trong vài chục năm qua, song các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân. Mới đây William Gilly, một nhà sinh học hải dương của Đại học Stanford tại Mỹ, nói rằng tảo độc có thể là thủ phạm khiến mực dạt vào bờ, Livescience đưa tin. Xác của những con mực Jumbo trên một bãi biển thuộc bang California, Mỹ vào tuần trước. Ảnh: Livescience. “Mực Jumbo luôn dạt vào bờ hàng loạt sau khi tảo độc bùng nổ. Tảo độc tiết ra những chất độc có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh", Gilly nói. Trong mùa thu năm nay, cứ ba tuần tảo độc bùng phát một lần, trùng khớp với những thời điểm mực Jumbo chết tập thể. "Từ thực tế đó, tôi cho rằng tảo độc liên quan tới những vụ mắc cạn hàng loạt của mực Jumbo”, Gilly giải thích. Theo Gilly, nhiều nhà khoa học khác cũng nghĩ rằng tảo độc tiết ra axit domoic, chất có thể khiến mực mất khả năng định hướng. Khi các nhà khoa học phân tích hóa chất trong xác mực Jumbo trên bờ biển, họ phát hiện axit domoic. Nếu nồng độ axit domoic trong cơ thể động vật tăng lên mức cao, nó có thể khiến chúng phát cuồng. Sau đó động vật sẽ giãy giụa liên tục tới khi chúng chết. Giới chuyên gia y tế khẳng định rằng, nếu con người ăn mực nhiễm tảo độc, họ cũng sẽ ngộ độc vì axit domoic phá hủy thùy hải mã, trung tâm kiểm soát trí nhớ trong não. Theo VnExpress