(SGTT.VN) - Khi Toàn được hai tuổi rưỡi, Chinara Abdykadyrova đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa tại Tokyo, Nhật Bản. Toàn được chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ nhẹ (ASD). Hai vợ chồng Chinara đều sốc. Vì điều kiện gia đình, họ quyết định đưa con về Việt Nam sống và chữa bệnh, bắt đầu những tháng ngày đầy thách thức với người phụ nữ trẻ đến từ đất nước Trung Á Kyrgyzstan. Chinara đang dạy hai con học tiếng Việt qua hình. Ảnh: Hồng Thái Hai lần xa con Nhìn khuôn mặt mang nét Á Đông, nghe giọng Việt với âm điệu lơ lớ, nhiều người nhầm tưởng Chinara là Việt kiều. Khi Kyrgyzstan độc lập, cô bé Chinara tám tuổi chứng kiến hàng ngàn sự thay đổi. Bố mẹ mất việc, gia đình phải chuyển đến thành phố khác sinh sống. Anh chị em Chinara phải giúp cha mẹ làm những ổ bánh mì mang ra chợ bán kiếm thêm tiền. Sự cứng rắn và mạnh mẽ của cha mẹ đã dạy anh em Chinara một điều quan trọng: không bao giờ bỏ cuộc. Chinara vào trường đại học quốc gia Kyrgyz khi 15 tuổi, học về nghiên cứu châu Á. Năm thứ tư, Chinara nhận học bổng của Chính phủ Nhật sang Tokyo học. Tại ký túc xá dành cho sinh viên quốc tế, Chinara đã gặp và yêu người bạn Việt Nam, hiện nay là chồng chị. Sau đám cưới, cả hai quay lại Nhật Bản, anh làm việc cho một công ty Nhật, Chinara bắt đầu vai trò người mẹ. Cậu con trai ra đời được anh chị đặt tên Việt là Toàn. Khi bé được một tuổi, chị gửi con vào một trường mẫu giáo tại Nhật và tiếp tục đi học tại viện Thiết kế Tokyo. Nhưng chỉ vào học được vài tháng, chồng chị rời Nhật về Việt Nam làm việc. Trong thời gian chờ năm học mới của bé tại Nhật Bản, chồng chị mang cậu con trai một tuổi rưỡi về Việt Nam nhờ bà nội chăm sóc, còn chị ở lại Nhật học tiếp. Một tháng sau đó, chị sang Việt Nam thăm con vì nhớ. Ngay khi gặp bé, chị nhận thấy cậu bé đã khác hoàn toàn. Cậu không nhớ gì những điều chị dạy khi ở Nhật Bản. Sau hai tuần thăm con, chị trở lại Nhật Bản tiếp tục học. Cậu bé lại bị thêm cú sốc thứ hai khi thấy mẹ bỏ mình đi. Cậu chui vào phòng tối ngồi một mình, nhìn vào khoảng không tối trước mặt với khuôn mặt buồn bã. “Có lẽ Toàn cảm nhận được việc bị mẹ bỏ rơi lần thứ hai”, chị rớm nước mắt. Chị trở lại Việt Nam và mang con theo sang Nhật. Nhưng khi về Nhật, chị nhận ra so với các bạn cùng tuổi, bé rất khác. Toàn chậm nói, không chơi chung với bạn, không chú ý nghe thầy cô giáo đọc sách, không tập trung vào bất cứ điều gì, không nhìn thẳng vào mắt mẹ, sợ những nơi đông người và những âm thanh ồn ào. “Tôi đưa bé đi khám và không thể tin nổi điều bác sĩ chẩn đoán”, Chinara thổ lộ. Việc đầu tiên Chinara làm khi đặt chân đến Việt Nam là học tiếng Việt. Chị đến trường đại học Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM hai tiếng mỗi ngày, bắt đầu học từng từ Việt đầu tiên. Học được chữ nào, chị chỉ cho con và dùng những từ đã học để nói chuyện với con. Gian nan học ngôn ngữ mới Việc đầu tiên Chinara làm khi đặt chân đến Việt Nam là học tiếng Việt. Chị đến trường đại học Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM hai tiếng mỗi ngày, bắt đầu học từng từ Việt đầu tiên. Học được chữ nào, chị chỉ cho con và dùng những từ đã học để nói chuyện với con. Nghiên cứu sách vở, tham gia