(Vnexpress) - Về làng Xuân La (Hà Nội) dịp cận Tết, đập vào mắt là cảnh đàn ông chuẩn bị hòm gỗ, xe đạp, quần áo để đi xa. “Tết là dịp mọi người về quê sum họp, nhưng lại là mùa để người Xuân La xa gia đình, sau đó mới về ăn Tết muộn”, anh Đặng Văn Nhơn, 30 tuổi, nói. Ở làng Xuân La (xã Phượng Rực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), họ Đặng là một chi rất lớn. Những năm 2000, trong làng có cụ Đặng Văn Tố được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian. Tuổi thơ những đứa trẻ vùng quê này quá quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ thỉnh thoảng ngồi trước cổng trường nặn Tôn Ngộ Không, các con giống, hoa, lá… để làm vui lũ học trò. Cụ Tố từng đại diện cho những làng nghề Việt Nam đi biểu diễn nặn tò he ở khắp các hội chợ, lễ hội trong Nam, ngoài Bắc. Thậm chí, ở cái tuổi gần 90 cụ còn được mời đi nước ngoài để nặn tò he. Giờ cụ đã mất. Những người già, trung tuổi ở làng Xuân La có hòm đồ nghề đã đành, kể cả đám thanh niên đi học đại học có nghề nghiệp đàng hoàng cũng vẫn có hòm đồ nghề nặn tò he. Được nghỉ Tết, mọi người sẽ chuẩn bị bột, chiếc hòm hình chữ nhật, bên trong có một chiếc lược nhỏ, những que vót khoảng 20 - 30 phân (cm), ba cục bột to đánh với ba màu cơ bản để chuẩn bị làm ăn. Người đi gần thì đến các làng lân cận, xa hơn thì đến Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả đất Mũi Cà Mau. Người làng Xuân La có thể nặn bất cứ cái gì, sinh động đến từng chi tiết chỉ bằng mấy động tác vê bột, xoay ngón tay cái và ngón trỏ … Ảnh: Lâm Tuyền. Bí quyết của người làng Xuân La khi nặn tò he hết sức đơn giản: chỉ một nắm bột nếp được đánh nhuyễn, nấu đủ chín (không được chín quá, nhưng không được sống sượng quá), dẻo mà không dính tay; ba loại màu cơ bản trộn với bột sau đó trộn thành những màu khác nhau rồi véo mỗi cục chỉ hơn đầu ngón tay cái một ít, để riêng ra. Tiếp đó là nặn, rồi lại pha bột, mỗi thứ chỉ véo một tí tẹo đắp vào que tre, dùng ngón cái và ngón trỏ vê bột, lấy cái lược ấn, miết mà thành Tôn Ngộ Không, Thánh Gióng và đủ thứ... Chỉ vậy thôi mà nếu không phải người làng Xuân La, không ăn cơm, uống nước ở đây sẽ không sao học được. Ông Nguyễn Văn Thuận là người nặn tò he nổi tiếng vào bậc nhất trong làng Xuân La (chỉ sau nghệ nhân Đặng Văn Tố) kể: “Ngày xưa, làng Xuân La nghèo lắm. Đến tết, trẻ con không có quà để chơi. Ông cha ta mới nghĩ ra cách lấy đất sét, nặn những con giống, lấy rơm rạ nung, rồi lấy gạch non quét màu, phơi khô mang cho trẻ con chơi. Bọn trẻ thổi kêu toe toe nên người ta gọi là tò he”. Sau đó, người ta nặn bột nếp thành tò he, trẻ con chơi xong có thể ăn đồ chơi. Người Xuân La gắn bó với nghề tò he bất kể thời cuộc. Trẻ con cứ 7 - 8 tuổi là nặn tò he giỏi. Họ tha hương khắp nơi. Ông Thuận trong lần sang Nhật nặn tò he. Ảnh: Lâm Tuyền. Năm 2005, ông Nguyễn Văn Thuận đã sang Nhật để nặn tò he trong một triển lãm tại đây. Ông nặn thầy trò Đường Tăng, xe loan, công, phượng, … Nhưng người Nhật nghi ngờ công việc của ông là bắt chước theo một mô típ có sẵn. Họ yêu cầu phiên dịch đề nghị ông nặn hình con Pokemon của họ. Ông Thuận, một người đàn ông thuần nông, suốt ngày đạp xe bạc mặt ngoài đường, hết mùa lễ hội về quê cấy lúa, làm gì có thời gian xem phim hoạt hình mà biết Pokemon. Nhưng ông nhìn tranh và nặn ra một con Pokemon có hồn hơn cả bức ảnh. Những người có mặt đã xúm lại quầy tò he của ông để đợi ông nặn những hình theo mong muốn. Con trai ông Nguyễn Văn Thuận cũng đang vào tận TPHCM hành nghề, 5 năm rồi mà vẫn chưa về nhà được. “Nặn tò he bạc lắm! Tha hương cả năm, có khi Tết không về nhà được. Nói đây là nghề thì bạc quá! Vì nghề phải nuôi nổi người, làm người ta sung túc. Nhưng nặn tò he thì không thể làm người ta sung túc nổi …”, ông Thuận chia sẻ. Đã có thời, tò he còn bị cấm vì nhà nước cho rằng nghề đó gây lãng phí. Mỗi ngày một người nặn tò he của làng Xuân La sẽ đổ đi ít nhất 1kg gạo nếp, mà làng có khoảng hơn 200 người đi nặn tò he. Vậy nên chơi tò he bị coi là thú chơi không tiết kiệm. Anh Nguyễn Văn Việt, nguyên trưởng thôn Xuân La tâm sự: “Thật sự bây giờ thế hệ trẻ ở làng có biết nặn tò he nhưng chúng tôi khuyến khích các cháu đi học nghề khác và học đại học để thay đổi bộ mặt của làng. Chúng tôi vẫn tự hào về nghề truyền trống nhưng giờ nó chỉ có ý nghĩa văn hóa mà thôi”. Tết đến, xuân về, dạo qua các phố phường của Hà Nội, thấy bạt ngàn đồ chơi, đồ lưu niệm xuất xứ từ Trung Quốc. Không biết đến bao giờ tò he mới hết cảnh lênh đênh? Không biết thế hệ trẻ của làng Xuân La có còn thấy tha hương trong mấy ngày Tết là điều đáng tự hào của quê hương? Lâm Tuyền
Bài viết dễ thương quá, Tò he bây giờ nhiều khi được nặn trong khách sạn 5sao hay nhà hàng sang trọng để con nít mua vui không quấy rầy người lớn đang bàn "công việc'. Thương thay thân phận Tò he Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh Bầm dập trong tay người thợ nặn Chỉ để mua vui ít canh giờ.