“Không ai muốn ngoài giờ dạy và làm việc cả ngày mệt nhoài lại phải xách cặp đi dạy thêm. Tuy nhiên hiện nhiều người đã và đang phải làm, vì nhiều nguyên do khác nhau nhưng chắc chắn không phải để làm giàu”. ThS Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định. Không riêng gì ông Lê Hồng Sơn mà đa số ý kiến tham gia buổi tọa đàm “Người thầy - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 8-11 đều tập trung vào vấn đề đời sống và chế độ dành cho nhà giáo. Lương giáo viên thấp hơn tài xế TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên phó trưởng Ban tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM, làm “nóng” hội trường bằng lập luận: “Nguyện vọng số 1 của nhà giáo là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và cả nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. Một đòi hỏi chính đáng và rất tối thiểu mà mấy đời bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được. Trong khi đó, những ngành nghề khác không hề được tôn vinh là quốc sách hàng đầu lại có thu nhập cao hơn ngành GD-ĐT nhiều”. Ông Hùng đưa ra một ví dụ: báo chí phản ánh thu nhập của cán bộ văn phòng thuộc Tập đoàn Điện lực VN trung bình 30 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,5 lần lương tột bậc của giáo sư. Lương của nhân viên đánh máy, người lái xe cơ quan bậc 1 có hệ số 1,87 (theo nghị định 204 của Chính phủ ban hành ngày 20-12-2004), trong khi lương của giáo viên mầm non bậc 1 có hệ số 1,86. TS Hồ Thiệu Hùng khá gay gắt: “Thử hình dung xem, trường mẫu giáo không hoạt động trong ngày làm việc thì cha mẹ học sinh sẽ lúng túng đến cỡ nào, công sở sẽ bối rối ra sao khi có sự hiện diện và nghịch ngợm của trẻ con... Thế mà lương của giáo viên lại thấp hơn lương của lái xe. Vậy thì trong khi giáo dục chưa thành quốc sách hàng đầu, trong khi Nhà nước chưa thể trả lương cho nhà giáo đủ sống thì hãy đối xử với nghề nhà giáo bình đẳng như những nghề khác. Nhà giáo được làm thêm để có thêm thu nhập bằng nghề dạy học như một công dân lương thiện. Bác sĩ mở phòng mạch tư được, vậy tại sao lại coi dạy thêm là biểu hiện tham nhũng trong giáo dục?”. TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phản ảnh: “Lương thấp, hầu hết giáo viên phải làm thêm hoặc dựa vào gia đình, người thân. Quan điểm sư phạm và yêu cầu nhiệm vụ được giao đang mâu thuẫn mà người giáo viên phải tự giải quyết. Sự dằn vặt của các thầy cô giữa một bên là yêu cầu dạy người, một bên là hệ thống giá trị sư phạm từ chương, khoa bảng, hình thức. Trong khi đó, mặt trái của cơ chế thị trường bắt đầu ảnh hưởng: một số phụ huynh xem giáo viên như người làm thuê, là người có trách nhiệm trông coi và dạy dỗ con em họ. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ đó bị mai một, đạo nghĩa thầy - trò không còn đậm đà như xưa”. Tránh cào bằng Theo TS Huỳnh Công Minh: “Yêu cầu người giáo viên ngày nay phải là nhà thiết kế về nội dung giảng dạy và lộ trình hình thành nhân cách. Do đó, ngoài trình độ được đào tạo và tự học, tự rèn, nhà giáo phải có đời sống đầy đủ, thanh cao, tự tin, không phải bươn chải vất vả trong cuộc sống bon chen, chụp giật. Sự rèn luyện và cuộc sống thanh cao ấy sẽ giúp giáo viên thoát khỏi đời sống tầm thường, thấp kém và những ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường để đến với học sinh, hình thành cho trẻ nhân cách tốt đẹp bằng chính hình ảnh chân thật và thanh cao của mình trong cuộc sống”. Làm sao có được và giữ được hình ảnh chân thật và thanh cao ấy? Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng đề xuất: tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo song song với việc nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho họ. GS.TS Phan Thị Tươi, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng: “Tôi nghĩ không chỉ hỗ trợ về đời sống vật chất cho đội ngũ giáo viên khi lễ tết mà phải có chính sách bền vững để giáo viên sống bằng lương. Vì nhà giáo không muốn nhờ “sự thương hại” của xã hội. Họ cần sự tôn trọng thật sự của xã hội”. “Để làm được điều đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo và tôn vinh đội ngũ giáo viên. Xây dựng chế độ lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên đúng với tính chất đặc thù lao động, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển chuyên môn. Có chính sách khuyến khích nhưng phải tránh cào bằng mà cần rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên. Tùy theo năng lực, mỗi giáo viên sẽ được hưởng chính sách khác nhau. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT nên kiên quyết sàng lọc những người không có tâm, không đủ tài ra khỏi đội ngũ” - TS Nguyễn Đắc Hưng đưa ra ý kiến. Theo Tuổi trẻ
Nhìn hiện tượng bao giờ cũng có 2 mặt của nó, việc dạy thêm tốt xấu đều do người dạy chứ đâu phải do dạy thêm. Bàn luận dạy thêm hay không dạy thêm có ích gì? Đã là một người Thầy, tức tự khắc biết khi nào cần dạy và khi nào không, vậy có nên chăng quay lại vấn đề: Nghiệp làm Thầy?