Trong khi nhiều học sinh ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) “bóp miệng” ăn uống, chi tiêu hàng tháng thậm chí phải ăn rau, ăn muối thì số tiền mà nhà nước hỗ trợ lại không đến được tay các em. Nhiều phụ huynh nhận tiền hỗ trợ của con về mua sắm trong gia đình. Đó cũng là điều khiến chúng tôi chạnh lòng khi chứng kiến cuộc sống khó khăn của các em học sinh (HS) trong chuyến công tác lên huyện vùng cao Mường Lát - huyện xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Học sinh “bóp miệng” vì thiếu thốn Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ không chỉ về đời sống mà còn cả về việc học hành của các em HS vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định, HS tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập 70.000đ/tháng; Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg đối với HS bán trú tại trường Phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu. Tiền hỗ trợ của Nhà nước là nhằm mục đích phục vụ cho việc ăn ở và học tập. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền lẽ ra phục vụ việc ăn học hàng tháng cho các em, thì theo quy định chỉ được cấp thành hai đợt, điều này đã nảy sinh những bất cập. Nhiều học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn phải ăn cơm với muối trắng, rau rừng. Thầy Nguyễn Văn Hà - Hiệu phó Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát cho biết: “Mỗi năm nhà trường nhận tiền hỗ trợ hai đợt, đợt một vào tháng 9 hàng năm, đợt hai vào tháng 1 năm sau và tổ chức phát cho các em HS. Do số tiền lớn nên nhà trường phải liên hệ phụ huynh đến nhận vì không dám giao cho HS. Phụ huynh giữ tiền đó và đưa lại cho các em HS”. Thầy giáo Nguyễn Văn Hà - Hiệu phó trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát chia sẻ với PV. Con đường tìm đến cái chữ của các em còn nhiều khó khăn. Các em là những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” mà phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, trọ học trong những căn lều tranh vách nứa, "mưa tới mặt, nắng tới đầu" để quyết tâm theo con chữ. Vào mùa giáp hạt từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, có những thời điểm, nhiều HS nơi đây phải ăn cơm với muối trắng và rau rừng. Có nhiều em do khó khăn không có gạo ăn phải bỏ học về theo gia đình đi làm nương, làm rẫy. Nhà trường cùng với chính quyền địa phương đến tận nhà vận động mãi cũng không chịu trở lại trường đi học do cái ăn của đa phần đồng bào dân tộc ở đây vẫn lớn hơn con chữ. Vì tương lai mà nhiều em đã phải tự mình bươn chải, lam lũ với cuộc sống xa gia đình, một mình tự lập để theo học chữ. Gặp chúng tôi, em Giàng ANáy, lớp 9A, nhà ở bàn Trung Thắng tâm sự: “Nhà xa trường, mỗi tuần chỉ về nhà lấy gạo với tiền được có một lần. Gia đình em cũng chỉ làm nương nên không có nhiều tiền với gạo cho. Phải cố gắng tiết kiệm mới đủ. Số tiền được thầy cô phát cho, bố mẹ giữ hết, lâu lâu mới đưa cho một ít lấy tiền tiêu thôi”. Điều kiện ăn, ở của các em HS nơi vùng cao còn nhiều khó khăn. Em Hoàng Thị Bình, lớp 9A nhà ở bản Muống 1 cũng chung tâm trạng: “Khi nhà trường phát tiền thì bố mẹ nhận hết vì gia đình em có 3 anh chị em đi học, số tiền lớn nên phải có bố mẹ. Nhận tiền về bố mẹ mua sắm hết các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình. Khi xin tiền đi học bố mẹ nói phải đi làm nương mới có tiền để cho”. Không chỉ em Náy hay Bình mà nhiều HS nơi đây đều chung hoàn cảnh tương tự. Dù số tiền nhà nước hỗ trợ đủ để các em ăn học hàng tháng, nhưng trên thực tế khi đến tay HS lại rất ít. Phụ huynh lấy tiền hỗ trợ của con… mua điện thoại Qua tìm hiểu của PV Dân trí tại Trường THCS Mường Lý thì trong năm học vừa qua, chỉ tính riêng tiền trợ cấp hàng tháng cho HS nhà trường đã chi trả hơn 1 tỷ đồng. Đáng lẽ ra số tiền này các em HS phải được nhận, nhưng lại không đến tận tay các em mà do các bậc phụ huynh nhận hết. Ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý trao đổi với PV Dân trí về những bất cập trong việc hỗ trợ tiền cho HS vùng cao. Thầy Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý tâm sự: “Tiền Nhà nước hỗ trợ cho các em HS ăn học nhưng chúng tôi là những người thực hiện trao tiền buộc lòng phải đưa cho các bậc phụ huynh. Tiền hỗ trợ cho các em không được trao hàng tháng mà được cộng dồn trao mỗi năm chỉ có hai lần nên số tiền rất lớn. Đưa cho các em HS lại sợ các em tiêu mất. Trao cho các bậc phụ huynh thì cũng không đến được tay các em. Nhà trường có ý định giữ và phát cho các em hàng tháng thì phụ huynh không đồng ý nên đành lòng phải trao cho phụ huynh”. Thầy Hà lý giải thêm: “Theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg, mỗi năm nhà trường sẽ phải trả tiền trợ cấp thành hai đợt. Mỗi lần như vậy, một HS sẽ được nhận số tiền lớn, có em lên đến cả vài triệu đồng. Số tiền này đối với các em HS nơi đây là quá lớn nên các em mà nhận không biết phải làm gì với số tiền này”. Với số tiền này, nhà trường không thể đưa trực tiếp cho các em được mà bắt buộc phải có người nhà đến nhận. Nhiều phụ huynh sau khi nhận tiền, không dành dụm cho con ăn học hàng tháng mà dùng để mua xe máy, điện thoại, ti vi…”. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là rất nhiều HS tại trường THCS Mường Lý dùng điện thoại. Khi được hỏi “không có tiền ăn học sao lại có tiền mua điện thoại” thì chúng tôi nhận được những câu trả lời hồn nhiên của các em: “Điện thoại là do bố mẹ em mua, không có tiền dùng thì em mang đi học để nghe nhạc thôi”. “Nhận được tiền là bố em đem mua mấy cái điện thoại về dùng luôn. Khi nào hết tiền thì bố mẹ đi làm nương kiếm gạo ăn, vay tiền để cho em đi học chứ không để dành cho em đi học đâu”, em Lý Seo lớp 6B nói. Theo tính toán sơ bộ, nếu theo Quyết định 85 của Chính phủ thì mỗi HS bán trú được hỗ trợ hàng tháng bằng 40% mức lương tối thiểu. Trung bình mỗi HS tại trường sẽ được trợ cấp 420.000đ/tháng + 9 tháng học tập, tương đương 3.780.000đ/năm. Nhiều gia đình có nhiều con đi học thì số tiền hỗ trợ được nhân lên. Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết: “Xã Mường Lý có tới gần 70% hộ nghèo, những gia đình ở các bản cao như bản Mau, Sài Khao, bản Ún… không có miếng ăn chứ nói gì đến việc mua sắm đồ đạc trong nhà. Ở đây cứ sau mùa nhận tiền trợ cấp cho con em là đời sống bà con lại thay đổi hẳn lên, hỏi ra mới biết là tiền nhà nước cấp cho con em ăn học”. Cũng theo thầy Hà: “Các em HS đi học thường xuyên là rất khó, một phần do đời sống khó khăn, nhà ở xa trường nên phải trọ học. Trọ học phải chịu cảnh đói ăn, gia đình bắt về đi làm rẫy nên nhà trường rất khó đảm bảo sĩ số thường xuyên. Có em đầu năm thầy cô vận động đến lớp, tết ra lại nghỉ học đi làm rẫy, đến khi nghe tin nhà trường phát tiền lại thấy đi học nên chúng tôi không biết phải báo cáo con số thế nào. Gạt tên các em thì thương, mà để thì thầy cô lại phải làm báo cáo giải trình rõ”. Chính sách hỗ trợ là nhằm giúp học sinh giảm bớt những khó khăn, phục vụ cho việc ăn học. Tuy nhiên, trên thực tế, những bất cập trong việc cấp phát tiền hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn đã gây lãng phí tiền của Nhà nước. Theo Dân trí