Sau rất nhiều quyết tâm, cuối cùng ngày 1/11, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) có được cái bắt tay của các trang mạng âm nhạc thực hiện thu phí bản quyền nhạc số. Zing, nhaccuatui, Socbay... là những Website thí điểm thu phíbản quyền tải nhạc.Ảnh: TL Tuy nhiên, những khó khăn mà các đơn vị này lường trước cũng chưa thấm vào đâu so với thực tế diễn ra. Người trong cuộc thiếu tin tưởng 15 trang web nghe nhạc lớn nhất hiện nay (Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info...) thực hiện việc thu phí tải nhạc là quá ít trong tổng số 150 website cho phép tải nhạc trực tuyến hiện nay. Đây chính là điểm bất hợp lý đầu tiên của RIAV khi tiến hành thử nghiệm tác quyền nhạc số. Chính vì vậy, dù quy định thu phí đã diễn ra được 3 ngày, nhưng khi chúng tôi thử vào trang socbay.com để nghe thử một bản nhạc “Cảm ơn nhé tình yêu” của nhạc sĩ Mạnh Quân, được chuẩn hóa 320 kbps chất lượng cao- một tiêu chuẩn để trả tiền khi nghe nhạc- thao tác tải nhạc về máy tính vẫn diễn ra một cách trơn tru mà không bị chặn hay đòi hỏi phải trả tiền. 1.000 đồng để tải một bản nhạc chất lượng cao - như cam kết của RIAV không phải là quá cao so với việc khán giả phải bỏ tiền để mua một album gốc có giá từ 70.000-150.000 đồng. Tuy nhiên, trên các trang web thực hiện thử nghiệm thu phí đều không có chỉ dẫn rõ ràng với những ca khúc nào thì mất tiền, ca khúc nào được nghe/tải miễn phí. Điều này cho thấy, bản thân các đơn vị cung cấp nhạc số cũng không mấy thiết tha với quyết tâm của RIAV, nếu như không muốn nói quyết định “nửa vời” này có thể khiến họ sụt giảm doanh thu. Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: “Bản thân cách tính toán để thu phí của RIAV và các trang mạng ngay từ đầu đã thiếu khả thi. Trên thế giới không ai làm như thế cả". Mong muốn và tiến tới thực hiện sự công bằng trong vấn đề tác quyền bằng cách nghe thì phải trả tiền nhưng lại chỉ thực hiện với 100 album (khoảng 1.000 ca khúc của các ca sĩ có tên tuổi), còn lại thì vẫn được nghe và tải thoải mái. Điều này vô hình trung sẽ khiến các khách hàng của 15 trang web “bỏ rơi” họ để tìm đến với những trang web chưa thực hiện thu phí tác quyền. Còn nhạc sĩ Phú Quang không mấy tin tưởng vào cách làm của RIAV hay Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Phó Đức Phương. “Ai cũng biết làm việc này bây giờ là quá muộn, nhưng trở ngại lớn nhất của chúng ta chính là thói quen nghe “chùa” quá lâu và quá sâu. Để thu được tiền không thể trông chờ vào quyết tâm của các đơn vị trung gian mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ VH,TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi chưa có được sự đồng lòng này, tôi tình nguyện để cho người ta “ăn cắp” nhạc của mình”. Các trang mạng cũng chưa kỳ vọng nhiều Theo thống kê của RIAV, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 25 triệu người nghe nhạc trên Internet, 6 triệu người nghe nhạc trên điện thoại di động. Nếu tác quyền nhạc số được thực hiện, giá trị thu về sẽ lên đến vài chục tỷ đồng. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận được Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Crop đề nghị con số 55% cho tác quyền và 45% cho các website (trên thế giới, tỉ lệ này được tính 70% cho tác giả, còn 30% dành cho các đơn vị phân phối và website). Tuy nhiên, thói quen của người nghe nhạc hiện nay chủ yếu là nghe trực tiếp trên các trang web chứ ít khi tải về, nhất là khách hàng dùng 3G, việc tải nhạc lại ít diễn ra vì như thế đồng nghĩa với việc mất thêm dung lượng tải về. Chính vì vậy, việc tính phí tải nhạc sẽ càng khó khả thi hơn khi phần lớn người nghe nhạc sẵn sàng chấp nhận nghe trực tiếp hơn là bỏ ra 1.000 đồng để tải về máy mà chất lượng không khác là bao. Mong muốn của các đơn vị cung cấp nhạc số hiện nay khi tiến hành thử nghiệm là chưa trông chờ vào số tiền hơn 20 tỷ từ việc thu phí, mà xa hơn, họ muốn hướng đến nhóm khách hàng tôn trọng bản quyền âm nhạc. Được biết, quá trình thử nghiệm này sẽ kéo dài đến hết năm 2012 và chính thức triển khai thu phí vào đầu năm 2013. Theo Gia đình