Vài tháng trở lại đây, người dân một số xã ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đua nhau vào rừng đào bới, săn lùng thảo dược để bán cho các thương lái. Các thảo dược mà người dân đổ xô lùng sục gồm: nấm chân voi, nấm linh chi, cây hoàng đằng, cây cốt toái, sâm bảy lá, cây kim cương, rễ cây ka na… Trong đó, rễ cây ka na được các thương lái thu mua rất mạnh với giá cao. Tuy nhiên, các thương lái chỉ thu mua loại rễ to bằng một, hai ngón tay mà không mua cây cũng như rễ nhỏ quá hoặc to quá. Sau khi người dân đào và chặt rễ cây ka na thì khoảng 1 tuần sau, cây này sẽ tự động héo lá rồi chết dần. Rễ cây ka na được thu gom tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông Không chỉ cây ka na mà vài tuần trở lại đây, cây kim cương cũng được các thương lái tìm mua ráo riết nên rất nhiều người dân, trẻ em vào rừng săn tìm cây kim cương, nhổ cả gốc lẫn rễ. Chính vì thương lái thu gom với giá khá cao và không hạn chế số lượng, hơn nữa các loại thảo dược mọc sẵn trong rừng, nên mỗi ngày từ sáng sớm đã xuất hiện những nhóm người cơm đùm gạo bới, cuốc bộ nhiều cây số trong rừng để khai thác thảo dược. Chiều đến, các thương lái đi dạo bằng xe máy vào tận các bìa rừng và các hàng quán ở các thôn, làng để thu gom. Một đại lý thu mua ở xã Bờ Ê, huyện Kon Plông, cho hay: “Thường thì một tuần sẽ có ô tô từ Quảng Ngãi lên gom hàng một lần. Họ nói thu mua chở ra Hà Nội rồi bán cho các thương lái người Trung Quốc”. Ngoài huyện Kon Plông, ở một số huyện khác của tỉnh Kon Tum cũng xảy tình trạng săn lùng thảo dược. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, thì với kiểu khai thác tận diệt như vậy, các loại thảo dược ở Kon Tum sẽ dần bị xóa sổ và dẫn đến nhiều hệ lụy: Môi trường sinh thái bị đe dọa, an ninh trật tự bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân dễ xáo trộn… Nguyễn Đắc (Theo Thanh niên)