(SGGP) - Là người Việt Nam, ai ai cũng biết Tết Nguyên đán hàng năm là một sự kiện lớn đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đây cũng là một đặc trưng của văn hóa Việt. Tết Nguyên đán được coi là một tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm. Nội hàm của văn hóa Tết Nguyên đán rất phong phú, sâu rộng. Song, bao trùm lên tất cả vẫn là sự hội tụ, đoàn kết, chia sẻ và chúc phúc. Ý nghĩa thiêng liêng của tết cũng từ đấy. Dân gian có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Rõ ràng văn hóa tết tập trung vào gia đình và xã hội. Cha mẹ và rộng hơn là tổ tiên, ông bà luôn là một nền tảng trong đời sống. Ngày tết, trước hết là ngày của gia đình, ngày của hiếu thuận. Ai cũng mong muốn ngày tết là ngày con, cháu sum vầy cùng cha, mẹ, ông, bà. Con, cháu chúc thọ, cha mẹ ông bà mừng tuổi. Họ hàng nội ngoại chúc tết. Ý nghĩa của sự đông vui của tết bắt đầu từ đấy. Người xưa có nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ngày tết là dịp giới trẻ gắn bó mật thiết hơn với cội nguồn, tổ tiên, dòng họ. Tất nhiên, theo sự phát triển chung của xã hội, do cuộc sống nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đoàn tụ trong ngày tết. Bởi vậy, hướng về tổ tiên, hiếu thuận với cha mẹ là ở tấm lòng mỗi người. Cha mẹ ông bà không muốn con cháu ở xa phải về nhà bằng bất cứ giá nào. Có đông mà không vui sẽ mất đi ý nghĩa đoàn tụ, chia sẻ ngày tết. Như đã nói ở trên, ngày tết không chỉ là ngày của gia đình. Đó còn là ngày xuân của xã hội, của dân tộc, đất nước. Vui xuân không quên nhiệm vụ. Từ xa xưa đã vậy. Bây giờ cũng thế. Mừng đón xuân về cũng là dịp để tưởng nhớ công lao của những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với dân tộc, đất nước. Đó là đạo lý sống của người Việt. Vui xuân cũng không thể quên những người còn phải sống trong khó khăn, những người tật nguyền bất hạnh. Góp công, góp của mang xuân đến tới mọi nhà là truyền thống có từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Ngày tết có nhiều lễ hội. Người Việt ta rất có ý thức trong vấn đề này. Lễ hội để ngày xuân đông vui, để ý nghĩa thiêng liêng được thể hiện rõ. Chính vì vậy, văn hóa tết luôn đề cao giá trị ứng xử trong lễ hội. Bản chất của lễ hội là văn hóa. Việc tổ chức và thưởng ngoạn cũng phải đảm bảo chuẩn mực văn hóa dân tộc phù hợp với đời sống hiện tại. Văn hóa tết luôn loại bỏ yếu tố mê tín, cờ bạc. Văn hóa tết luôn đề cao giá trị an toàn, văn minh. Trần Văn