Một thí dụ khá thú vị được đưa ra trong buổi giao lưu của chương trình Hiểu về trái tim với sinh viên trường Đại học Nhân văn TP.HCM: ra đường gặp những đứa trẻ bán vé số, những người già đi ăn xin, trẻ em lang thang bụi đời ai cũng thấy thương, nhưng có bao nhiêu người thương mấy anh công an đang làm nhiệm vụ trên đường phố? Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Một bạn sinh viên đã chia sẻ rằng có lẽ do chúng ta chưa hiểu hoàn cảnh của mấy anh công an nên chưa thương, còn với những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, hoàn cảnh của họ hiện ra trước mắt nên ai cũng thương. Thật ra, không ai lại không muốn được thương và dễ thương nhưng có chúng ta thường sống bằng cảm xúc của mình, nghĩa là khi đối tượng nào đó thỏa mãn cảm xúc của mình thì mình dễ dàng thể hiện tình thương cho họ. Điều đó chứng tỏ tình thương của chúng ta luôn có điều kiện. Trong cuộc sống, chúng ta thường quan niệm có qua - có lại, nghĩa là chúng ta chỉ thương những người nào thương chúng ta. Cũng tương tự như vậy, chúng ta chỉ yêu người nào có khả năng yêu lại mình. Đó là điều hết sức bình thường, nhưng chính điều bình thường đó đã tạo co chúng ta phiền bực trong tình thương. Vậy thì làm sao để chúng ta bớt đi những điều kiện trong tình thương? Sống là phải có mục đích, không ai giống ai nhưng chung quy vẫn là để có được thương yêu và hạnh phúc. Thương yêu tuy là thiên tính của con người, song chúng ta phải luyện tập rất nhiều để chuyển hóa sự ích kỷ hẹp hòi thì tình thương mới chân thật được. Nghĩa là thương mà chúng ta không chờ sự đáp lại của người khác. Thương thì phải mang lại cho người kia niềm vui và hạnh phúc thì đó mới là thương. Còn thương mà khiến người kia phải khó chịu thì đó không phải tình thương, bởi chúng ta đã đặt vào đó những điều kiện của mình. Tình thương chân thực phải có hai điều kiện: hiến tặng và chia sớt. Hiến tặng cho người kia niềm vui, hạnh phúc và chia sớt giùm người kia những nỗi khổ niềm đau.