các hội thảo về trẻ tự kỷ, Chinara tự làm các miếng bìa có vẽ hình vật dụng hàng ngày như những chiếc muỗng, thìa, dao, tách chén và dạy cho con mỗi ngày từ nửa tiếng đến một tiếng bằng tiếng Việt. Đồ vật trong nhà, chị dán chữ tiếng Việt lên giúp bé làm quen như bàn ghế, thùng đựng rác, tủ đựng quần áo. Tự tay chị đi tìm các hình vẽ, chụp hình người thân trong gia đình và dạy bé Toàn bập bẹ từng tiếng mẹ, ba, bà nội, chú, dì. Bắt đầu từ từng từ đơn, cậu bé chỉ bập bẹ nói nhát gừng. “Giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là khi Toàn bập bẹ được tiếng đầu tiên, dù giọng nói ngọng nghịu y chang cách tôi phát âm”, Chinara cười. Khi đó, Toàn được ba tuổi rưỡi. Hiểu rằng để giúp con hoà nhập cộng đồng thì yếu tố gia đình là quan trọng nhất, chị chọn sống cùng đại gia đình. Mẹ chồng giúp chị hầu như mọi việc trong nhà để Chinara có thời gian dành cho con, nhiều khi bà còn đưa đón cháu đi học. Cuối tuần, hai vợ chồng Chinara đưa Toàn đến công viên, hồ bơi, sân chơi... Tập cho bé hoà nhập cộng đồng Sau những tháng ngày nỗ lực, Toàn nhận ra những người sống xung quanh, nhớ tên gọi các đồ vật trong nhà, hiểu được nhiều câu nói của ba mẹ và bà nội. Khi đó, vợ chồng Chinara quyết định có con thứ hai, mong muốn Toàn có thêm người thân để hoà nhập cuộc sống xung quanh tốt hơn. “Nhiều tài liệu cảnh báo rằng nếu sinh thêm con, đứa tiếp theo có nguy cơ cũng mắc bệnh ASD nếu là con trai. Nhưng vì muốn Toàn có thêm người thân nên chúng tôi đành thử vận may của mình”, chị cười. Chinara cho biết chuẩn bị tâm lý cho Toàn đón em bé là điều rất khó khăn, vì phải làm sao cho con không có cảm giác bị bỏ rơi. Nhưng cuối cùng, Toàn cũng hiểu và rất hào hứng khi đón chào cậu em nhỏ bé sắp ra đời với nhiệm vụ là phải chăm sóc và yêu thương em. Bé Thắng ra đời khoẻ mạnh, vài tháng tuổi đã bập bẹ ê a. Chinara tin rằng vợ chồng chị đã đúng và mong rằng bé Thắng sẽ là bạn và là người bảo vệ cho anh mình. Toàn cũng biết quan tâm đến em, thường hỏi “Em Thắng đâu?” khi không thấy em. Bé Toàn giờ sáu tuổi và bé Thắng cũng đã gần ba tuổi. Mẹ Chinara từ Kyrgyzstan mới sang Việt Nam thăm con và cháu. Điều áy náy nhất với chị là Toàn không thể nói chuyện với bà ngoại, trong khi Thắng còn biết được vài từ tiếng Nga và tiếng Kyrgyzstan để ê a với bà. Khi còn trẻ, Chinara từng ước mơ trở thành một vũ công balê, nhưng vì tôn giáo nên cha Chinara không thích con gái mặc váy ngắn. Lớn lên đôi chút, Chinara ước mơ trở thành tiếp viên hàng không, nhưng rồi cả hai giấc mơ đều không thành sự thật. Giờ Chinara là một người phụ nữ nỗ lực hàng ngày để đưa con mình trở lại trạng thái bình thường như bao đứa trẻ khác. Bốn năm nay, Việt Nam đã trở thành một phần trong tâm hồn Chinara. Cô làm nghề tự do về thời trang, thiết kế, làm đẹp, thời gian còn lại dành cho nấu ăn, chơi và dạy dỗ hai cậu con trai với hai thể trạng tâm lý khác nhau. “Tôi chẳng ước mơ gì hơn khi nhìn nụ cười trên mặt chồng và hai con trai tôi. Là người phụ nữ, tôi mong có con bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhiều lúc gặp khó khăn, tôi nghĩ mình không thể vượt qua. Nhưng chính vì quyết tâm không bỏ cuộc, tôi thấy mình đã làm được điều có ý nghĩa”, Chinara tâm sự. Kim Dung