Nhằm thắt chặt thẩm định ca khúc, những ca từ biểu thị điềm gở như "chết", "đi xuống"... có thể bị Bộ Văn hóa Trung Quốc cấm xuất hiện trong các bài hát. Theo Ifeng, ngày 28/10, nhạc sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất nổi tiếng Trung Quốc Cao Hiểu Tùng cho biết, công tác thẩm định âm nhạc ở nước này hiện nay gắt gao hơn bao giờ hết. Lời bài hát sẽ không được phép xuất hiện những chữ biểu thị điềm gở như “tử”, “đi xuống”… “Một ca sĩ đang 'chết dở' vì hát bài ‘Dù chết vẫn yêu’, tôi khuyên mọi người cẩn thận”, Weibo của Cao Hiểu Tùng viết. Nhạc sĩ Cao Hiểu Tùng. Ảnh: Ifeng. Phát ngôn của Cao Hiểu Tùng lập tức dấy lên làn sóng bàn tán trong dư luận. Một số người lo ngại không còn được “muốn hát gì thì hát”, cũng có nhiều người đưa ra cách sửa lời nhằm lọt qua vòng kiểm duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Đối với bài Dù chết vẫn yêu, có người đề xuất nên sửa thành: “Không còn sống nữa vẫn yêu”, "hy sinh rồi vẫn yêu" thậm chí "được xây bia mộ rồi vẫn yêu"… . Trước phản ứng của dư luận, một công chức thuộc Bộ Văn hóa Trung Quốc nói: “Đúng là Bộ sẽ nghiêm khắc hơn trong việc thẩm định ca khúc nhưng không đến nỗi cấm cả chữ ‘tử’. Chúng tôi sẽ kiểm duyệt gắt gao hơn đối với nội dung bài hát”. Một vị quản lý công ty băng đĩa nói: “Hiện nay, Bộ tổ chức họp tập thể để bàn về từng bài hát hay băng đĩa nhạc mới. Dù chỉ còn một ý kiến không đồng ý, sản phẩm đó sẽ không được phát hành, vì vậy số lượng được thông qua sẽ giảm đi nhiều”. Ca sĩ nổi tiếng Thái Y Lâm. Ảnh: Sina. Bài báo dẫn chứng một số ca khúc không lọt qua vòng thẩm định. Năm 2007, Thái Y Lâm phát hành album “Đặc vụ J”. Hai chữ “Đặc vụ” không được chấp nhận nên sau đó bị đổi lại là “Nhiệm vụ tình yêu”. Ngoài ra, chữ “gián điệp” xuất hiện trong một bài hát thuộc album cũng bị yêu cầu sửa lại. Bài hát tên là “Hạ lưu” của Hoàng Diệu Minh cũng bị yêu cầu sửa lại thành "Nghịch lưu" (Ngược dòng chảy). Không chỉ nhạc nội, nhạc ngoại khi du nhập vào Trung Quốc cũng bị kiểm soát gắt gao. Trong album “Believe”của Justin Bieber có một bài hát xuất hiện chữ “bitch”(điếm, kỹ nữ). Chữ này không được Bộ chấp nhận nên ca khúc bị loại ra khỏi album khi phát hành tại Trung Quốc. Trước chủ trương thắt chặt kiểm duyệt ca từ, dư luận Trung Quốc có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận độc giả cho rằng quá khắt khe trong khâu thẩm định sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của âm nhạc. Bộ phận khác đồng tình với điều này. Những ý kiến đồng tình cho rằng, họ mệt mỏi khi phải nghe những câu từ thô thiển, nhảm nhí. Tuy nhiên, theo họ, người làm công tác thẩm định phải xem xét nhiều khía cạnh, đặc biệt phải theo kịp xu hướng đang thay đổi mỗi ngày. “Âm nhạc xuất phát từ tình cảm con người, nếu quá gượng ép, bài hát sẽ chẳng còn giá trị gì nữa”, một người làm trong lĩnh vực âm nhạc nói. Người nghe nhạc Việt Nam cũng không khỏi ngán ngẩm trước những "thảm họa âm nhạc" những năm gần đây. Những tên ca khúc giật gân như Theo tình tình phụ phụ tình tình theo, Thế giới thứ ba, Buông xuôi cho số kiếp, Vọng cổ teen, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông... Những clip táo bạo, khoe xác thịt hơn là biểu diễn âm nhạc... khiến nhiều người dần mất đi niềm tin vào nhạc Việt. Một độc giả từng chia sẻ với VnExpress.net: "Bản thân tôi là một người trẻ nhưng không thể chịu được một số ca khúc thị trường bây giờ. Thực sự tôi không hiểu tại sao cảm nhận về âm nhạc của một bộ phận thế hệ trẻ bây giờ lại quá ư dễ dãi đến thế, tới mức cẩu thả". Ví dụ về những ca khúc không được Bộ Văn hóa Trung Quốc thông qua Ca sĩ Đào Triết - Bài hát Đồ khốn nạn trong album DavidTap bị cắt bỏ vì “không nhã nhặn, không trong sáng”. - Bài hát Tin thời sự đêm nay bị cắt bỏ vì lời bài hát xuất hiện "nhiều tin thời sự không lành mạnh". - Bài hát Quỷ bị cắt bỏ vì được cho là ủng hộ “mê tín”. Ca sĩ Trần Dịch Tấn - Ca khúc xuất hiện chữ “phân” bị cắt bỏ vì thô tục. - Bài hát Động vật bậc thấp bị cắt bỏ vì có ý khiêu khích về tình dục, giới tính… Theo VnExpress