Mệt mỏi khi bệnh viêm xoang hay tái phát khiến nhiều người tìm đến các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc được quảng cáo là “gia truyền” có tác dụng nhanh chóng. Sau một thời gian dùng thuốc, nhiều người gặp phải phản ứng phụ. Những loại thuốc trị viêm xoang không nhãn hiệu, nguồn gốc thế này được bày bán nhiều ở các tiệm tạp hóa - Ảnh: Ngọc Nga Tại TP.HCM, những loại thuốc viêm xoang gia truyền không nhãn mác, không đăng ký có thể được bày bán ở các tiệm tạp hóa như một mặt hàng bình thường. Thuốc không nhãn mác Những tiệm tạp hóa này thường tập trung tại các quận vùng ven thành phố. Hầu hết những người bán đều quảng cáo là thuốc gia truyền của chính gia đình, ông bà mình làm. Nhưng thực tế nhiều tiệm tạp hóa này chỉ là nơi bỏ mối bán lại từ những người chuyên chế biến thuốc. Ở một tiệm tạp hóa nhỏ nằm trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7), chúng tôi thấy trước cửa tiệm có tấm biển sơ sài “Thuốc trị viêm xoang gia truyền, công hiệu nhanh chóng”. Sau một hồi bới tung góc hàng, bà chủ tiệm đưa ra mấy hộp thuốc màu xanh chỉ ghi “Thuốc trị viêm xoang gia truyền, công hiệu như thần”. Bà chủ quảng cáo: “Thuốc này từ ông cụ cố nhà tui để lại. Nhiều người tận miền Tây lên mua thuốc mà có hôm chẳng có để bán”. Khi chúng tôi tỏ vẻ e ngại thuốc không có nhãn hiệu, bà này trấn an: “Thuốc gia truyền thì làm nhãn hiệu chi cho mất công. Thuốc này toàn là thảo dược nên an toàn lắm, uống nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu”. Tại một tiệm tạp hóa khác treo bảng có bán thuốc viêm xoang gia truyền nằm trên đường Hồ Bá Phấn (Q.9), bà chủ cũng quảng cáo là thuốc do cụ tổ từ ngoài Bắc bào chế, lưu truyền đã mấy đời. Không chỉ được bán ở các tiệm tạp hóa, những loại thuốc trị viêm xoang này còn được bán trên mạng với ì xèo những lời quảng cáo “công hiệu như thần”, “không khỏi trả lại tiền”, “đảm bảo 100% dứt bệnh”! Hiệu quả nhanh, nhưng... Chị N.T.T., công nhân một công ty may mặc tại Q.7, bị viêm xoang đã lâu. Công việc phải tiếp xúc với bụi vải nhiều khiến bệnh tình chị T. ngày càng nặng. Nghe người quen mách nước, chị cũng tìm mua mấy lọ thuốc trị viêm xoang gia truyền ở tiệm tạp hóa để hít. Ngay sau khi dùng thuốc, chị T. thấy nhẹ nhõm, ăn ngủ rất ngon. Quá vui mừng, chị tiếp tục mua thuốc. Thế nhưng dùng thuốc đến tuần thứ ba thì chị T. bắt đầu có hiện tượng tăng cân nhanh chóng, chân tay mọc nhiều lông, mặt nặng nề khó chịu, ở đùi xuất hiện những vết rạn da. Đi khám ở bệnh viện, chị T. mới được các bác sĩ cho biết chị bị tác dụng phụ do dùng corticoid quá liều. Theo bác sĩ Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM, hằng ngày Viện Y học dân tộc TP.HCM phải tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân tương tự chị T. do dùng các loại thuốc đông y gia truyền trôi nổi trên thị trường, không kiểm định. Viêm mũi xoang là bệnh dễ bị tái phát nên người bệnh thường chán nản với quá trình điều trị và tìm đến các thuốc có tác dụng nhanh chóng. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều loại thuốc đông y không được đăng ký đã trộn các chất tân dược thuộc nhóm corticoid. Đây là một chất kháng viêm, giảm đau tốt, tác dụng nhanh nhưng có nhiều tác dụng phụ nên khi dùng phải được sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Điều nguy hiểm là nhiều người không biết dẫn đến quá liều corticoid. Theo bác sĩ Năm, những tác dụng phụ thường gặp khi dùng corticoid quá liều là: hội chứng cushin (mặt tròn, người mập ra nhưng chân tay khẳng khiu, mệt mỏi, cáu gắt, mọc nhiều lông, rạn da, cơ yếu...), giữ nước, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, loãng xương... Bác sĩ TRẦN HỮU VINH (trưởng phòng quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM): Không tự ý mua và sử dụng thuốc trôi nổi Những loại sản phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác được bán ở tiệm tạp hóa thì không thể gọi là thuốc. Thuốc đông y gia truyền khi muốn lưu hành trên thị trường phải được đăng ký, quản lý, có nhãn mác ghi nguồn gốc, liều dùng, thành phần... rõ ràng. Khi bị bệnh, nếu muốn sử dụng thuốc đông dược, người bệnh nên đến các những cơ sở y tế uy tín đã được cấp phép để được khám, kê toa và mua thuốc. Không nên tự ý mua và sử dụng các loại trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Theo Tuổi trẻ